Dõi theo thiên truyện, người ta thích thú khám phá vẻ đẹp của một miền quê đất nước, mến yêu lối dẫn chuyện tự nhiên mà gọn gàng sáng rõ của cây bút tài năng.
Nhà văn của phương Nam
Trong sáng tạo nghệ thuật, nhất là văn chương, nhiều khi lương duyên với mỗi vùng đất của người cầm bút sẽ khơi nguồn cho những trang văn thú vị: Tô Hoài lặn lội nơi bản làng người Mèo để rồi viết nên trang văn ám ảnh về cuộc đời của Mị, A Phủ; Nguyễn Tuân năm lần bảy lượt ngược xuôi đi tìm “chất vàng mười” Tây Bắc từ đó cho ra đời kì bút “Sông Đà”; Nguyễn Thi, người con đất Bắc nặng tình với phương Nam để rồi trở thành nhà văn của người nông dân Nam Bộ trong những năm chống Mĩ cam go...
Với Sơn Nam, lương duyên đó không phải đến rồi đi, người con của phương Nam dành trọn đời mình với phương Nam mà chẳng thể rời xa. Bởi vậy, có lẽ ông là nhà văn thuộc về một miền quê duy nhất: Nam Bộ. Mấy mươi năm cầm bút, Sơn Nam dành trọn sự nghiệp sáng tạo những văn phẩm, viết các công trình khảo cứu về văn hóa, nét đẹp của con người và vùng đất phương Nam. Tất cả tạo nên giá trị độc đáo trong toàn bộ sáng tác, cũng như khẳng định vị thế rất riêng của ông trên văn đàn: “Nhà Nam Bộ học” đích thực.
“Tôi sinh ra ở vùng đất U Minh, nơi đó là những cánh rừng tràm bạt ngàn. Những ngày rừng tràm nở rộ hoa trắng mênh mông, trùng trùng điệp điệp, quyến rũ, cơ man hàng vạn bầy ong làm tổ trên cành hút nhụy hương rừng làm mật ban tặng cho người...”. Đọc những lời gan ruột của nhà văn Sơn Nam, bất chợt tôi ngẫm: “Ông già Nam Bộ”, người con của đất Kiên Giang thuở nào, dường như đã chắt cạn tâm sức, tinh nhụy của đời mình viết nên trang văn tuyệt nhất về đất và người phương Nam với tình yêu tha thiết của một trái tim mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở.
Thiên nhiên kì thú mà đầy bất trắc
“Văn phi sơn thủy vô kỳ khí”. Xưa Trần Bích San ba năm ba lượt lên đèo Hải Vân, trước vẻ đẹp sơn thủy hữu tình mà chiêm nghiệm: Văn không có sơn thủy thì không có khí lạ. Thiên nhiên muôn đời là bạn hữu của văn nhân thi sĩ. Song dưới ngọn bút tài hoa của các nghệ sĩ, thiên nhiên những miền quê đất nước mang hình sắc vẻ đẹp riêng chẳng thể nào trộn lẫn. Câu chuyện của Sơn Nam đưa ta khám phá vẻ đẹp nổi bật của thiên nhiên vùng U Minh Hạ: Hoang sơ, trù phú nhưng đầy rẫy bất trắc, hiểm nguy.
Đọc văn Sơn Nam, rồi một lần trải nghiệm miền cực Nam Tổ quốc, ấn tượng lớn nhất với tôi về miền đất xa xôi ấy là những kênh rạch chằng chịt, sông nước mênh mông, rừng tràm bát ngát màu xanh. Cảnh sắc ấy vừa cuốn hút, mê hoặc vừa gợi chút gì sờ sợ, ghê ghê: “Nơi sông rạch, cá sấu là giống hung hăng nhứt. Có điều đáng chú ý là chúng không thích chốn sông sâu nước chảy, có sóng gió. Chúng lên tận ngọn cùng, tìm nơi yên tịnh, chật hẹp. Vùng U Minh Hạ sấu thường đi ngược sông Ông Đốc, rạch Cái Tàu vào giữa rừng tràm. Đến mùa nắng hạn rừng khô, sấu khỏi trở về sông Cái. Trong rừng có sẵn nhiều ao, nhiều lung, sấu cứ gom vào đó mà lập căn cứ, sanh con đẻ cháu, năm này qua năm khác. Sấu ở giữa rừng nhiều như trái mù u chín rụng...”.
Cả một thế giới bao la, kì thú, đầy bí ẩn hiển hiện trước mắt người đọc. Đâu phải thanh âm “thác gầm thét” hay cảnh tượng “cọp trêu người” nơi rừng thiêng Tây Bắc trong thơ Quang Dũng, sông nước Cà Mau ám ảnh bởi “sấu lội từng đàn”. Cách so sánh “sấu nhiều như trái mù u”, lối miêu tả chi tiết mang đến cho người đọc ấn tượng cả về số lượng lẫn bản tính hung hăng của loài “thủy quái” nham hiểm này. Chúng đã nhiều phen kịch chiến với loài người, lấy đi biết bao nhiêu sinh mạng. Vậy là, thiên nhiên miền đất U Minh đẹp đắm say với “rừng tràm xanh biếc”, mà cũng không ít hiểm nguy.
