(GD&TĐ)- Tối 21/8 tại Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã tổ chức khai mạc Festival Khèn Mông lần thứ Nhất - 2011. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần văn hóa du lịch ấn tượng Cao nguyên đá Đồng Văn nhằm giới thiệu với du khách trong và ngoài nước nét đặc sắc đời sống văn hóa tinh thần của người Mông nơi đây.
Đặc sắc đêm hội khèn Mông. |
Hàng ngàn du khách đến với Cao nguyên đá Đồng Văn đã được thưởng thức phần biểu diễn của gần 300 nghệ nhân, diễn viên đến từ các huyện nằm trên Cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh...
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Sèn Chỉn Ly cho biết: Festival Khèn Mông lần thứ Nhất -2011 nhằm giới thiệu những nét riêng có của các nghệ nhân thể hiện các vũ điệu múa khèn Mông. Nhạc cụ dân tộc Mông có khá nhiều về số lượng, cả về chủng loại, nhưng độc đáo nhất vẫn là tiếng khèn Mông. Khèn Mông không chỉ gắn bó với sinh hoạt, lễ hội, đời sống tâm linh mà còn là phương tiện tỏ tình tìm người yêu của các chàng trai, cô gái Mông đem đến hạnh phúc lứa đôi - đây chính là điều đặc sắc nhất.
Qua lễ hội này nhằm khuyến khích, sưu tầm, khai thác, bảo tồn các thể loại nghệ thuật nhạc cụ khèn Mông như: Múa khèn, thổi khèn và các bài khèn truyền thống và phát triển những bài khèn mới...của bà con dân tộc Mông trên Cao nguyên đá Hà Giang, hướng tới hoạt động gìn giữ, bảo tồn được nét đẹp nhân văn của cây khèn Mông, phát huy tính năng tốt đẹp trong cộng đồng dân tộc Mông, góp phần thiết thực vào việc xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong những năm qua, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, bản sắc văn hóa của người Mông không hề bị phai nhạt; được thể hiện trong sinh hoạt, kiến trúc nhà ở, trang phục truyền thống và đặc biệt là trong âm nhạc dân gian, cụ thể là khèn và các vũ điệu của khèn.
Đêm Festival diễn ra đằm thắm, trữ tình, mượt mà như tình cảm của các chàng trai, cô gái người Mông giành cho nhau. Với các tiết mục tiêu biểu như "Vũ điệu khèn Cao nguyên", "Thi liên hoan khèn mông", đều mang một nét tự nhiên, giản dị của tâm hồn người Mông đã làm say đắm say long người khi đến Đồng Văn.
Từ nhiều năm trở lại đây, huyện Đồng Văn đã tổ chức "Đêm phố cổ" vào các ngày 14, 15, 16 âm lịch hàng tháng. Trong "Đêm phố cổ" các hộ dân trong khu phố cổ đồng loạt treo đèn lồng đỏ; đồng thời tổ chức một số hoạt động mang đậm bản sắc khác như trưng bày thổ cẩm các dân tộc, trình diễn khèn và các vũ điệu của khèn; bày bán các món ăn truyền thống của các dân tộc nơi đây với kỳ vọng thu hút khách du lịch giống như cách người Hội An đã làm. Chợ Đồng Văn đã tồn tại gần trăm năm nay, phiên chợ họp vào các Chủ Nhật hàng tuần. Vì vậy mà cứ các tối thứ 7 trước phiên chợ, từng đôi trai gái người Mông, Dao, Giấy... lại đưa nhau về đây dạo chơi, thổi khèn uống rượu và hát múa; vào mùa đông khí hậu khắc nghiệt, từng nhóm thanh niên đốt lửa và múa hát quây quần bến đống lửa. (PV) |
|
Chiếc khèn Mông của bà con dân tộc Mông huyện Đồng Văn đã được xác nhận Kỷ lục Guinness - chiếc khèn Mông lớn nhất Việt Nam. |
|
Ngôn ngữ tình yêu qua điệu khèn của các chàng trai Mông. |
|
Tỏ tình. |
|
Chiếc khèn đã từ lâu gắn kết cộng đồng, làng bản không thể tách rời trong đời sống văn hóa của người Mông. |
|
Festival là dịp để du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tâm hồn của người H’ Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn qua tiếng khèn và các vũ điệu của khèn. |