Về nguồn - ý nghĩa giáo dục sâu sắc

GD&TĐ - Nhiều trường học tại Quảng Trị tăng cường hoạt động trải nghiệm, đưa học sinh về các di tích lịch sử, văn hóa.

Giáo viên và học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thăm Bảo tàng Quảng Trị.
Giáo viên và học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thăm Bảo tàng Quảng Trị.

Những tiết học này thực sự hiệu quả, tạo hứng thú cho học sinh và giúp các em nâng cao nhận thức thực tế, hiểu thêm về cội nguồn văn hóa dân tộc.

Đưa học sinh về “địa chỉ đỏ”

Năm học 2023 - 2024, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Đông Hà) đã xây dựng và tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm đến các di tích lịch sử, văn hóa. Những hoạt động ngoài không gian lớp học đã mang đến cho các em nhiều trải nghiệm thú vị.

Vừa qua, nhà trường đã tổ chức học sinh đến viếng và dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9, hiện là nơi yên nghỉ của gần 11.000 phần mộ anh hùng liệt sĩ. Hầu hết các liệt sĩ tại nghĩa trang là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 - Nam Lào trong kháng chiến chống Mỹ. Ngoài ra, còn có lực lượng quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào được quy tập đưa về quê hương an táng.

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, các giáo viên, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã thắp nén tâm nhang kính cẩn dâng hoa, dâng hương tại tượng đài. Đồng thời, đoàn cũng đã dành một phút tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự hi sinh quả cảm của các anh để giữ gìn nền độc lập, tự do cho đất nước.

Vào những dịp lễ, Tết, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, học sinh của trường cũng tham gia quét dọn khuôn viên nghĩa trang, làm đẹp nơi yên nghỉ của các anh hùng, liệt sĩ nơi đây. Cô Nguyễn Thị Tâm - Bí thư Đoàn trường, giáo viên Ngữ văn cho biết, ngoài bài học trên lớp, Đoàn trường tổ chức những hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức, giáo dục lịch sử, lý tưởng cách mạng cho học sinh.

Tiết học ngoại khóa sẽ giúp các em khắc ghi những ký ức chiến tranh, sự mất mát của ông cha. Từ đó, các em biết mình cần phải nỗ lực và cố gắng nhiều trong học tập và rèn luyện, phải biết không chỉ học kiến thức trong sách vở, mà phải học nhiều trong thực tế cuộc sống.

Đoàn trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tổ chức học sinh thăm viếng tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9.

Đoàn trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tổ chức học sinh thăm viếng tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9.

Cùng với việc đến tìm hiểu, tri ân tại những “địa chỉ đỏ”, Đoàn trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cũng đưa học sinh đến thăm thầy giáo Nguyễn Đức Sinh – cựu giáo viên nhà trường. Thầy Sinh là cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến ở chiến trường Tây Nam. Thông qua những câu chuyện chiến trường từ chính người thầy của mình, học sinh hiểu thêm về quá khứ đấu tranh anh dũng của quân và dân ta. Từ đó ra sức học tập, rèn luyện tốt để bảo vệ và xây dựng quê hương.

Bên cạnh đó, nhằm tạo cơ hội cho học sinh tham gia trải nghiệm, định hướng nghề nghiệp, Trường THCS&THPT Bến Hải (Vĩnh Linh) cũng tổ chức cho học sinh khối 11 tham quan cụm di tích đôi bờ Hiền Lương sông Bến Hải. Tại đây, các em được tham quan và nghe giới thiệu về Di tích đôi bờ Hiền Lương - một di tích quốc gia đặc biệt, điểm tham quan du lịch hấp dẫn và có nhiều ý nghĩa, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, nâng cao lòng tự hào dân tộc và ý thức về chủ quyền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam không chỉ hôm nay mà còn mãi với các thế hệ mai sau.

