Theo đó, HS, SV sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học; được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, các chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội quy định. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành GD đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.
Quy định HS, SV sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí có nhiều ưu điểm sau:
Thứ nhất, SV phải cân nhắc việc nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành sư phạm dựa vào khả năng của bản thân, cũng như dự báo việc làm sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, SV sẽ có động lực hơn trong học tập khi ngồi trên ghế nhà trường, bởi, nếu không cố gắng học tập thì kết quả học tập sẽ không tốt thì khó có thể được xét tuyển hoặc đủ khả năng thi tuyển viên chức vào ngành GD sau khi tốt nghiệp.
Thứ hai, không quy định miễn học phí đối với HS, SV sư phạm mà thay bằng chính sách vay tín dụng sư phạm sẽ hạn chế thấp nhất tình trạng lãng phí nguồn ngân sách Nhà nước, cũng như nguồn nhân lực được đào tạo; hạn chế tình trạng SV ra trường thất nghiệp. Các trường đào tạo ngành sư phạm sẽ phải tái cơ cấu, đồng thời tính toán việc đầu tư, nâng cấp trang thiết bị dạy và học cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên để thu hút HS, SV theo học. Từ đó, chất lượng đào tạo sư phạm sẽ được nâng cao, SV tốt nghiệp sẽ có trình độ, năng lực công tác, góp phần phát triển ngành GD.
Thứ ba, HS, SV vay tín dụng sư phạm để đóng học phí tạo điều kiện cho nhà trường có nguồn thu ổn định để duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, hạn chế thấp nhất tình trạng SV đang theo học ngành sư phạm nhưng lại bỏ học giữa chừng. Bởi vì, nếu bỏ học giữa chừng đồng nghĩa với việc SV đó phải trả các khoản vay tín dụng để trả học phí trong thời gian theo học.
Mặt khác, HS, SV được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí, sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành GD đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.
Đề nghị cần quy định rõ thời gian công tác trong ngành GD cụ thể là bao lâu thì không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm, đồng thời, nếu SV tốt nghiệp ra trường nhưng thất nghiệp và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì cũng nên xem xét việc miễn, giảm khoản vay tín dụng nhằm góp phần giảm bớt gánh nặng cho SV.