Về Đông Thái nghe chuyện hiếu học

GD&TĐ - Nhắc đến làng Đông Thái người ta nhớ đến một vùng đất hiếu học và khoa bảng với nhiều danh nhân hiền tài, thời nào cũng có những đóng góp cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực.

Đường vào làng khoa bảng Đông Thái (xã Tùng Anh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh).
Đường vào làng khoa bảng Đông Thái (xã Tùng Anh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh).

Làng khoa bảng gần 600 năm tuổi

Đông Thái là một làng cổ thuộc xã Tùng Ảnh (Đức Thọ - Hà Tĩnh), nằm bên bến Tam Soa hiền hoà thơ mộng, nơi gặp nhau giữa 3 con sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu và Sông La, hiện có 257 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu.

Bỏ lại sự bụi bặm, ồn ào, đông đúc của phố phường, làng cổ Đông Thái nằm yên bình, khép mình với những nét trầm tư cổ kính. Đây cũng là nơi chôn rau cắt rốn của Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng, lãnh tụ phong trào Cần Vương. Hiện làng có hơn 100 giáo sư, tiến sĩ.

Một trong những vị danh sĩ nổi tiếng của làng chính là Hoàng giáp Bùi Dương Lịch. Ông là nhà giáo nổi tiếng thời kỳ cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, là người được 3 triều nhà Lê, Tây Sơn, nhà Nguyễn trọng dụng.

Dưới thời nhà Lê, ông được mời làm thầy giáo dạy học cho các hoàng tử; thời nhà Tây Sơn, ông cùng  tham gia soạn sách dưới quyền La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Sau đó ông được nhà Nguyễn cử làm Đốc học Nghệ An, và triệu vào kinh đô Phú Xuân giữ chức Phó Đốc học Quốc Tử Giám.

Theo thống kê, dưới thời phong kiến, Đông Thái có có 24 người đỗ đại khoa tiến sĩ trong tổng số 44 tiến sĩ của huyện Đức Thọ. Ngoài Hoàng giáp Bùi Dương Lịch còn có nhiều danh sĩ khác như Hoàng giáp Bùi Thức Kiên, Thượng thư Phan Bá Đạt, Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng, Tiến sĩ Phan Tam Tĩnh (nguyên Bố chính Hải Dương), Tiến sĩ Phan Trọng Mưu (đốc học Quảng Ngãi), Tiến sĩ Phan Huy Nhuận, Khâm sai đại thần Hoàng Cao Khải… Họ đều là những người con ưu tú của mảnh đất địa linh nhân kiệt này.

“Làng nghề” nuôi con đi học

Cụ Trần Văn Dụ 81 tuổi vẫn miệt mài phát huy truyền thống làng hiếu học cho thế hệ trẻ.

Cụ Trần Văn Dụ 81 tuổi vẫn miệt mài phát huy truyền thống làng hiếu học cho thế hệ trẻ.

Người làng Đông Thái vẫn thường đùa nhau, nghề truyền thống của làng chính là nuôi con ăn học. Nói vậy bởi, trải qua hàng trăm năm, tinh thần lập thân bằng con đường học tập khoa cử là một mạch nguồn được truyền nối qua nhiều đời, nhiều thế hệ trong làng Đông Thái. Ngày nay, thế hệ kế cận của Đông Thái càng làm rạng danh thêm truyền thống hiếu học của làng khoa bảng.

Những gia đình có con em học hành thành tài, đỗ đạt cao không phải là câu chuyện hiếm có tại làng Đông Thái. Nhiều gia đình trong làng đều có con em là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ.

Trong số đó, có những người đang giữ nhiều vị trí quan trọng ở Trung ương hoặc đang công tác, học tập và làm việc ở nước ngoài, trên mọi miền quê của Tổ quốc. Điển hình như gia đình Giáo sư Phan Văn Tài, gia đình Giáo sư Mai Trọng Lê, Phan Anh, Phan Mỹ....

