(GD&TĐ) - “Những bức tranh này thật sự dũng cảm và trí tuệ. Trong thời điểm này, cần nhiều người dũng cảm như vậy để đóng góp cho sự tiến bộ xã hội” - TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ tại cuộc triển lãm tranh biếm của họa sĩ Hoàng Dzự (bút danh Dzím) vừa qua. Triển lãm trưng bày 90 bức tranh trong gia tài đồ sộ 10 năm sáng tác gần đây của ông. Cách thể hiện của người họa sĩ 70 tuổi được đánh giá là giàu bản sắc dân tộc và nhiều mối liên hệ với những sự kiện văn hóa, xã hội nóng bỏng trên thế giới, đã gây được hiệu ứng xã hội mạnh mẽ...
Thông minh, dí dỏm, hài hước là cảm nhận của mọi người khi tiếp xúc với họa sĩ Hoàng Dzự. Sinh ra trong gia đình có tiếng ở Hà thành, kháng chiến chống Pháp nổ ra, toàn bộ nhà cửa và tài sản của gia đình ông đều hiến cho cách mạng, để phục vụ kháng chiến.
Không gì có thể khiến tôi sợ nữa
25 tuổi, ông hăm hở lên đường vào Nam chiến đấu chống đế quốc Mỹ. Ông có mặt và tham gia nhiều trận đánh oai hùng và làm nên những chiến công hiển hách, ba lần vinh dự được phong tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ. Năm 1968 trong chiến dịch Mậu Thân, ông bị thương nặng nhưng rất may được đồng đội băng bó kịp thời đưa về đơn vị. Thời gian sau ông được đưa ra Hà Nội để chữa trị.
Họa sĩ Hoàng Dzự thể hiện vấn đề đương đại, lồng ghép thông qua các câu chuyện cổ tích |
Ông giãi bày, đến bây giờ ông vẫn không nghĩ mình còn sống, bởi ngày đó đồng đội của ông hy sinh nhiều quá. Nhiều người không chết ở chiến trường, về nhà nhiễm chất độc màu da cam, sống còn khổ hơn chết. Tự tay tôi đã chôn hàng chục đồng đội của mình. Mạng sống tưởng như đã bỏ lại trong những lần rơi vào ổ phục kích, phải uống cả những ngụm nước xộc mùi xác chết. Khi rời quân ngũ tôi chỉ nặng 42 ký. Lúc đó tôi nghĩ chắc mình chẳng sống được bao lâu nên tôi cố gắng làm hết những việc cần làm. Tôi may mắn hơn đồng đội là được sống đến ngày hôm nay. Một khi cái chết không đe dọa được thì không còn gì có thể khiến cho tôi sợ nữa” - họa sĩ Hoàng Dzự chia sẻ.
Năm 1959, khi đang là học sinh trường Chu Văn An – Nguyễn Trãi, Hà Nội, ông đã có tranh biếm họa đăng trên báo Văn nghệ, Thống Nhất, Tiền Phong… Từ đó đến nay, biếm họa của ông tiếp tục xuất hiện trên các báo như Nhà quản lý, Thế giới, Văn nghệ, Lao động... với bút danh Dzím. Không chỉ vẽ biếm họa, ông còn theo đuổi nhiều loại tranh khác.
Tác phẩm tranh biếm họa của họa sĩ Hoàng Dzự |
Năm 14 tuổi, ông đã có tác phẩm được nhận giải trong một cuộc thi tranh thiếu niên quốc tế tổ chức tại Ấn Độ. Ông cũng là tác giả của gần 50 cuốn truyện tranh lịch sử. Ngoài ra, tranh của ông còn có mặt tại một số cuộc triển lãm mỹ thuật trong quân đội và triển lãm cá nhân.
Ngày 3/6/1994, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch danh dự hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã gửi thiếp khen ngợi vì ông đã có đóng góp thiết thực trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ.
Dũng cảm nhưng không ảo tưởng
Khác với nhiều họa sĩ đương đại, ông chọn chủ đề, đề tài khó, nhạy cảm - những bất cập trong xã hội. Dường như, ông giống Don Quixote đang đánh nhau với chiếc cối xay gió trên toan vẽ và đối mặt với cuộc sống. Nhưng không bao giờ ông ảo tưởng về mình, ở tranh mà chỉ nghĩ đơn giản là làm được việc dù nhỏ còn hơn không làm gì. Tranh biếm họa của ông đi vào ngõ ngách của đời sống xã hội nhưng lại phản ánh những vấn đề rất vĩ mô. Chủ đề mà ông hướng tới là giáo dục khoa học, văn hóa giao thông, sự hư hỏng thoái hóa của một bộ phận người có chức có quyền, sự chênh lệch giàu nghèo, quy hoạch quản lý yếu kém… Mỗi bức tranh đều toát lên sự khôi hài, châm biếm sâu sắc những mặt trái của xã hội. Nét độc đáo trong các sáng tác của Hoàng Dzự đã "biếm" những vấn đề đương đại, lồng ghép thông qua các câu chuyện cổ tích. Chẳng hạn như châm biếm về "Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng", càng trồng cây đồi núi càng trọc, ông lấy hình ảnh trong truyện Sơn Tinh và Thủy Tinh. Bức tranh là nhân vật Sơn Tinh và Thủy Tinh cầm vũ khí, ở phía trên là một lâm tặc đứng bên đồi trọc nói: "Thiên hạ đã thái bình xin hai cụ ngừng oánh nhau". "Tôi lên án không vì quyền lợi của mình, tôi châm biếm thói hư tật xấu với tư cách của một công dân có trách nhiệm với xã hội", ông tâm sự.
Tranh biếm họa của Hoàng Dzự đã phản ánh chân thực cuộc sống đương đại, khoa học, trí tuệ, sắc sảo, sâu sắc, có tác dụng phê phán, cảnh báo những sai trái trong công tác quản lý, xây dựng, phát triển đất nước. Tranh của ông khiến nhiều người phải trăn trở. “Biếm họa cũng là hình thức giáo dục phổ cập, góp phần nâng cao dân trí và ý thức trách nhiệm công dân cho mọi người; biếm họa còn có thể “đầu quân” vào mặt trận ngoại giao nhân dân để lật tẩy bộ mặt cực đoan, cuồng tín, hiếu chiến… góp phần bảo vệ hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc”- Hoàng Dzự chia sẻ.
"Ở nước ngoài người ta rất trọng dụng những người vẽ tranh biếm họa, họ sử dụng trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau. Nhưng ở nước ta, có lẽ người ta né tránh những mặt xấu, họ chỉ quen biểu dương thành tích. Những bức tranh biếm họa tôi vẽ rất ít cơ quan báo chí đăng tải và nếu tính nhuận ảnh chỉ được vài chục nghìn đồng một bức. Nhưng tôi vẽ vì trách nhiệm xã hội, vì niềm vui. Khi nào còn sức khỏe tôi còn sáng tác"- họa sĩ Hoàng Dzự giãi bày. |
Gia Hải