Ngoài ra, các em đến viếng và dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn là nơi an nghỉ của hơn 10.200 phần mộ anh hùng, liệt sĩ. Nghĩa trang là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta; thăm Di tích quốc gia đặc biệt Cầu Treo - Bến Tắt, Nhà thờ vọng Bến Tắt. Thông qua hoạt động trải nghiệm nhằm giáo dục các em học sinh nhà trường lòng yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tự hào về truyền thống anh hùng của quê hương.

Những tiết học giáo dục lịch sử địa phương thông qua trải nghiệm thực tế giúp học sinh hứng thú hơn.

Những tiết học giáo dục lịch sử địa phương thông qua trải nghiệm thực tế giúp học sinh hứng thú hơn.

Đổi mới tiết học lịch sử địa phương

Triển khai Chương trình GDPT 2018, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP Đông Hà) đã đưa bộ môn Giáo dục lịch sử địa phương vào dạy học, nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức bổ ích về lịch sử của quê hương đất nước.

Cô Bùi Thị Minh Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cho biết, những năm qua, cùng với việc chú trọng giáo dục địa phương cho học sinh thông qua việc lồng ghép vào các môn học, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ. Đặc biệt, là những hoạt động thực tế mang tính trải nghiệm giúp học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử, qua đó góp phần giáo dục những giá trị tốt đẹp của quê hương, đất nước.

“Năm học 2023 - 2024, nhà trường chú trọng đến hoạt động trải nghiệm thực tế giáo dục lịch sử địa phương. Hoạt động trải nghiệm giúp các em tiếp cận, tìm hiểu khá nhiều nội dung về văn hóa lịch sử truyền thống của địa phương, được tích hợp trong hoạt động trải nghiệm và trong các môn học tiếng Việt, đạo đức, tự nhiên và xã hội.

Để giúp học sinh nắm bắt lịch sử của địa phương, chúng tôi thường xuyên chỉ đạo giáo viên bám sát nội dung các chủ đề được quy định trong Chương trình GDPT mới để truyền đạt những nét đặc trưng về lịch sử địa phương đến với học sinh”, cô Bùi Thị Minh Hiền cho hay.

Cũng theo cô Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, mới đây nhà trường đã tổ chức cho học sinh lớp 4 trực tiếp tham quan trải nghiệm nhà vòm Phường 5, TP Đông Hà. Đây là công trình nằm trong khu vực sân bay quân sự Đông Hà, dùng để làm nơi trú ẩn cho các loại máy bay, nhất là máy bay lên thẳng. Sân bay quân sự Đông Hà nằm trong chi khu quân sự Đông Hà, một căn cứ có quy mô lớn được Mỹ - ngụy xây dựng những năm 1965 - 1966.

Trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị, tháng 4/1972, sau nhiều trận công kích, chiến đấu quyết liệt, bộ đội chủ lực quân giải phóng thuộc nhiều đơn vị của Tỉnh đội Quảng Trị cùng du kích địa phương đã chiếm được khu sân bay và toàn bộ cứ điểm, giải phóng Đông Hà. Nhà vòm sân bay là nơi quân giải phóng cắm cờ chiến thắng lần đầu tiên lên căn cứ quân sự đối phương.

Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Đông Hà) tổ chức tiết trải nghiệm đưa học sinh tham quan nhà vòm sân bay.

Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Đông Hà) tổ chức tiết trải nghiệm đưa học sinh tham quan nhà vòm sân bay.

Ngày nay, nhà vòm sân bay trở thành điểm di tích phục vụ người dân đến tham quan. Thông qua hoạt động trải nghiệm như thế này đã giúp cho các em học sinh lớp 4 có thêm kiến thức và nâng cao hiểu biết về lịch sử văn hóa địa phương.

Tham gia trải nghiệm, em Lê An Nhiên, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu bày tỏ: “Chúng em được tìm hiểu về môn lịch sử địa phương vô cùng ý nghĩa để hiểu biết thêm về những di tích lịch sử địa phương. Thời gian tới, mong muốn nhà trường tổ chức thêm nhiều hoạt động trải nghiệm để học sinh hiểu biết về lịch sử quê hương”.

