Già Làng Đinh Văn Bớt (72 tuổi, trú tại thôn Tà Lâu, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) cho hay, chuột rừng luôn là hàng hiếm bởi chúng sống trên vùng rừng núi cao, trong những hốc đá, bụi cây rậm rạp, hang dưới đất sâu... nên việc săn bắt không hề dễ dàng. Khác với chuột đồng, chuột rừng khá to, mập, do ăn vỏ cây, quả rừng, ngô, sắn, khoai, lúa rẫy... nên chúng là thực phẩm sạch hoàn toàn. Khi xuân đến Tết về, người Cơ Tu hay dùng cách “lam” chuột để nấu các món ăn. Món chuột lam (amó horzất) cũng có hương vị rất đặc trưng, hấp dẫn, bất ngờ, thú vị khi thưởng thức.
Món chuột xông khói um với chuối xanh |
Già làng Bríu Nga (60 tuổi, trú thôn Paliêng, xã Ating, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) cho hay, trước Tết khoảng hơn 1 tháng, người Cơ Tu mang theo sắn khô lên rừng chọn những vị trí thuận tiện để vãi xuống mặt đất nhằm “vỗ béo” chuột. Trước Tết khoảng 15 ngày, họ mang bẫy kẹp lên vị trí này để gài bẫy bắt chuột rừng về dự trữ ăn Tết. Trung bình, mỗi người gài khoảng vài trăm bẫy. Mỗi ngày từ sáng họ lên rừng để thu hoạch chuột mắc bẫy. Có người “trúng mánh” được vài chục con chuột một lần đi thăm bẫy. Chuột mang về, phụ nữ Cơ Tu đốt lửa để thui làm lông, rửa sạch và đặt trong cái nia nhỏ xông trên giàn bếp cho khô dần để chế biến các món ăn trong ngày Tết hoặc đãi khách quý.
Món thịt chuột rừng mang nướng trên than hoa rất thơm ngon mà người Cơ Tu thường chế biến đãi khách quý. Cách làm như sau: Săn được chuột rừng về, đồng bào dùng rơm hay cỏ tranh khô thui vàng da rồi mới mang đi mổ bụng lấy hết nội tạng, chặt bỏ đầu, đuôi, chân. Sau đó, mang mình chuột đi rửa sạch sẽ bằng nước ấm, để ráo nước. Sau đó chặt thân chuột vuông vức bằng 3 đầu ngón tay ướp với hàng chục loại gia vị từ quen thuộc nước mắm, tiêu rừng, tỏi, riềng, sả, ớt, lá quê tươi… Thịt chuột được ướp trong khoảng nửa giờ đồng hồ cho ngấm rồi sắp lên vỉ nướng trên than hoa hồng rực. Khi nướng lật vỉ cho thịt ở các phía cho tới khi thịt có màu vàng rộm, mùi thơm nức mũi lan tỏa là ăn kèm với rau thơm rất tuyệt.
Tôi còn nhớ như in vào một buổi chiều cận Tết, già Alăng Mơ (70 tuổi, trú tại thôn Bốn, xã Ba, huyện Đông Giang) đãi chúng tôi món chuột rừng nướng (lam) ống nứa tươi. Chúng tôi thấy già “hăng hái” làm sạch hai con chuột và nhét chuột vào ống nứa tươi, sau đó lấy rau môn dóc (azóc - là loại rau dại mọc rải rác trong rừng, trông gần giống các loại khoai môn nhưng lá dài và nhỏ hơn, có mùi thơm) cuộn lại và nhét sâu vào ống để bịt miệng lại nhằm tạo thêm hương vị thơm tho cho món ăn, đồng thời ông cho ít muối vào ống. Xong đâu vào đấy, ông bảo hai đứa con gái ngồi bên bếp lửa cầm ống nứa trở qua trở lại để nướng, lát sau hai ống nứa bắt đầu nám đen do lửa.
Sau khi chín, già Alăng Mơ dùng rựa tách hai ống nứa để lấy chuột và rau ra. Mùi chuột nướng hòa quyện với rau môn dóc bay ra thơm ngào ngạt. Sau khi xe thịt chuột đã nướng ra đĩa, già mang rượu và mời chúng tôi thưởng thức món này chấm với muối tiêu rừng (amất). Tuy nhiên, lúc đầu chúng tôi hơi ngần ngại nhưng khi đã nếm rồi, thì cảm thấy rất ngon và thú vị vì thịt có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt, xương giòn nên nhấm với rượu rất hấp dẫn.
Ai đã từng thưởng thức chuột đồng nướng sẽ biết nó ngon thế nào. Nhưng cái vị của chuột đồng sẽ khó sánh được với chuột rừng, có lẽ vì nó thiếu hương vị của núi rừng. Nếu có dịp du khảo núi rừng Trường Sơn vào dịp cận Tết, bạn sẽ được cư dân hiếu khách nơi đây mời bạn thưởng thức các món từ chuột rừng, bạn khó có thể từ chối, vì như vậy sẽ làm tổn thương, phật ý đồng bào. Trong những ngày giáp Tết, ngày đông giá rét, thật là lý thú khi ngồi bên bếp lửa hồng, được thưởng thức thịt chuột rừng nướng, lam nóng hổi, thơm ngọt; nhấp cùng với chén rượu tà vạt hay tr’đin mà nghe vị nồng ấm của các thứ men rừng Trường Sơn hòa quyện các gia vị của núi rừng chảy rần rần trong huyết quản.n