“Theo thống kê của chúng tôi, từ năm 1945 đến nay làng Đông Thái có hơn 50 giáo sư, tiến sĩ đang sinh sống và công tác trên khắp mọi miền đất nước. Chúng tôi vô cùng tự hào với những con em mình luôn đóng góp xây dựng đất nước trong mỗi thời kỳ”, ông Vinh tự hào.

Một trong những gia đình được người làng Đông Thái thường nhắc đến là nhà ông Mai Quốc Tề (63 tuổi). Từ đồng lương ít ỏi của nghề giáo và nông nghiệp, vợ chồng ông đã nuôi 4 người con ăn học thành tài.

Trong đó, con trai đầu hiện công tác tại Trung tâm Khoa học kỹ thuật quân sự, con trai thứ hai đang làm trong một công ty thuộc Bộ Giao thông Vận tải, cậu ba là giáo viên, con gái út đang làm ngân hàng.

“Từ thời ông bà làm nông, nuôi tằm dệt lụa nhưng vẫn luôn cố gắng cho con cái học hành được đến nơi đến chốn. Gia đình tôi, có thời điểm 4 con đều vào đại học, hai vợ chồng bán hết lúa, cầm cố đồng lương để nộp học phí cho con. Nhiều khi vợ chồng ở nhà bữa no bữa đói nhưng việc học của con vẫn luôn đảm bảo sự chu toàn”, ông Tề kể lại.

Gia đình ông Trần Thanh Hà, bà Lâm Hải Yến đều làm việc trong lĩnh vực y tế của ngành công an. Ông Hà có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, khi mẹ mất sớm, một mình bố nuôi ông và người em gái ăn học.

Hàng ngày mỗi khi đến trường, ông thường buộc bò ngoài cây rồi chạy vào lớp để học. Tranh thủ nghỉ giải lao lại ra chăn bò, cứ như thế suốt mấy năm học liền. Để phụ thêm bố, 2 anh em phải đi bắt cá, hôm nào được nhiều lại phân công nhau nghỉ học đi bán kiếm tiền.

Hiện vợ chồng ông Hà có 2 người con, trong đó vợ chồng người con gái đang học tiến sĩ ở châu Âu, còn người con trai đang làm việc tại một tập đoàn lớn trong nước.

“Ở làng Đông Thái, người dân đều có quan niệm trọng kiến thức hơn sự giàu có. Họ không phải cố gắng học để thoát nghèo, mà học vì danh dự bản thân. Nếu 10 em đi thi đại học mà có một em trượt thì buồn vô cùng, từ đó tự nhủ cố gắng hơn. Vợ chồng chúng tôi vẫn thường nói đùa với con rằng nếu không cố gắng học thật giỏi thì đừng đi qua cổng làng nữa”, ông Hà chia sẻ.

14 dòng họ đều có quỹ khuyến học

Phan Minh Ánh, học sinh lớp 12A, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai.

Phan Minh Ánh, học sinh lớp 12A, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai.

Ý thức học tập và phong trào khuyến học ăn sâu vào tâm trí từ cụ già đến các em nhỏ làng Đông Thái. Những năm qua, việc xây dựng dòng họ khuyến học, gia đình khuyến học đều được các làng đưa vào hương ước. Ông Phạm Hồng Chương, Bí thư Chi bộ thôn Đông Thái cho biết: “Các dòng họ ở xã chúng tôi vẫn thường lấy thành tích học tập của con cháu mà đọ với nhau”.

Theo ông Chương, toàn xã có khoảng 14 dòng họ, đây đều là những dòng họ khuyến học. Những dòng họ có nhiều giáo sư, tiến sĩ như Phan Đình, Phan Trọng, họ Hoàng, họ Kiều, họ Bùi… Để khuyến khích tinh thần hiếu học cho thế hệ trẻ, xã và các dòng họ luôn tổ chức các hoạt động khuyến học, khen thưởng cho những cá nhân có thành tích học tập tốt, tạo nguồn học bổng cho đối với những em học giỏi nhưng gia đình có hoàn cảnh    khó khăn.

“Từ bao đời nay, nhưng việc học hành của con cháu tại làng luôn luôn được quan tâm đến nơi đến chốn. Đó là nhiệm vụ, hương ước của mỗi gia đình và mỗi dòng họ. Chuyện học hành, thi cử đã trở thành “miếng giữa làng” tại vùng quê này”, ông Trần Văn Dụ (81 tuổi) người làng Đông Thái   cho biết.

