Cảm thụ văn học:

Vẻ đẹp thiên nhiên và con người qua 'Mưa xuân' của Nguyễn Bính(*)

GD&TĐ - Trong văn học Việt Nam có không ít những thi nhân cũng đã từng nặng lòng với mùa Xuân, đem vào thơ của mình những vần thơ xuân độc đáo.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Nguyễn Bính từng thì thầm về tác phẩm của mình rằng: Tôi yêu và trân quý lắm những gì mà thiên nhiên đem lại cho con người, nó len lỏi, nó hiện hữu trong cả cuộc sống của tôi. Cũng có lẽ vì thế trong cuộc đời cầm bút, thiên nhiên, đặc biệt mùa Xuân nơi đồng quê, gốc rạ, hàng cau… của quê hương miền Bắc bao giờ cũng để lại trong tâm khảm thi nhân những xúc cảm khó quên.

Trong văn học Việt Nam có không ít những thi nhân cũng đã từng nặng lòng với mùa Xuân, đem vào thơ của mình những vần thơ xuân độc đáo. Xuân Diệu “thi sĩ của mùa Xuân”, người nhìn thấy xuân qua khi xuân vừa tới, xuân già khi xuân hãy còn non lại nhận ra mùa Xuân đến với “Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm/ Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu”. Trong trái tim của vị thi sĩ yêu đời đến mức đắm say này, tình xuân luôn đầy ăm ắp, lai láng.

Đoàn Văn Cừ lại có khả năng tái hiện chân thực cảnh sinh hoạt ngày Tết với bánh chưng, mùi thuốc pháo, vị mứt gừng, với những phong vị dân gian của cô yếm thắm che môi cười, em bé nép đầu bên mẹ, anh hàng tranh, thầy khóa hí hoáy viết thơ xuân... (Chợ Tết). Hàn Mặc Tử cũng có những ý thơ về mùa Xuân thật trong trẻo, khiến độc giả vẫn còn ngân nga mãi: “Trong làn nắng ửng: Khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/ Sột soạt gió trêu tà áo biếc/ Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang...”(Mùa Xuân chín).

Nhưng trong phong trào thơ ca hiện đại, từ những ngày đầu làm nên “Cuộc cách mạng trong thi ca” cho đến sau này, người viết nhiều về mùa Xuân hơn cả có lẽ là Nguyễn Bính. Nguyễn Bính có hẳn những thi phẩm lấy nhan đề từ xuân như Rượu xuân, Xuân về, Nhạc xuân, Xuân, Vườn xuân, Thơ xuân, Mùa Xuân xanh, Xuân tha hương, Gái xuân, Xuân vẫn tha hương, Xuân thương nhớ, Xuân về nhớ cố hương,... Và hồn thơ ấy vẫn mãi vẹn nguyên, trong trẻo, mang đậm hồn quê chưa bao giờ thay đổi:

Mưa xuân (II)

Chiều ấm mùi hương thoảng gió đưa

Tà tà mưa bụi rắc thưa thưa

Cây cam cây quít cành giao nối

Lá ngửa lòng tay hoa đón mưa.

Nào ai nhìn thấy rõ mưa xuân

Tơ nhện vừa giăng sợi trắng ngần

Bươm bướm cứ bay không ướt cánh

Người đi trẩy hội tóc phơi trần.

Đường mát da chân lúa mát mình

Đôi bờ cỏ dại nở hoa xanh

Gò cao đứng sững trâu kềnh bụng

Nghếch mõm nghe vang trống hội đình.

Núi lên gọn nét đá tươi màu

Xe lửa về Nam chạy chạy mau

Một toán cò bay là mặt ruộng

Thành hàng chữ nhất trắng phau phau.

Bãi lạch bờ dâu sẫm lá tơ

Làng bên ẩm ướt giọng chuông mờ

Chiều xuân lưu luyến không đành hết

Lơ lửng mù sương phảng phất mưa.

(1958)

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Mùa Xuân trong thơ ca thật quen thuộc với những cành đào, cánh chim én đưa thoi giữa bầu trời trong sáng hay cánh chim chiền chiện liệng rợp trời, những làn gió se sắt, hanh hao còn sót lại của ngày đông. Đi vào thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Bính, ta như được hít thở không khí êm dịu, thảnh thơi giữa những mảnh vườn làng, bến sông quê, cái náo nức của những hội hè, đình đám, như được sống cùng trái tim yêu đằm thắm, mộc mạc của những anh trai làng, những cô thôn nữ. Nhưng có lẽ điều làm nên chất riêng và khí vị của mùa Xuân đất Bắc vẫn là mưa xuân.

Mưa xuân I được viết năm 1936, khi Nguyễn Bính 18 tuổi. Đó là một trong những bài thơ ở buổi đầu tiên của một hồn quê sáng trong như lụa. Chẳng thấy ở đây những vất vả lo toan thường nhật, những tang thương khắc khổ của xã hội nông thôn Việt Nam trong chế độ thực dân nửa phong kiến, khi “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”, nơi “Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm” của vùng đồng bằng chiêm trũng Bắc Bộ.