Theo cô Lê Thị Linh Giang, Tổng phụ trách Đội - Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, trên địa bàn TP Đông Hà có nhiều di tích lịch sử, văn hóa nên thuận tiện trong việc tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Nhà trường luôn động viên khuyến khích các giáo viên dạy lịch sử địa phương dùng những hình ảnh minh họa thực tế đưa vào bài dạy để các em nắm rõ hơn, sâu hơn về kiến thức lịch sử địa phương.

Việc đưa giáo dục lịch sử địa phương vào trường học góp phần trang bị cho học sinh những kiến thức bổ ích về văn hóa lịch sử của quê hương giúp các em từng bước phát huy năng lực và bồi đắp tình yêu quê hương. Đồng thời, khơi dậy cho các em niềm hứng thú học tập và vận dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Theo bà Lê Thị Lan, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục Thường xuyên (Sở GD&ĐT Quảng Trị), Giáo dục địa phương là nội dung bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018. Bộ GD&ĐT giao các địa phương xây dựng chương trình của mình. Trên cơ sở đó, Quảng Trị đã xây dựng chương trình giáo dục địa phương phù hợp với đặc điểm văn hóa, lịch sử, kinh tế, xã hội của địa phương.

Sở GD&ĐT Quảng Trị, Ban biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương đã xác định mạch chủ đề của nội dung từ lớp 1 đến lớp 12 một cách chặt chẽ, khoa học. Phối hợp với chi nhánh Nhà xuất bản Giáo dục tại Đà Nẵng biên soạn, xuất bản tài liệu Giáo dục địa phương.

Đồng thời,Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phòng GD&ĐT, trường học triển khai nội dung này. Quán triệt cán bộ quản lý các trường phân công giáo viên dạy nội dung Giáo dục địa phương phù hợp với chuyên môn. Thực tế, trong những năm qua, các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã triển khai nội dung Giáo dục địa phương khá tốt.

Trong tài liệu Giáo dục địa phương có 8 chủ đề, thuộc nhiều lĩnh vực: Lịch sử, Địa lý, Sinh học... Hình thức Giáo dục địa phương khá đa dạng, phong phú. Tùy thuộc điều kiện từng đơn vị có thể tổ chức cho học sinh trải nghiệm thực tế tham quan di tích lịch sử, văn hóa.

“Tùy theo điều kiện thực tiễn tại đơn vị để tổ chức hoạt động phù hợp với nội dung Giáo dục địa phương. Trong quá trình dạy, tùy theo chủ đề, giáo viên có thể chọn hình thức phù hợp, có thể tổ chức học sinh đến bảo tàng, đi thực tế danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử”, bà Lan cho hay.

Việc đưa Giáo dục địa phương vào dạy học góp phần trang bị cho học sinh kiến thức bổ ích về văn hóa lịch sử của quê hương, giúp các em hiểu biết rõ hơn về lịch sử của quê hương mình. Ngoài kiến thức trong sách, học sinh được quan sát thực tiễn, bồi đắp tình yêu quê hương.

Đồng thời, giáo dục lòng tự hào về lịch sử, văn hóa, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh theo định hướng Chương trình GDPT 2018, khơi dậy cho các em niềm hứng thú học tập và vận dụng vào thực tiễn cuộc sống. - Bà Lê Thị Lan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cố gắng trò chuyện chân thành và sâu sắc với chồng để tìm hiểu lý do khiến anh ấy khó chịu. (Ảnh: ITN).

Ứng xử khôn ngoan khi chồng nổi nóng

GD&TĐ - Không có gì lạ khi chồng đột nhiên nổi nóng với vợ. Nhưng nếu sự việc này diễn thường xuyên như một thói quen, hôn nhân có thể gặp nguy hiểm.

Rimario gặp chấn thương sau trận thua Bình Dương.

CLB Đông Á Thanh Hóa nhận ‘tin dữ’

GD&TĐ - Thất bại trên sân nhà trước B.Bình Dương, Thanh Hóa còn đón thêm tin dữ khi tiền đạo Rimario Gordon dính chấn thương và chưa rõ ngày trở lại.