Trang văn của Sơn Nam đâu chỉ cho ta khám phá vẻ đẹp vùng cực Nam đất nước, mà còn mến thương hơn vùng sông nước mênh mông. Suối đổ vào sông, sông chảy ra biển lớn, ngọn nguồn tình yêu đó sẽ ngày một lớn hơn, vươn cao trở thành tình yêu non sông đất Việt ngàn đời.
Con người tài ba, ân nghĩa đậm sâu
“Mỗi truyện ngắn phải là một sự phát hiện bất ngờ về con người” (Bùi Hiển). Đọc “Bắt sấu rừng U Minh Hạ” của “Ông già Nam Bộ”, tôi nghĩ cái thú vị nhất qua ngòi bút Sơn Nam là cách nhà văn làm phát sáng vẻ đẹp con người trong công cuộc chế ngự, chinh phục thiên nhiên bảo tồn sự sống. Thành thử, thiên nhiên càng nguy hiểm, bất trắc thì sự mưu mẹo tài ba của con người càng vút cao lên.
Phần hay nhất, cuốn hút nhất của câu chuyện là đoạn Tư Hoạch, “một tay ăn ong rất rành địa thế vùng Cái Tàu” dẫn đường cho ông Năm Hên đến ao sấu, cũng là người chứng kiến cảnh ông lão thu phục “bốn mươi lăm con còn sống nhăn” thuật lại cho bà con tường tận về chiến tích lớn lao này. “Tới ao sấu, ông Năm Hên đi vòng quanh dòm địa thế rồi ngồi xuống uống một chung rượu. Kế đó ổng với tôi lấy xuổng đào một đường nhỏ, ngày một cạn từ bờ ao lên rừng chừng mười thước. Xong xuôi, ổng biểu tôi bứt cho ổng một nắm dây cóc kèn. Phần ổng thì lo đốn một cây mốp tươi, chặt ra khúc chừng ba tấc. Lửa châm vô sậy đế, cóc kèn xung quanh, bắt cháy xuống đám sậy đế trong ao.
Chập sau, bị khói bay cay mắt, ngộp thở, phần vì nước sôi nóng, sấu bò lên rừng theo con đường đào sẵn hồi nãy. Tức thời, ông Năm Hên chạy lại. Sấu há miệng hung hăng đòi táp ổng. Ổng đút vô miệng sấu một khúc mốp. Sấu táp lại, dính chặt hai hàm răng: Như mình ngậm một cục mạch nha quá lớn, muốn há miệng cho rộng để nhả ra cũng không được. Sấu bị khúc mốp khóa miệng, còn cái đuôi đập qua đập lại. Ông Năm xách cây mác, nhắm ngay sau lưng sấu mà xắn nhè nhẹ để cắt gân đuôi. Đuôi sấu bị liệt. Thế là mình yên trí, lấy dây cóc kèn trói thúc ké hai chân sau của nó lại; chừa hai chân trước để nó bơi tiếp với mình”. Đúng là một bậc thánh, mưu kế diệu kì.
Sự khôn ngoan, mưu trí đó được đúc rút từ thực tế cuộc sống. Sự phi phàm, tài giỏi của ông Năm Hên được kiểm chứng bởi người thực, việc thực. Độ tin cậy, tính trung thực khách quan của câu chuyện được nâng cao. Nhà văn rất cao tay và khéo léo khi để Tư Hoạch thuật lại toàn bộ sự việc. Với hai bàn tay không, ông Năm Hên thu phục bốn mươi lăm con sấu, quả là một kì tích. Đó là kết quả của tài trí, sự mưu mẹo khôn ngoan của con người am tường hoàn cảnh, biết cách khuất phục thiên nhiên bất trắc, dữ dằn. Tài ba, trí dũng sự can trường của nhân vật Năm Hên, cũng chính là vẻ đẹp lấp lánh của người dân vùng đất phương Nam mà ta bắt gặp không ít trong cuộc đời.
Nhân vật Năm Hên ngời sáng trong thiên truyện bởi sự trí dũng, tài ba, song chắc hẳn, ông để nhớ để thương trong lòng người bởi cái nghĩa cái tình đậm sâu. Biết xứ Khanh Lâm có ao sấu rình rập hiểm nguy, chẳng nệ đường xa, ông thợ bắt sấu già tìm tới, tự nguyện dùng chút ít mưu mẹo của mình ra tay trừ diệt. Khí chất bộc trục nghĩa tình của con người phương Nam tỏa ra từ con người dung dị, đời thường. “Nghề bắt sấu có thể làm giàu được ngặt tôi không màng thứ phú quới đó. Nói thiệt với bà con: Cha mẹ tôi sanh ra chỉ có hai anh em tụi tui. Anh tôi xuống miệt Gò Quao phá rừng lập rẫy hồi mười năm về trước. Sau được tin cho hay: Ảnh bị sấu ở Ngã ba Đình bắt mất.
