Vào mùa bồi dưỡng: Tiếp tục đồng hành

GD&TĐ - Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Dự án ETEP) đã kết thúc.

Một lớp tập huấn thuộc Chương trình ETEP do Trường ĐH Sư phạm TPHCM phụ trách tại TP Cần Thơ. Ảnh: NTCC
Một lớp tập huấn thuộc Chương trình ETEP do Trường ĐH Sư phạm TPHCM phụ trách tại TP Cần Thơ. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, việc hợp tác giữa trường sư phạm với địa phương và trường phổ thông vẫn tiếp diễn trong công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý phục vụ cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018.

Tạo sự gắn kết

Theo ông Lê Phan Quốc - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm TPHCM (HCMUE), có 7.500 giáo viên phổ thông cốt cán (GVPTCC) của 19 sở GD&ĐT khu vực phía Nam (bao gồm 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và 6 tỉnh, thành Đông Nam Bộ) tham gia Chương trình ETEP do HCMUE phụ trách. Bên cạnh đó, chương trình cũng hỗ trợ 270.000 lượt giáo viên đại trà trong quá trình GVPTCC triển khai nhiệm vụ phổ biến cho các giáo viên đại trà.

“Mục tiêu của chương trình đã đạt được là giúp các GVPTCC hiểu được làm thế nào để thực hiện thành công CTGDPT 2018”, ông Lê Phan Quốc cho biết.

Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ được giao, Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã tổ chức bồi dưỡng 6 mô-đun cho GVPTCC. Nhà trường tổ chức bồi dưỡng mô-đun 1 từ cuối năm 2019 và bồi dưỡng mô-đun 2, 3 theo hình thức 3 - 5 - 6 trong năm 2020 dưới hình thức bồi dưỡng trực tiếp. Trong năm 2021, nhà trường tổ chức bồi dưỡng mô-đun 3, 5, 9 theo mô hình 7 - 2 - 7 trực tiếp qua lớp học ảo trên hệ thống LMS của Viettel.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chương trình ETEP đã tạo nên sự kết nối cần thiết, quan trọng giữa các trường sư phạm với sở GD&ĐT, trường phổ thông. Đó không phải là sự kết nối mang tính chất hành chính mà thông qua hoạt động cụ thể, qua 9 mô-đun bồi dưỡng giáo viên phổ thông; Kết nối giữa chương trình đào tạo đại học và chương trình giáo dục phổ thông, tạo ra sự cộng hưởng trong quá trình làm việc.

Trước đây, giảng viên của các trường sư phạm ít quan tâm đến giáo dục phổ thông, khi tham gia Chương trình ETEP, giảng viên phải tìm hiểu chương trình cũng như thực tế giáo dục phổ thông. Các chu kỳ đổi mới giáo dục trước đây, hầu như nhiệm vụ của trường sư phạm không được rõ nét. Tham gia ETEP – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được giao nhiệm vụ phối hợp với 10 sở GD&ĐT trong phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên. Giảng viên thêm hiểu biết về thực tiễn trường phổ thông, những mặt mạnh, hạn chế và khó khăn, vướng mắc của giáo viên, học sinh, cán bộ quản lý và phụ huynh trong việc triển khai CTGDPT mới. Từ đó, giảng viên sẽ kết nối chương trình đào tạo sinh viên sư phạm với những đổi mới của CTGDPT mới, thực tế của giáo viên và trường phổ thông hiện nay để đổi mới chương trình và tổ chức quá trình đào tạo tại trường cũng như phát triển tài liệu bồi dưỡng và tổ chức bồi dưỡng chất lượng.

Ông Châu Tuấn Hồng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng phát biểu về ETEP. Ảnh: Công Chương
 Ông Châu Tuấn Hồng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng phát biểu về ETEP. Ảnh: Công Chương

Hỗ trợ thêm cho giáo viên

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết thực hiện Chương trình ETEP khu vực phía Nam do Trường ĐH Sư phạm TPHCM phụ trách, ông Châu Tuấn Hồng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng - cho rằng, Chương trình ETEP đã mang lại nhiều hữu ích, tạo được sự chuyển biến tốt trong việc triển khai CTGDPT 2018, đồng thời mong muốn được tiếp tục triển khai với các mô-đun 6, 7 và 8.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, việc triển khai CTGDPT mới tại địa phương được các cấp, ngành quan tâm, đặc biệt là về cơ sở vật chất và nâng chất đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý tỉnh… trong đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao để giúp các thầy cô có điều kiện tiếp cận phương pháp giảng dạy theo CTGDPT mới.

“Chương trình ETEP đã tạo điều kiện cho giáo viên tiếp cận các phương pháp dạy học và phương pháp quản lý mới. Sóc Trăng đã phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TPHCM thực hiện bồi dưỡng cho hơn 500 GVPTCC với mô-đun 1, 2, 3, 4, 5 và 9. Bên cạnh đó, sở cũng được sự ủng hộ của UBND tỉnh, triển khai bồi dưỡng đại trà cho hơn 10 nghìn giáo viên bằng hình thức vừa trực tuyến vừa trực tiếp. Sau khi được bồi dưỡng, giáo viên tự tin hơn…

Chúng tôi mong chương trình tiếp tục kéo dài, hoặc Bộ GD&ĐT có những chương trình tương tự để hỗ trợ thêm cho giáo viên, xem như chương trình bồi dưỡng thường xuyên. Như vậy, chất lượng giáo dục của cả nước sẽ tốt hơn và giáo viên cũng có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với cái mới…”, ông Hồng chia sẻ.

Tham gia tập huấn, thụ hưởng từ Chương trình ETEP, cô Trương Tuyết Thanh - Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú, TPHCM) cho biết quá trình tham gia Chương trình ETEP với vai trò giáo viên cốt cán rất gian nan và cô đã vượt qua trở ngại để hoàn tất khóa học.

“Chương trình rất ý nghĩa với công việc giảng dạy sắp tới của tôi. Tôi mong được tham gia bồi dưỡng thêm mô-đun 6, 7 và 8 trong thời gian tới, đồng thời tiếp tục lan tỏa những gì mình đã học đến các giáo viên đại trà”, cô Trương Tuyết Thanh chia sẻ.

Dự án ETEP kết thúc, các trường sư phạm cũng hoàn thành sứ mệnh bồi dưỡng của mình. Tuy nhiên, HCMUE tiếp tục hỗ trợ các địa phương, giáo viên phổ thông đại trà các mô-đun 5 và 9. Các mô-đun 6, 7, 8 cho GVPTCC sắp tới sẽ do các địa phương tổ chức, hiện trường và các địa phương đang phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai trong nửa cuối năm 2022. - TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