(GD&TĐ) - Nguyễn Minh Châu (NMC) là nhà văn suốt đời trăn trở, suy tư về nghề và người. Năm 1972, lúc đang viết những thiên sử thi trữ tình lãng mạn lộng lẫy hào quang, NMC đã ghi vào nhật kí: “Hôm nay, chúng ta đang chiến đấu để giành quyền sống cho một dân tộc. Nhưng rồi đến một ngày, chúng ta phải chiến đấu để giành quyền sống cho từng con người, sao cho con người ngày một tốt hơn, hạnh phúc hơn. Đó mới là cuộc chiến đấu lâu dài và gian khổ”.
Với niềm trăn trở, suy tư ấy bước ra khỏi quỹ đạo văn học thời chiến, không ăn mày dĩ vãng, NMC đã dõng dạc “Hãy đọc lời ai điếu cho một nền văn học minh họa”. Sự đổi thay từ cảm hứng sử thi trữ tình lãng mạn sang cảm hứng triết luận thế sự đã để lại dấu ấn rất đậm nét trong các nhân vật nữ của NMC.
Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng qua cái nhìn mê muội xen lẫn niềm cảm phục của Lãm đã được “tráng lên một lớp men trữ tình quá dày”. Là một nhân vật hoàn mĩ, lí tưởng, Nguyệt đẹp từ tên gọi cho đến đôi gót chân bóng hồng sạch sẽ, từng sợi tóc sáng lấp lánh dưới ánh trăng thượng huyền. Người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa lại là một nhân vật không tên, không chút nhan sắc. Mụ có thân hình cao lớn thô kệch như thường gặp ở những người đàn bà miền biển. Khuôn mặt tái nhợt đầy những nốt rỗ. Mỗi lần mụ khóc, nước mắt đọng đầy trong những nốt rỗ, khuôn mặt càng nhợt nhạt hơn. Bộ quần áo bạc phếch, vá víu trên người mụ lúc nào cũng ướt sũng. Những nét chân dung đã hé mở một cuộc đời nhiều khổ đau, bất trắc.
Người đàn bà hàng chài trên Chiếc thuyền ngoài xa đã sống trọn một kiếp đời nhẫn nhục, cam chịu. Sau những đêm thức trắng kéo lưới, chờ sẵn mụ trên bờ luôn là những trận đòn hùng hổ như lửa cháy, cứ năm ngày một trận nặng, ba ngày một trận nhẹ. Lưng áo vá của mụ hứng trọn trận mưa thắt lưng quật tới tấp. Câm lặng như đã hóa đá, người đàn bà hàng chài khốn khổ không khóc, không van xin, không chạy trốn. Có những sự thực vỡ nhẽ khiến ta đắng lòng. Sự nhẫn nhục cam chịu của người đàn bà hàng chài là tất yếu, là lựa chọn minh triết của một người mẹ biết suy nghĩ bằng trái tim và cảm xúc bằng lí trí.
Nếu Chí Phèo, con quỷ dữ làng Vũ Đại, lúc vật vã trong nỗi cô đơn tận cùng đã chửi, hắn chửi như người say rượu hát. Nam Cao viết lạnh lùng mà chua xót “Khổ cho hắn và khổ cho cả làng Vũ Đại, hắn lại không biết hát”. Lão chồng của người đàn bà hàng chài cũng thế. Mỗi lần uất nghẹn, bế tắc vì cuộc mưu sinh, không có tiền để chạy trốn cuộc đời trong men rượu, lão lại đánh vợ. Lúc những đứa con còn nhỏ, lão đánh mụ ngay ở dưới thuyền, trước mặt chúng. Nhưng khi chúng lớn lên, mụ không muốn những tâm hồn trẻ thơ trong trắng bị tổn thương. Mụ cầu xin được đánh ở trên bờ, trên bãi cát hoang vắng, khuất sau những chiếc xe tăng hỏng. Đằng sau sự nhẫn nhục, gồng mình chịu đòn là đức hy sinh đầy cao thượng, người đàn bà hàng chài khiến ta bỗng nhớ đến một câu thơ của Tagore: “Chiếc rìu của bác tiều phu tìm đến cây rừng xin cái cán. Và cây rừng đã cho”.
