Về 'miền quê cổ tích' ở Sơn La tham gia lễ hội cơm mới

GD&TĐ - Ngày 2/9, đông đảo du khách đến tham quan và trải nghiệm lễ hội cơm mới tại 'miền quê cổ tích' ở Sơn La.

Cánh đồng lúa vàng ươm tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.
Cánh đồng lúa vàng ươm tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.

Nô nức trẩy hội

Chào mừng kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh (2/9/1945 – 2/9/2023), Lễ hội cơm mới và trò chơi dân gian được tổ chức tại xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, tỉnh Sơn La).

Theo kế hoạch, Lễ hội cơm mới được tổ chức từ ngày 2 - 3/9 nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị, nét đẹp văn hoá truyền thống đặc sắc của bà con các dân tộc xã Ngọc Chiến nói riêng và huyện Mường La nói chung.

Các đại biểu dự Lễ hội Cơm mới.

Các đại biểu dự Lễ hội Cơm mới.

Lễ hội cơm mới được tổ chức hàng năm, mang ý nghĩa tổng kết mùa vụ lao động, sản xuất, tạ ơn đất trời, thần linh và tổ tiên. Đồng thời, thể hiện lòng biết ơn tổ tiên đã phù hộ cho gia đình được mùa màng bội thu, cuộc sống sung túc, đầy đủ.

Ngoài ra, lễ hội còn là dịp để người dân gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, giáo dục con cháu duy trì, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời".

Tái hiện Lễ hội Pang A của đồng bào dân tộc La Ha, xã Ngọc Chiến.
Tái hiện Lễ hội Pang A của đồng bào dân tộc La Ha, xã Ngọc Chiến.

Ông Bùi Tiến Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến cho biết, Ngọc Chiến nằm ở độ cao trung bình trên 1.800m so với mặt nước biển, là vùng đất có nhiều phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, nhiều nét đẹp văn hoá đặc sắc.

Từ bao đời nay, người dân dựng lên những ngôi nhà sàn bằng gỗ “pơ mu” hàng trăm năm tuổi. Đặc biệt, vùng đất này còn được thiên nhiên ban tặng suối khoáng nóng có nhiệt độ từ 30 – 70 độ C.

Đông đảo bà con các dân tộc đến dự lễ hội.

Đông đảo bà con các dân tộc đến dự lễ hội.

“Bên cạnh những nét đẹp về thiên nhiên, bà con ở xã Ngọc Chiến còn lưu giữ các nghề thủ công truyền thống như: Se tơ, dệt vải, thêu thùa, dệt thổ cẩm. Cùng với đó, là các nghi thức truyền thống như: Cúng cơm mới, cúng vía trâu, dâng hoa mằn, Pang A của người La Ha.

Đây là vùng đất rất phù hợp cho phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm cho người dân nâng cao nguồn thu nhập”, ông Sỹ nói.

Bản làng thuộc xã Ngọc Chiến nhìn từ trên cao.

Bản làng thuộc xã Ngọc Chiến nhìn từ trên cao.

Đến với Ngọc Chiến, nhiều du khách ví vùng đất này giống như “miền quê cổ tích” của núi rừng Tây Bắc đại ngàn.

Tại đây có hơn 560 ha lúa ruộng, trải dài khắp các bản làng, bao quanh những nếp nhà sàn của bà con đồng bào dân tộc Thái, Mông, La Ha... Mỗi độ thu về, khi những thửa ruộng nhuộm sắc vàng của nắng, người dân xã Ngọc Chiến lại phấn khởi mở hội mừng cơm mới.

Ngày hội đã tái hiện nhiều không gian văn hóa hấp dẫn, không chỉ tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn thu hút du khách gần xa tới trải nghiệm, khám phá.

Các cô gái Mông mua trang phục tại 1 cửa hàng.

Các cô gái Mông mua trang phục tại 1 cửa hàng.

"Miền quê cổ tích”

Anh Nguyễn Đức Quang, du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Kỳ nghỉ lễ này, tôi đưa cả gia đình đến Ngọc Chiến nghỉ dưỡng. Tôi thấy cảnh quan nơi đây rất đẹp, khí hậu trong lành mát mẻ. Đặc biệt, người dân sống nghĩa tình và mến khách”.

Còn chị Nguyễn Thị Bình đến từ huyện Mai Sơn (Sơn La) chia sẻ: “Tôi nghe mọi người nói về Ngọc Chiến có cảnh đẹp, vì vậy vợ chồng tôi đã lên lịch đến đây chơi cách đây 2 tuần. Tôi rất ấn tượng với các trò chơi nhân gian, đặc biệt là phần tổ chức lễ cúng vía trâu”.

Thi đá bóng bưởi tại lễ hội.

Thi đá bóng bưởi tại lễ hội.

Lễ hội cơm mới ở Ngọc Chiến diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn, mang đậm nét văn hóa truyền thống, ý nghĩa tâm linh được chia làm 2 phần. Phần lễ được tổ chức tại nhà thờ bản Mường Chiến. Còn phần hội với chủ đề “Ngọc Chiến mùa cơm mới năm 2023” gồm các phần thi: Làm cốm, ẩm thực, đi Cà kheo, Tó Yến (cầu lông đồng bào Mông), Đá bóng bưởi nam, nữ; thi văn nghệ; Ngu kin khiết (rắn ăn ếch); Sừa kin mu (hổ ăn lợn); “lễ cúng vía trâu” và thi hoàng tử trâu…

Thi chọi dê trong khuôn khổ lễ hội mừng cơm mới.

Thi chọi dê trong khuôn khổ lễ hội mừng cơm mới.

Cúng vía trâu là một trong những nghi lễ đặc trưng về nông nghiệp của người Ngọc Chiến từ bao đời nay. Lễ cúng này, còn mang đậm dấu ấn văn hóa của nền nông nghiệp lúa nước, đậm đà bản sắc dân tộc, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa của tộc người Thái.

Với những nét độc đáo trong sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội mừng cơm mới xã Ngọc Chiến đã trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, thu hút đông đảo khách du lịch tìm đến.

Một số hình ảnh tại lễ hội mừng cơm mới xã Ngọc Chiến:

Bản làng và cánh đồng lúa của bà con người Thái dưới lớp sương mù bao phủ trong buổi sáng sớm.

Bản làng và cánh đồng lúa của bà con người Thái dưới lớp sương mù bao phủ trong buổi sáng sớm.

Các đội thi giã cốm tại lễ hội.

Các đội thi giã cốm tại lễ hội.

Từ lâu, cốm Ngọc Chiến được người tiêu dùng đón nhận, bởi hương vị thơm ngon.

Từ lâu, cốm Ngọc Chiến được người tiêu dùng đón nhận, bởi hương vị thơm ngon.

Cốm rang trên bếp củi.

Cốm rang trên bếp củi.

Sau khi rang trong chảo lửa, cốm bắt đầu toả hương thơm phức.

Sau khi rang trong chảo lửa, cốm bắt đầu toả hương thơm phức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.