Mưa xuân II ra đời sau đó 22 năm, khi nhà thơ tròn 40 tuổi, khi đã trải qua nhiều biến thiên, dâu bể của một đời người, từ Bắc vào Nam rồi lần hồi từ Nam về đất Bắc. Nguyễn Bính từng đã trải qua những năm tháng tha hương từ Hà Nội nghìn năm văn hiến, lúc ngược tàu lên Phú Thọ, đến cố đô Huế cổ kính rồi vào Sài Thành hoa lệ.

Gần hai mươi năm trời sống biền biệt trong cảnh tha hương, tâm hồn chân quê ấy luôn thường trực khắc khoải, da diết nỗi nhớ cố hương. Những tháng ngày lang bạt ấy, Nguyễn Bính đã để lại cho đời những vần thơ lắng đọng, ngậm ngùi, tủi hờn, xót xa: Giang hồ sót lại tình tôi/ Quê người đắng khói, quê người cay men (Anh về quê cũ). Hay Chén rượu tha hương trời: đắng lắm/ Trăm hờn nghìn giận suốt mùa đông (Xuân tha hương).

Mưa mùa Xuân của đất Bắc - những hạt mưa li ti, bay lất phất trong gió, mỏng manh chưa đủ để làm ướt áo nhưng lại khiến lòng người tơ vương. Trong thơ xuân của mình, Nguyễn Bính luôn hướng đến việc khắc họa một mùa Xuân đậm hơi thở của xuân đất Bắc. Những giọt mưa xuân đó cũng đã từng không ít lần nhỏ xuống hồn thơ nhạy cảm của Nguyễn Bính những chấm lạnh:

Chiều ấm mùi hương thoảng gió đưa

Tà tà mưa bụi rắc thưa thưa

Cây cam cây quít cành giao nối

Lá ngửa lòng tay hoa đón mưa.

Bài thơ gồm 7 khổ, được viết theo thể thơ 7 chữ. Không cần ngày tháng cụ thể, chỉ biết đó là một buổi chiều thoang thoảng gió với những làn mưa bụi rắc thưa thưa. Mưa không làm ướt áo, mưa không đủ nặng hạt để làm những đàn bươm bướm bay ướt đôi cánh mỏng. Nhưng mưa xuân lại trở thành dấu khắc của thời gian đánh thức trong tâm hồn nhân vật trữ tình những nỗi niềm xao xuyến. Dưới làn mưa xuân giăng giăng ấy bức tranh cảnh vật nơi chốn làng quê bỗng trở nên chuyển đổi, sinh động, bừng sức sống.

Những cây cam, cây quýt trong vườn nhà xòe những chiếc lá nhỏ xinh như bàn tay người con gái thôn quê e ấp. Màu xanh của lá hòa với sắc trắng của hoa cùng những hạt mưa bụi lất phất, dịu dàng tạo nên vẻ đẹp rất riêng của đất Bắc trong thời khắc đất trời chuyển giao. Những hạt mưa bụi phảng phất, nghiêng nghiêng như làm chênh vênh cả không gian. Từng hạt mưa xuân phơi phới, li ti thấm ướt tràng áo xanh dịu dàng khoác lên đất trời tấm màn voan mỏng. Nguyễn Bính đã thể hiện một khả năng quan sát, chiêm nghiệm tinh tế, thần tình.

Bức tranh thôn quê được dệt bằng những hình ảnh và chi tiết hết sức sống động với không gian được mở ra với nhiều tầng bậc từ vườn nhà đến ruộng đồng, ngõ xóm.

Đường mát da chân lúa mát mình

Đôi bờ cỏ dại nở hoa xanh

Gò cao đứng sững trâu kềnh bụng

Nghếch mõm nghe vang trống hội đình.

Nguyễn Bính yêu thôn quê một cách kỳ lạ. Dưới ngòi bút của ông những hình ảnh rất đỗi bình thường, quen thuộc như mưa, gió, hoa lá, cây cối, đồng ruộng tạo nên một không gian thanh bình nhưng cũng tràn đầy sức sống. Bạn đọc thấy được sự hòa hợp, tươi đẹp và hồn hậu của bức tranh thiên nhiên chốn quê nơi này. Những cây cối, hoa lá, cỏ dại, ruộng đồng, những đàn trâu bò thong thả dưới cơn mưa… được miêu tả một cách sống động, sắc nét, chi tiết, tạo nên bức tranh đa màu, đa sắc, sinh động.

Niềm vui ngày xuân hiện diện trong mỗi ngôi nhà, từng xóm nhỏ. Đặc biệt là trong ánh mắt, nụ cười, trong những tấm áo mới, trên đôi má hồng. Sự nhận diện sắc xuân trong thơ Nguyễn Bính thật đặc biệt, độc đáo. Tín hiệu mùa Xuân không chỉ có trong cái rộn rã của đất trời, trong sự đâm chồi nảy lộc của cây cối mà hơn hết mùa Xuân hiện hữu trong từng ánh mắt, màu má của những cô gái, chàng trai, những đứa trẻ hồn nhiên, chân thật.

