Người La Ha ở Mường La giữ vững niềm tin theo Đảng

GD&TĐ - Thời gian qua, huyện Mường La (Sơn La) luôn quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc, trong đó có người La Ha.

Cuộc sống của người dân La Ha, bản Huổi Lẹ ngày càng đổi thay.
Cuộc sống của người dân La Ha, bản Huổi Lẹ ngày càng đổi thay.

Từ vùng nghèo khó trở thành nơi đáng sống…

Những ngày cuối tháng 4, trong tiết trời oi bức, chúng tôi di chuyển trên chiếc thuyền máy rời bến Ít Ong rẽ sóng ngược lòng hồ thủy điện Sơn La về xã Nậm Giôn. Đây là địa bàn xa nhất của huyện Mường La (Sơn La), nơi đây có gần 200 hộ người dân tộc La Ha sinh sống.

Bà con người La Ha ở Nậm Giôn chủ yếu cư trú ở 3 bản: Huổi Lẹ, Co Đứa và Huổi Ngàn. Bản Huổi Lẹ cách trung tâm xã gần 16km nhưng chỉ mất khoảng 30 phút đi xe máy là tới nơi. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến đây là con đường nhựa mới được đầu tư xây dựng rộng rãi, sạch đẹp. Cùng với đó là, những ngôi nhà sàn nằm xen giữa màu xanh của vườn cây ăn quả trông rất hoang sơ và mộc mạc; điểm trường, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, kiên cố... bức tranh nông thôn mới ở bản vùng cao hiện lên thật đẹp.

Ít ai biết rằng hơn 10 năm trước, Huổi Lẹ là 1 trong những bản “5 không” (không điện, không đường, không trường học, không nước sạch và không có sóng điện thoại), đặc biệt khó khăn nhất của huyện Mường La. Cuộc sống của người dân La Ha nơi đây quanh năm gắn với nương rẫy, phương thức canh tác lạc hậu, manh mún. Bởi vậy mà có thời điểm cả bản không có nổi 1 hộ thoát nghèo.

Để có được kết quả như ngày hôm nay là cả một câu chuyện dài về quá trình nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước thông qua các chính sách dành cho đồng bào dân tộc, quan trọng hơn cả là sự chung sức đồng lòng của người dân.

Từ 1 bản "5 không", hiện nay đời sống của người dân La Ha được nâng cao rõ rệt.

Từ 1 bản "5 không", hiện nay đời sống của người dân La Ha được nâng cao rõ rệt.

Ông Lò Văn Pau, Trưởng bản Huổi Lẹ, xã Nậm Giôn chia sẻ: “Trước đây cuộc sống của người dân trong bản khó khăn lắm. Hầu như nhà nào cũng là hộ nghèo. Đường sá, điện, nước, trường học chưa có. Nay được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước mọi thứ đã đổi thay, chúng tôi có đường mới về đến tận bản, có nguồn nước sạch sinh hoạt, điện xem ti vi. Trẻ em được đến trường học mới xây khang trang. Cuộc sống của người dân chúng tôi được cải thiện và nâng cao. Nhiều hộ trong bản trước đây khó khăn, nay đã thoát nghèo và có cuộc sống sung túc hơn”.

Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, huyện Mường La thông qua việc thực hiện các chính sách dân tộc, người La Ha ở Huổi Lẹ hôm nay đang "viết" tiếp giấc mơ xây dựng quê hương ấm no, khang trang từ chính sức mạnh của đôi bàn tay và khối óc.

Đảng viên Lò Văn Phương năm nay 60 tuổi, ông được biết đến không chỉ là người có uy tín của bản mà còn là tấm gương đi đầu trong việc phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Trước đây cũng như bao hộ khác trong cộng đồng người La Ha, gia đình ông mưu sinh chủ yếu từ làm nương ngô, sắn theo cách truyền thống, không bón phân, không cải tạo đất nên năng suất thấp, thu nhập bấp bênh.

Ông Phương nói: “Năm 2016, gia đình tôi cùng 60 hộ trong bản được hỗ trợ bò, dê giống và cây ăn quả theo Đề án “hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 – 2025” của Chính phủ. Để có kinh nghiệm chăm sóc, tôi đã đăng ký tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, chăm bẵm cây trồng, vật nuôi. Nhờ những bước đi quan trọng đó đã đem lại kết quả cao hơn tôi mong đợi. Hiện nay, tôi có hơn 1ha xoài Đài Loan. Cả trâu và bò có gần 20 con; dê có 30 con. Mỗi năm tôi có thu nhập hơn 150 triệu đồng”.