Tôi thề quyết trả thù cho anh”. Nghe những lời bộc bạch chí tình của ông lão, người ta cảm kích, ngưỡng mộ hơn một tấm chân tình. Chẳng mơ làm giàu từ nghề bắt sấu, ông Năm Hên bất chấp hiểm nguy, sẵn lòng tay không bắt sấu có lẽ chỉ vì tình nhà (muốn trả thù cho người anh bị sấu bắt mất), nhất là tình đời (muốn bà con xứ này bình an không bị rình rập bởi hiểm nguy). Quý lắm một tấm lòng đẹp, vượt lên cả phú quý bạc tiền. Nếu năm xưa chàng trai nghĩa hiệp Lục Vân Tiên tả đột hữu xung đánh cướp Phong Lai bảo vệ Nguyệt Nga trong truyện Nguyễn Đình Chiểu đáng quý, thì hành động giúp dân trừ ao sấu hung hăng của ông Năm Hên cũng rất đáng trọng. Dõi theo thiên truyện, người ta vỡ lẽ một bài học quý: Hành động tốt đương nhiên xuất phát từ ân tình đẹp.
Có lẽ vậy mà trong lời hát như khóc như nài nỉ, như phẫn nộ bi ai của ông Năm Hên, ta cảm nhận được cả sự mất mát, nỗi đau của nhân dân lao động trên bước đường khai hoang bất trắc; ta thấu được cả niềm xót thương, cảm thông cho những linh hồn nơi “rừng xanh nước đỏ” vì manh áo chén cơm. Đáp lại tấm lòng đẹp, hành động quý của ông thợ bắt sấu, người dân nơi đây đâu chỉ khâm phục mà còn ước nguyện “đền ơn ổng một số tiền, nuôi ổng cho tới già, ở xóm này”. Lấy tấm lòng đáp lại một tấm lòng, còn gì trân quý hơn? Vậy là, đọc truyện người ta ấn tượng khôn nguôi vẻ đẹp, tính cách con người Nam Bộ: Thông minh, bản lĩnh, tài ba, trí dũng can trường; giàu tình cảm, đậm sâu ân nghĩa. “Nhà văn chân chính là người dẫn đường tìm đến xứ sở của cái đẹp”. Ngòi bút Sơn Nam đích thực đã dẫn người đọc khám phá tích thú, say mê vẻ đẹp của thiên nhiên, con người vùng đất U Minh cực Nam Tổ quốc.
Màu sắc Nam Bộ đậm đặc
Người nghệ sĩ chân chính trước hết tác phẩm của anh ta phải mang hồn cốt của xứ sở quê hương. Nét nổi bật nhất trong truyện ngắn “Bắt sấu rừng U Minh” của Sơn Nam chính là màu sắc Nam Bộ đậm đà. Ngôn ngữ truyện sống động, mang hơi thở màu sắc phương Nam. Cách xưng hô, lời ăn tiếng nói của Tư Hoạch, ông Năm Hên mang đặc trưng lời ăn tiếng nói của người dân nơi đây.
Tính cách Nam Bộ được khắc họa đậm nét qua các nhân vật. Lối dẫn chuyện tự nhiên, pha chút li kì tạo nên sức cuốn hút kì lạ với người đọc. Đặc biệt, cách lựa chọn điểm nhìn của người trần thuật của nhà văn phát huy hiệu quả tối đa. Câu chuyện bắt sấu của ông Năm Hên được Tư Hoạch thuật lại tạo nên tính trung thực, khách quan. Những đặc sắc nghệ thuật ấy làm nên một văn phẩm hấp dẫn, giá trị kết tinh tài năng tấm lòng của cây bút gắn bó nặng sâu với miền đất Cà Mau.
Sức sống của văn chương nhiều khi cũng lạ. Trang văn giá trị sẽ đưa người ta khám phá vẻ đẹp của những miền quê đất nước, những vùng đất đôi khi chưa một lần đặt chân tới. Đọc văn của Sơn Nam, người đọc say mê, thích thú với vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí của phương Nam xa xôi; khâm phục mến yêu người dân Nam Bộ nghĩa tình sâu đậm mà tài ba, cởi mở, khiêm nhường. Mười mấy năm kể từ ngày “Ông già Nam Bộ” Sơn Nam về an nghỉ xứ miệt vườn, câu chuyện ông viết vẫn vang bóng thời gian, hấp dẫn người đọc khắp chốn muôn nơi.