Sẽ không có gì để nói về chuyến trở về này nếu biết rằng, tướng Đồng Sỹ Nguyên từng giữ cương vị Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tức Phó Thủ tướng ngày nay), ông có thừa tiêu chuẩn để có một chỗ nằm trang trọng trong Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội) - nơi dành cho những cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước sau khi qua đời.
Với cương vị từng đảm trách, tướng Đồng Sỹ Nguyên thừa tư cách và tiêu chuẩn để chọn một nơi nào đó ở quê hương Quảng Bình. Nhưng tướng Nguyên đã chọn theo cách của một người lính: Không xa rời đồng đội dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cùng chung gánh vác khó khăn, kể cả sự hy sinh để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó. Tinh thần cùng chất lính ấy đã theo ông suốt dặm dài cuộc chiến tranh vệ quốc cho đến tận lúc về với thế giới bên kia.
Ngay sau khi tướng Đồng Sỹ Nguyên qua đời, hôm 4/4, bức thư ông gửi Trưởng Ban quản trang Nghĩa trang Trường Sơn vào năm 2015 đã được công bố. Bức thư của một lão tướng đã vượt ngưỡng 90 nhưng nét chữ vẫn còn rắn rỏi, lời lẽ chân phương như thuở còn khoác áo lính. Ông nhắc lại rằng, nguyện vọng sau khi qua đời được về nằm cùng đồng đội ở Nghĩa trang Trường Sơn đã được ông đề nghị từ lâu, nay nhắc lại kẻo quên! Thư viết: “…Xin một mảnh đất ở đồi văn bia gần khu quần tượng để an nghỉ. Vậy đề nghị đồng chí ủng hộ và giúp đỡ”.
Chao ôi là thương mến! Biết bao kính trọng mà người đời sẽ dành cho vị tướng tài ba qua đoạn thư ngắn này. Chẳng chọn thế đất “rồng chầu hổ phục”, cũng không xin được an nghỉ nơi trang trọng nhất mà chỉ xin được nằm bên đồng đội của mình, ở ngay trong lòng nghĩa trang. Nguyện vọng cuối đời của một vị tướng từng xẻ dọc Trường Sơn mới khiêm nhường làm sao! Chỉ có những người suốt đời gắn bó với nhân dân, lo cái lo trước thiên hạ, vui cái vui sau thiên hạ thì mới có những “đề đạt” khó tin như vậy.
Ngót 10 năm gắn bó với Trường Sơn huyền thoại (1966 - 1975), tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng được đồng đội khoác trên người ông những “huyền thoại” như con đường mà ông với tư cách là Tư lệnh kiêm Chính ủy của Binh đoàn. Những cô thanh niên xung phong Trường Sơn thuở ấy hẳn sẽ không bao giờ quên những chùm bồ kết mà vị Tư lệnh đã dành tặng họ giữa rừng. Những anh lính lái xe xuyên trận địa pháo trên đất lửa Hà Tĩnh, Quảng Bình sẽ còn nhớ mãi những gói chè, điếu thuốc mà vị Tư lệnh của mình đã nhường cho họ ngay giữa hai đợt bom. Những kỷ niệm ấy đã cùng ông thức ngủ hết cuộc chiến tranh và ngay cả lúc hòa bình. Ông không thể sống khác được khi nghĩ về sự hy sinh của những người lính.
Về lại với Trường Sơn để một lần nữa tướng Nguyên tiếp tục gắn bó với những người lính từng theo ông đi trọn mùa kháng chiến. Mong ông yên nghỉ thanh thản và toại nguyện với những gì mà ông đã dâng hiến cho Tổ quốc.