Ngoài hỗ trợ người dân La Ha phát triển sản xuất, chính quyền địa phương còn tuyên truyền bà con gìn giữ nét văn hoá đặc sắc của dân tộc.

Ngoài hỗ trợ người dân La Ha phát triển sản xuất, chính quyền địa phương còn tuyên truyền bà con gìn giữ nét văn hoá đặc sắc của dân tộc.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc…

Ông Lò Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Giôn cho biết: Trước đây cuộc sống của bà con người dân tộc La Ha rất khó khăn. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo của huyện, đến nay đời sống của người dân đã ổn định và nâng cao rõ rệt. Nhiều hộ dân đã thoát nghèo, con em được học hành, thu nhập của người dân được tăng cao.

Hiện nay, huyện Mường La có hơn 800 hộ là người dân tộc La Ha, chiếm 0,75% dân số, sinh sống ở 18 bản của 10 xã. Phần lớn, bà con cư trú chủ yếu ở những vùng khó khăn, cách xa trung tâm huyện; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chất lượng cuộc sống ở mức thấp; tập quán sinh hoạt, sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên.

Để tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, từ năm 2019 đến nay, huyện Mường La đã bố trí nguồn kinh phí hơn 18 tỷ đồng hỗ trợ người dân các bản về máy móc, nông cụ sản xuất; hỗ trợ 122 con dê, 654 con bò cho 776 hộ La Ha. Đồng thời, huyện Mường La còn tổ chức 3 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 209 cán bộ dân tộc, góp phần cải thiện cuộc sống, nâng cao vị thế của đồng bào La Ha và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Người dân La phát triển chăn nuôi gia cầm.

Người dân La phát triển chăn nuôi gia cầm.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch UBND huyện Mường La cho biết: “UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2477, phê duyệt đề án hỗ trợ và phát triển kinh tế xã hội của đồng bào dân tộc La Ha. Đây là chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ toàn diện cho bà con phát triển. Từ đó xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào 1 cách bền vững, xây dựng các cơ sở thiết yếu ở thôn bản, nơi cư trú của dân tộc La Ha. Qua đó, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, hỗ trợ và bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc La Ha”.

Song song với việc hỗ trợ người dân tộc La Ha phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, huyện Mường La còn thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Năm 2020, huyện đã phối hợp với các nghệ nhân tổ chức phục dựng Lễ hội Pang A tại 17 bản; hỗ trợ các trang thiết bị ti vi, bàn ghế, âm ly, loa đài cho 18 nhà văn hóa. Đồng thời, hỗ trợ 32 triệu đồng cho đội văn nghệ của 16 bản để duy trì hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của nhân dân, cũng như phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Chính quyền địa phương luôn quan tâm, hướng dẫn kỹ thuật giúp người dân phát triển nông nghiệp.

Chính quyền địa phương luôn quan tâm, hướng dẫn kỹ thuật giúp người dân phát triển nông nghiệp.

Các chính sách đặc thù dành cho dân tộc La Ha còn được thể hiện rõ nét trong lĩnh vực giáo dục. Trường PTDT Nội trú THCS và THPT huyện Mường La hiện có 93 học sinh dân tộc La Ha đang học tập và ăn ở tại trường, chiếm khoảng 30%.

Những ngày này, em Lò Thị Nhung, lớp 12A, đang tập trung ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. 3 năm học ở đây, bên cạnh các chế độ được hưởng như: Xét tuyển thẳng, được trang bị đầy đủ sách vở, đồ dùng, dụng cụ, em và các bạn học sinh người La Ha còn được hưởng mức hỗ trợ học tập theo Nghị định 57 của Chính phủ với gần 1,5 triệu đồng mỗi tháng.

Nhung chia sẻ: “Em học tại trường nội trú được 3 năm rồi. Trong thời gian học tập, em được các thầy cô giáo quan tâm chu đáo. Học tại trường chúng em được Nhà nước chu cấp kinh phí về ăn uống và sách vở”.

Từ những chủ trương chính sách hỗ trợ, đầu tư toàn diện, đồng bộ của Đảng và Nhà nước, cuộc sống vật chất tinh thần của người dân tộc La Ha ở huyện Mường La đã được nâng cao rõ rệt. Bà con dân tộc La Ha đã dần thay đổi tư duy về phát triển sản xuất, cộng đồng đoàn kết, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Cộng đồng người La Ha ở đây luôn một lòng vững niềm tin theo Đảng, chung tay cùng cấp ủy, chính quyền làm giàu, xây dựng quê hương giàu mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.