Học sinh hứng khởi thăm di tích lịch sử và văn hóa trong hoạt động trải nghiệm

GD&TĐ - Sau gần một học kỳ triển khai Chương trình GDPT mới, các trường tiểu học trên địa bàn TP Cần Thơ đã chủ động bắt nhịp chương trình, đa dạng hoạt động trải nghiệm cho học sinh.

HS Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) tham gia hoạt động trải nghiệm An toàn giao thông tại sân trường.
HS Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) tham gia hoạt động trải nghiệm An toàn giao thông tại sân trường.

Linh động 

Hoạt động trải nghiệm với lớp 1 trong Chương trình GDPT 2018 được ngành Giáo dục TP Cần Thơ quy định 3 mạch nội dung: Hoạt động hướng vào bản thân, xã hội và tự nhiên. Với lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 5 sẽ có 4 mạch nội dung, gồm hoạt động hướng đến bản thân, xã hội, tự nhiên và hướng nghiệp. 

Trao đổi về công tác triển khai hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học, ông Lê Thanh Long, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) cho biết: Từ đầu năm học 2020 - 2021, Sở đã có văn bản hướng dẫn các trường thực hiện chương trình trên. Theo đó, các trường tổ chức theo Chương trình GDPT mới với 3 tiết/tuần, được thực hiện thông qua 4 loại hình hoạt động chủ yếu: Sinh hoạt dưới cờ (nhóm lớn, quy mô trường); sinh hoạt chủ nhiệm (nhóm lớn, quy mô lớp học); hoạt động giáo dục theo chủ đề (quy mô lớp học, nhóm lớp học) và hoạt động câu lạc bộ, trong đó câu lạc bộ là loại hình tự chọn.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đặc biệt là trường tiểu học chủ động xây dựng kế hoạch triển khai theo lộ trình. Tổ chức thực hiện chương trình hoạt động trải nghiệm trong và ngoài lớp học, trên cơ sở bảo đảm các điều kiện đáp ứng nội dung, thời lượng. Bên cạnh đó, ngành cũng khuyến khích tổ chức hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường với các cơ sở giáo dục có đủ điều kiện, nhưng cần có mục tiêu giáo dục và an toàn cho HS; khuyến khích phụ huynh và Ban đại diện cha mẹ HS tham gia tổ chức, quản lý cùng GV chủ nhiệm lớp và nhà trường.

Theo thầy Lê Kinh Đô - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), nhà trường thực hiện 3 tiết trải nghiệm/tuần, gồm sinh hoạt dưới cờ, hoạt động và sinh hoạt tập thể. Ngoài ra, trong các môn học khác, HS còn được trải nghiệm khám phá để hình thành và vận dụng kiến thức: Trong môn Toán, các em sẽ thực hành nhận biết vị trí, định hướng, ước lượng tính toán… Ở môn Tiếng Việt, các em được học chủ đề gần gũi như: Bé và bà, đi chợ, kỳ nghỉ, thể thao, đồ chơi… giúp HS khai thác kinh nghiệm, ngôn ngữ vốn sống, qua đó phát triển phẩm chất căn bản và năng lực cần thiết cho bản thân.

Chú trọng giáo dục kỹ năng 

Cuối học kỳ I cũng là lúc các trường tiểu học tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm cho HS. Ảnh: TG
Cuối học kỳ I cũng là lúc các trường tiểu học tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm cho HS.   Ảnh: TG

Trong Chương trình GDPT mới, hoạt động trải nghiệm đã có hướng dẫn, quy định cụ thể. Căn cứ theo bài học, tiết học trong thời khoá biểu, GV linh động tổ chức giảng dạy phù hợp tình hình thực tế, điều kiện của trường, lớp. Theo chia sẻ của các trường, hoạt động trải nghiệm ngoài trường học được xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm, trong đó có sự phối hợp của cha mẹ HS với nhà trường. 

Theo thầy Lê Kinh Đô, sau khi HS có vốn kiến thức và kỹ năng nhất định ở học kỳ I, đến học kỳ II, nhà trường sẽ chỉ đạo thực hiện các hoạt động trải nghiệm, chú trọng trang bị kỹ năng tự phục vụ, giao tiếp, làm việc nhóm, nhận biết và giải quyết vấn đề qua các hình thức tổ chức như khám phá, tương tác, cống hiến và nghiên cứu. Đồng thời, để tổ chức các hoạt động trải nghiệm hiệu quả, nhà trường đã phân phối thời gian và thiết kế các hoạt động phù hợp với sở thích, lứa tuổi của HS, phối hợp hỗ trợ của quản lý nhà trường, đội, cha mẹ HS, tổ chức, cá nhân, xã hội.

Từ đầu năm học, Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) cũng tăng cường chỉ đạo các trường tập trung củng cố kiến thức cơ bản cho HS ở học kỳ I. Sau khi kết thúc đánh giá sơ kết, trường sẽ đẩy mạnh các hoạt động giáo dục trải nghiệm nhằm đáp ứng phát triển năng lực của HS, phù hợp với điều kiện nhà trường trên tinh thần tự nguyện tham gia của các em… Chương trình GDPT mới cũng quy định nội dung của hoạt động trải nghiệm tích hợp giáo dục địa phương gồm những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hoá, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... 

Theo bà Lê Thị Hường, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), Phòng đã chỉ đạo và hướng dẫn các trường tiểu học trên địa bàn tổ các hoạt động trải nghiệm. Hoạt động phải gắn liền với giáo dục truyền thống lịch sử của địa phương, di tích lịch sử và văn hoá trên địa bàn. “Vừa qua, các trường đã tổ chức một số hoạt động cho HS như thăm mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, Đình Bình Thủy, Nhà cổ Bình Thủy, Khu di tích Vườn Mận, qua đó giúp HS phát huy năng lực, đồng thời tạo điều kiện cho các em có cơ hội được gặp gỡ giao lưu, phát triển kỹ năng”, bà Hường cho biết.

Tránh tình trạng các trường tổ chức hoạt động trải nghiệm theo kiểu phong trào, đối phó, Sở chỉ đạo Phòng GD&ĐT hướng dẫn trường tiểu học xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể. Đưa nội dung giáo dục trải nghiệm vào thời khoá biểu hợp lý, trên cơ sở vừa bảo đảm chương trình giáo dục chính khóa, nhu cầu giáo dục phát triển năng lực cá nhân HS. Đồng thời, phải giám sát, kiểm tra, hỗ trợ từng trường thực hiện hiệu quả, giúp HS “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Ông Lê Thanh Long

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cha mẹ có thể để trẻ bình tĩnh rồi nói chuyện. Ảnh minh họa

Làm gì khi con hay giận dỗi?

GD&TĐ - Trẻ nhỏ thường giận dỗi, buồn rầu vì không thể nói ra được nỗi bực bội của mình hoặc chưa được đáp ứng mong muốn nào đó.