14 dòng họ trong làng đều thành lập các quỹ khuyến học riêng để chăm lo cho phong trào khuyến học, khuyến tài cho con cháu. Hàng năm, cứ vào dịp Rằm tháng Giêng, Rằm tháng 7 hay trước thềm năm học mới, tại các nhà thờ họ lại tưng bừng tổ chức phát thưởng cho các em có học sinh tốt ở các cấp học. Những năm nay, do dịch bệnh Covid-19, nên việc phát thưởng vẫn được duy trì bằng cách gửi đến từng nhà để động viên con em.

Ông Phan Duy Hòa, Ban đại diện dòng họ Phan Đình ở Đông Thái cho biết: “Với nguồn quỹ hơn 50 triệu đồng được huy động từ sự đóng góp của các gia đình và con cháu thành đạt, mỗi năm dòng họ trao hàng chục suất quà cho các cháu có thành tích học tập tốt ngay trước thềm năm học mới”, ông Hòa nói.

Phát huy truyền thống hiếu học, hàng năm, số lượng học sinh giỏi, học sinh đỗ các trường đại học, cao đẳng của làng Đông Thái luôn dẫn đầu các thôn trong toàn xã Tùng Ảnh và huyện Đức Thọ. Trong năm học 2020 - 2021, thôn Đông Thái có 8/9 em đậu đại học với số điểm từ 22 - 29 điểm.

Nhiều gia đình trong thôn có con em là những tấm gương sáng vượt nghèo học giỏi như gia đình em Phan Minh Ánh (lớp 12A, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai). Bố mẹ đều làm nông, suốt nhiều năm liền 2 anh em Ánh đều là học sinh giỏi.

Hiện anh trai Ánh đang học Trường Đại học Kiến trúc còn Ánh chuẩn bị bước vào lớp 12. Năm học vừa qua, Ánh vừa giành Giải 3 HSG tỉnh môn Tiếng Anh. “Thấy các con chăm học lại học giỏi, dù có vất vả thêm mười lần nữa tui cũng gánh được” - chị Phạm Thị Tuyết (mẹ của Ánh) chia sẻ.

Được biết, mỗi dòng họ ở đây đều có quỹ khuyến học từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Bởi vậy, suốt nhiều năm qua, Đông Thái luôn là thôn dẫn đầu trong 12 thôn của Tùng Ảnh về số lượng học sinh đỗ vào đại học và học sinh giỏi các cấp.

Không chỉ ở Đông Thái, hiếu học còn là truyền thống được tiếp nối từ nhiều đời nay ở khắp các làng quê Tùng Ảnh. Tính từ thời Cần Vương (cuối thế kỷ XIX) đến nay, toàn xã Tùng Ảnh đã cống hiến cho đất nước trên 1.000 giáo sư, tiến sĩ, trong đó nhiều người có đóng góp lớn cho xã hội.
Được biết, ngoài đầu tư xây dựng hệ thống trường học khang trang, đầy đủ, công tác khuyến học, khuyến tài luôn được xã Tùng Ảnh đặc biệt quan tâm. Hiện, cùng với  40 dòng họ có quỹ khuyến học riêng, xã cũng huy động  được nguồn khuyến học, khuyến tài duy trì ổn định ở mức 600 triệu đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều tỉnh thành phía Bắc thiệt hại nặng nề sau bão Yagi. Ảnh: INT

Những siêu bão năm Giáp Thìn

GD&TĐ - Nhìn vào lịch sử những cơn bão lớn gây hậu quả nghiêm trọng, thật là trùng hợp khi chúng đang lặp lại theo chu kỳ 60 năm.

10 ngày phản công Kursk

10 ngày phản công Kursk

GD&TĐ - Sau gần 10 ngày phản công ở Kursk, quân Nga đã giành lại nhiều làng mạc và thị trấn, bản đồ khu vực kiểm soát của Ukraine đã bị thu hẹp đáng kể.