'Vẽ đường' đến tương lai cho trò vùng khó

GD&TĐ - Thấu hiểu mọi vất vả, rào cản đặc thù của con em đồng bào dân tộc thiểu số địa phương mới có thể hỗ trợ các em trên con đường đến trường...

Cô giáo Ngân Thị Thanh Hòa (áo xanh) hướng dẫn học sinh đăng ký các ngành học.
Cô giáo Ngân Thị Thanh Hòa (áo xanh) hướng dẫn học sinh đăng ký các ngành học.

Cô giáo Ngân Thị Thanh Hòa là “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc lần thứ IX” với hành trình “vẽ đường” đến tương lai cho trò vùng khó.

Từ người kết nối…

Vượt qua dãy Huổi Mí cheo leo, cô bé người Mông – Vàng Thị Xinh (SN 2007) chính thức trở thành tân học sinh Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên, năm học 2022 – 2023. Cùng với gần 300 học sinh khác, ngày đầu nhập trường, Xinh được cô giáo Ngân Thị Thanh Hòa đón và sắp xếp, ổn định nơi ăn, chốn nghỉ.

Sau vài ngày nghỉ ngơi, Xinh nhanh chóng quên đi những bỡ ngỡ ban đầu để hòa nhập với môi trường học tập, sinh hoạt mới. Xinh chia sẻ, em cùng các bạn được tham quan mô hình học tập ở mỗi ngành, nghề đào tạo của nhà trường. Các em còn được tham gia hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao chào tân sinh viên. Trong suốt quá trình ấy, Xinh cảm thấy tự tin hơn khi luôn có sự đồng hành, hướng dẫn của cô giáo Hòa.

Trong quá trình tuyển sinh tại các Trường THCS, THPT ở cơ sở, cô Hòa luôn tạo được nhiều thiện cảm từ phía học sinh.

Trong quá trình tuyển sinh tại các Trường THCS, THPT ở cơ sở, cô Hòa luôn tạo được nhiều thiện cảm từ phía học sinh.

Nhà Xinh thuộc diện nghèo, ở bản Pá Xoan, xã Huổi Mí, huyện Mường Chà. Em biết đến cô giáo Hòa khi còn đang theo học tại Trường PTDTBT THCS Huổi Mí. Khi ấy, cô Hòa cùng nhóm tuyển sinh của Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên về trường Xinh làm công tác truyền thông. Xinh ấn tượng ngay với sự cởi mở, thân thiện từ cô. Cũng nhờ những tư vấn nhiệt tình, sự thấu hiểu, động viên của cô Hòa, Xinh đã từ bỏ ý định nghỉ học để đăng ký theo ngành Công tác xã hội tại trường.

“Gia đình khó khăn nên không đủ khả năng nuôi em theo học tiếp. Em từng hoang mang không biết tương lai sẽ như thế nào. Thật lòng thì em vẫn muốn được đi học, có nghề trong tay để thoát khỏi cảnh nghèo. Khi nghe em tâm sự vậy, cô Hòa đã động viên, tư vấn em về trường nghề học. Ở đó vừa không phải lo chỗ nghỉ, lại được hỗ trợ nhiều. Em thấy phù hợp với hoàn cảnh gia đình nên em đăng ký học luôn”, Xinh tâm sự.

Cũng như Xinh, 5 năm trước, cậu bé người Mông - Mùa A Bình một mình bắt xe từ huyện biên giới Mường Nhé về TP. Điện Biên Phủ để nhập học tại Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên. Sau 3 năm theo học, giờ Bình đang lái máy xúc cho một doanh nghiệp ở địa phương với mức thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng.

Bình tâm sự, khi còn học lớp 9, em từng rất hoang mang, lo lắng về tương lai. Bởi gia đình khó khăn, lại đông con nên nhiều người khuyên nghỉ học đi làm, phụ giúp bố mẹ.

"Em may mắn gặp cô Hòa khi cô về trường tuyển sinh. Nhờ nghe cô tư vấn em đã quyết định đi học lái máy xúc và tiếp tục học văn hóa ở trường nghề. Không phải quá lo gánh nặng kinh tế, em lại có thể tiếp tục đi học. Về trường em được cô động viên thường xuyên. Giờ thì em đã có nghề ổn định để nuôi sống bản thân và lo cho gia đình”, Bình bộc bạch.

Không chỉ với học sinh, mà nhiều phụ huynh đồng bào dân tộc thiểu số rất tin tưởng cô giáo Hòa (áo đỏ bên trái).

Không chỉ với học sinh, mà nhiều phụ huynh đồng bào dân tộc thiểu số rất tin tưởng cô giáo Hòa (áo đỏ bên trái).

…đến “cây” sáng kiến

Cô giáo Ngân Thị Thanh Hòa hiện là chuyên viên Phòng Đào tạo - Nghiên cứu khoa học, Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên. Không trực tiếp đứng lớp nhiều, song cô Hòa luôn được nhiều thế hệ học sinh, sinh viên nhà trường nhắc đến với hình ảnh rất thân quen, gần gũi.

Cô Hòa tâm sự, mình là con của đồng bào dân tộc Thái bản địa. Bởi vậy, cô thấu hiểu mọi vất vả, rào cản đặc thù của con em đồng bào dân tộc thiểu số địa phương trên con đường đến trường. Từ những chia sẻ đó, với vai trò, vị trí việc làm của mình, cô Hòa đã kết nối, định hướng và hỗ trợ để nhiều thế hệ học trò vượt khó, tiếp tục theo học và tìm được ngành nghề phù hợp.

“Trước tiên là tôi cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Mà trực tiếp là công tác tuyển sinh của nhà trường. Từ việc tham mưu, tham gia tổ chức đa dạng các hình thức tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp. Đặc biệt là phối hợp với trường THCS, THPT tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp. Từ đó, không chỉ nâng cao hiệu quả tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp nhà trường, mà qua đó tôi còn kết nối hành trình học tập, tìm kiếm việc làm cho nhiều học sinh khó khăn”, cô Hòa chia sẻ.

Cô Hòa nhận giải thưởng "Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc lần thứ IX".

Cô Hòa nhận giải thưởng "Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc lần thứ IX".

Năm 2022 cô Hòa vinh dự đạt giải thưởng “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc lần thứ IX” và nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đồng thời là một trong 40 giáo viên trẻ tiêu biểu được tỉnh Đoàn Điện Biên tuyên dương. Để góp mặt trong danh sách những cá nhân tiêu biểu được vinh danh là cả quá trình cống hiến của cô giáo trẻ.

Mà theo đánh giá từ Ban Giám hiệu nhà trường thì cô Hòa luôn là “cây” sáng kiến của đơn vị, với nhiều đề xuất, đề tài hữu ích trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Cụ thể như các đề tài: Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác truyền thông; nâng hiệu quả tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp; tổ chức nhập học cho thí sinh trúng tuyển trình độ cao đẳng, trung cấp...

“Với sự năng nổ, nhiệt huyết của một cán bộ, đảng viên trẻ, cô Hòa luôn gần gũi, tạo sự tin tưởng với học sinh, sinh viên. Cùng với những sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ đã giúp cho nhà trường có những điều chỉnh phù hợp. Đặc biệt là việc xây dựng hệ thống tài liệu, video, pano, áp phích, tờ rơi… sáng tạo, tinh gọn, rõ ràng, cuốn hút học sinh. Công tác tuyển sinh và hỗ trợ học sinh nhập học cũng được nâng cao, có chiều sâu và hiệu quả rõ rệt”, cô giáo Hà Thị Như Hoa, Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên nhận xét.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.