Người đàn bà hàng chài nghèo khổ ấy rất giàu yêu thương. Mụ yêu thương, cảm thông và tha thứ cho lão chồng vũ phu đã hành hạ mụ suốt đời. Mụ thấu hiểu lão cũng chỉ là một nạn nhân đau khổ, một nạn nhân đáng thương của sự đói nghèo, tăm tối. Câm lặng như hóa đá trước những trận đòn nhưng lúc không bị đòn nữa, mụ lại khóc, sụp lạy trước đứa con trai nhỏ của mình. “Phác, con ơi”. Tiếng mụ mếu máo gọi con như cứa vào tim người đọc. Mụ lạy con để cầu xin thằng bé đừng vì yêu mẹ mà hại cha. Phác đã dướn người lên quật chiếc thắt lưng da vào khuôn ngực trần vạm vỡ của người cha. Và nếu cô chị không kịp giằng lại, ai biết chuyện gì sẽ xảy ra, thằng bé đã giấu một con dao nhọn trong cạp quần.
Nét đẹp nhất khuất lấp, đằm sâu trong người đàn bà xấu xí ấy là tình yêu thương ngọt ngào mà đắng chát mụ dành cho những đứa con, nhất là Phác, thằng bé giống lão chồng vũ phu của mụ như đúc. Mụ lạy con để giữ cho thằng bé không phải suốt đời ân hận vì một lần lỗi đạo; để cầu xin thằng bé tha thứ, bởi trong sâu thẳm, mụ day dứt nỗi mặc cảm của người chưa trọn phận làm mẹ. Mụ đã không thể che chở cho tâm hồn non nớt ấy tránh được vết thương sâu. Tuổi thơ đã vĩnh viễn bị đánh cắp, niềm tin đã vỡ vụn như cát bụi dưới bàn chân trần bé nhỏ. Mất chốn tựa nương, gửi gắm niềm tin vào những điều tốt lành, hành trình cuộc đời con người sẽ trống trải, chông chênh biết mấy !
Trong tác phẩm, Nguyễn Minh Châu đã hai lần miêu tả người đàn bà hàng chài vái lạy. Dù với con hay với Phùng, Đẩu, mụ đều chắp tay vái lia lịa - thành khẩn và bi thương, mong được cứu rỗi. Cầu xin đừng li hôn nghĩa là mụ tự đóng sầm lại lối thoát duy nhất cho cuộc đời đau khổ của mình. Nghịch lí ấy khiến Phùng và Đẩu nhận ra, cuộc đời không đẹp, không lãng mạn nên thơ như chiếc thuyền ngoài xa bồng bềnh trong sương hồng. “Trên thuyền cần có một người đàn ông… dù hắn tàn bạo, man rợ”. Cuộc mưu sinh của những người hàng chài phải triền miên vật lộn với sóng gió. Những con người trên chiếc thuyền ngoài xa đẹp như bức tranh thủy mặc ấy đã trải qua nhiều tháng trời ăn xương rồng luộc chấm muối. Họ cần có một người đàn ông làm chỗ dựa. Vì thế để níu giữ sự sống cho đàn con, dù là một sự sống chìm trong đói khổ, người đàn bà hàng chài đã tự đóng đinh treo mình lên cây thập giá của cuộc đời bất hạnh. Một cái giá quá đắt nhưng rất xứng đáng nên mụ không hề mặc cả, mụ tự nguyện được trả.
Tác giả của Tiếng chim hót trong bụi mận gai từng viết về con chim lao ngực vào gai nhọn để cất lên tiếng hót khiến sơn ca và họa mi ghen tỵ : “Con chim mang chiếc gai nhọn vẫn tuân theo một qui luật bất biến. Còn chúng ta, chúng ta biết, chúng ta hiểu. Vậy mà chúng ta vẫn làm, chúng ta vẫn làm”. Người đàn bà hàng chài trên chiếc thuyền ngoài xa cũng thế. Khi tự ghim vào ngực mình cành gai nhọn nhất, dài nhất mụ đã cất lên bài ca thiêng liêng, tuyệt vời nhất của tình mẫu tử.
Với vẻ đẹp lộng lẫy, hoàn mĩ, Nguyệt là mảnh trăng cuối rừng để ta ngước nhìn, ngưỡng vọng và mộng mơ. Còn người đàn bà hàng chài thô kệch lại mang một vẻ đẹp rất đời, rất thực, cứ đằm sâu, khuất lấp giữa những kiếp người nhọc nhằn, lam lũ. Kiểu vẻ đẹp khiến ta nhói buốt, quặn lòng. Giá như cuộc đời đừng bắt con người phải đẹp một cách đau đớn như thế. Và liệu những con người vô danh như người đàn bà hàng chài trên chiếc thuyền ngoài xa ấy còn phải đẹp một cách đau đớn như thế đến bao giờ?
Liễu Hoàn
(Tổ Văn - Trường THPT Chuyên Quảng Bình)