Như vậy, vẻ đẹp của mùa Xuân, khí sắc của mùa Xuân trong thơ Nguyễn Bính là sự hòa quyện, đan cài của xuân đất trời và xuân lòng người. Để rồi trong bức tranh xuân ấy, người đọc như hình dung được những hoạt động con người nơi chốn quê hương, phong vị miền Bắc với những lễ hội mùa Xuân rộn ràng. Người thì đi trẩy hội, không gian vang tiếng trống; người thì làm việc đồng áng trên cánh đồng mênh mông, những đứa trẻ vui đùa với nhau vang lên những thanh âm rít rít. Tất cả tạo nên bức tranh êm đềm ấm nồng sự sống hơn bao giờ hết vừa đậm chất họa, vừa mang chất nhạc.

Qua ngòi bút thi nhân, mùa Xuân làm con người trẻ thêm ra, để rồi dường như độc giả được quay trở về với tuổi thơ, với quá khứ một thời trong trẻo và như được hòa mình vào thiên nhiên cảnh vật, con người hiền hậu, bình dị nơi đây. Đọc thơ Nguyễn Bính tâm hồn ta dường như trong lành hơn, bình yên hơn, tạm gác lại mọi lo toan, bận rộn, bộn bề của cuộc sống thường nhật để được cùng Nguyễn Bính trở về một vùng thôn quê dân dã đậm nét tâm hồn Việt.

Bãi lạch bờ dâu sẫm lá tơ

Làng bên ẩm ướt giọng chuông mờ

Chiều xuân lưu luyến không đành hết

Lơ lửng mù sương phảng phất mưa.

Cái náo nức của lòng người hòa quyện với mát rượi của mưa xuân, sắc xanh của lá mạ, trắng ngần của hoa cam. Xuân sang ngõ xóm, đường làng, thửa vườn, hàng cây và cả lòng người nữa tất thảy đều bừng dậy sức sống. Sự cộng hưởng của các từ ngữ với gam màu tươi sáng như “lúa mát mình”, “hoa xanh”, “mặt ruộng trắng phau phau”, “sẫm lá tơ”, “sương phảng phất”… tạo nên bức tranh thôn quê vào mùa Xuân căng tràn nhựa sống, đầy màu sắc tươi mới. Và để cảm nhận được tất thảy những vẻ đẹp đó, chắc hẳn Nguyễn Bính đã phải ở trong trạng thái yên tĩnh lắm, say đắm lắm mới có thể tạo nên bức tranh đầy ấn tượng như thế.

Xuân trong thơ Nguyễn Bính không ồn ào, náo nhiệt, không rực rỡ sắc màu mà dung dị, thanh thoát, đằm thắm, thiết tha. Nguyễn Bính đã gọi hồn cốt mùa Xuân đất Bắc mỗi độ Tết đến xuân về đúng như cách mà thi sĩ từng bộc bạch: Tình xuân chan chứa, ý xuân đầy.

Đến đây ta như càng cảm nhận được tâm trạng náo nức, vui tươi của sự sum vầy, đoàn tụ. Càng xót xa khi đọc những cảm thức li hương trong những ngày xuân đậm niềm bơ vơ nơi xứ lạ trong không gian quán trọ chỉ còn đọng lại nỗi niềm khắc khoải: Quán trọ xuân này hoa lại nở/ Lại ngồi xem Tết, Tết người ta (Quán trọ).

“Mưa xuân II” là cái tình của một thi sĩ đã trải qua những tháng ngày xa cách nên nó trở nên mãnh liệt, thiêng liêng nhưng cũng ngọt ngào, sâu lắng đong đầy khi được tận mắt chứng kiến xuân quê hương. Dẫu xuân giờ đây của quê hương hay xuân tha hương với Nguyễn Bính vẫn vẹn nguyên tình cảm gắn bó, tha thiết với quê nhà.

Đó không chỉ là sự rộn ràng của đất trời, của lòng người, mà là sự chân thực, nhiệt thành của tâm hồn thi nhân trước cuộc sống. Để rồi trong phong trào thơ ca hiện đại, Nguyễn Bính trở thành nhà thơ chiếm lĩnh được tâm hồn, tình cảm của một số lượng độc giả lớn. Làm nên sức hấp dẫn đặc biệt ấy là bởi thi sĩ đã đem đến cho vườn thơ Việt Nam hiện đại một chất giọng riêng: Dung dị, hồn nhiên, cái trong trẻo bản năng rất xa lạ với những cầu kì đẽo gọt mà cốt lõi của nó như nhà văn Tô Hoài từng cảm nhận:

Trước sau và mãi mãi, Nguyễn Bính vẫn là nhà thơ của tình quê, chân quê, hồn quê. Và cũng như một mối lương duyên, như một định mệnh của một tình quê thiết tha ấy khi Nguyễn Bính ra đi vào chiều 29 Tết Bính Ngọ (1966) ở tuổi còn phơi phới sức xuân trong niềm tiếc nuối vô hạn sau khi người thi sĩ ấy kịp để lại cho đời Còn nguyên vẹn cả một mùa Xuân.

________________________________

*Ngữ văn 8, Chân trời sáng tạo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