(GD&TĐ) - Dịp hè, bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên (GV) thường được các cơ sở giáo dục (GD) quan tâm triển khai, nhằm góp phần củng cố kiến thức chuyên môn, hay tạo ra cách làm việc mới của người GV, góp phần đưa đổi mới phương pháp giảng dạy trở thành hiện thực sinh động trong các trường học.
Lãnh đạo nhà trường cần gương mẫu trong tự học
Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy là một nội dung bồi dưỡng hè được nhiều giáo viên tích cực tham gia. Ảnh: Thu Ba |
Bồi dưỡng GV về đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) đang được quan tâm trong bồi dưỡng GV vào dịp hè. Để bồi dưỡng có hiệu quả, theo nhiều cơ sở GD, cần nâng cao nhận thức của lãnh đạo nhà trường, nhận thức của GV, hay tạo hiệu quả từ những mặt cụ thể như: Bồi dưỡng việc đổi mới phương pháp (PP) nâng cao hiệu quả giờ học qua tích cực sử dụng thiết bị dạy học (TBDH); bồi dưỡng GV đổi mới ứng dụng CNTT và truyền thông; bồi dưỡng đổi mới PP từ cải tiến phương thức đánh giá HS; bồi dưỡng GV qua nâng cao hiệu suất giờ giảng từ việc trình bày bảng...
Với hoạt động bồi dưỡng GV, một số ý kiến cho rằng, hiệu trưởng, hiệu phó phải thật gương mẫu trong tự học. Khen chê, động viên kịp thời, đánh giá GV minh bạch. Bên cạnh đó, ban giám hiệu, đặc biệt là hiệu trưởng phải có nhận thức đúng đắn về vai trò của CNTT trong đổi mới PP dạy học, đổi mới công tác quản lý, từ đó sẽ xây dựng và thực hiện kế hoạch khả thi để bồi dưỡng GV và đưa việc tự học, tự bồi dưỡng GV thành phong trào mạnh mẽ. Cần nâng cao nhận thức của GV; bồi dưỡng trình độ, kỹ năng ứng dụng CNTT cho GV; tạo điều kiện thuận lợi để GV có thể khai thác, trao đổi, chia sẻ thông tin nhờ tiện ích từ Internet. Nhà trường cũng cần tiến hành xây dựng kho tư liệu dùng chung như những thư viện nhỏ, gồm các phần mềm, tài liệu, thông tin liên quan đến từng môn học, từng lĩnh vực để chia sẻ cho đồng nghiệp trong và ngoài trường.
NGƯT Phạm Huy Hinh (Hưng Yên) đã có ý kiến về hướng bồi dưỡng cho GV ở nhà trường như: Xây dựng kế hoạch học tập lý luận cho GV trong 2 tháng hè; bồi dưỡng tin học, sử dụng các phần mềm cho đội ngũ cốt cán (tổ trưởng chuyên môn) trước sau đó bồi dưỡng GV toàn trường; xây dựng kế hoạch soạn giáo án điện tử với điều kiện mỗi môn chọn một người, sử dụng phần mềm để dạy thành thạo; tổ chức đợt giảng dạy, thao giảng theo nhóm môn cho toàn thể GV trong trường dự, sau đó bàn bạc, rút kinh nghiệm và dạy tương đối đủ các thể loại, các phương pháp.
Còn TS Trịnh Thanh Hải (Thái Nguyên) cho rằng, nếu có tập huấn cho GV thì nên tổ chức vào dịp hè, vì thời gian này GV sẽ đỡ bị “ôm đồm” nhiều việc cùng lúc như trong năm học. Trong tập huấn, bồi dưỡng, nên dành thời gian để trao đổi kinh nghiệm, phân tích những vấn đề khó trong chương trình, sách giáo khoa THPT. Dành nhiều thời gian để GV THPT thể hiện, thực nghiệm nội dung được tập huấn, trên cơ sở đó có những phân tích chiều sâu, nhiều chiều về việc vận dụng lý luận dạy học vào từng tình huống cụ thể.
Theo ThS Nguyễn Hiền Lương (Yên Bái): “Nội dung bồi dưỡng về đổi mới phương pháp không thể tiến hành một cách siêu hình”. Việc thực hiện các phương pháp tích cực còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như điều kiện dạy học, CSVC, đồ dùng thiết bị, trình độ dân trí của các vùng miền.
Phải thiết thực với giáo viên
Cô cầm tay em, nắn từng nét chữ... Ảnh: Hoàng Đan |
Khẳng định bồi dưỡng giáo viên trong dịp nghỉ hè là việc làm rất cần thiết để nâng cao trình độ chuyên môn, bà Nguyễn Thị Xuân Mai (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Tự, Hà Nội) nhấn mạnh việc cập nhật những vấn đề mới trong giảng dạy cho đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Bên cạnh những khóa học bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trong mỗi dịp hè do quận tổ chức, Trường Tiểu học Trung Tự đã chủ động thực hiện các chuyên đề, mời các chuyên gia có trình độ thâm sâu, những người trực tiếp làm sách giáo khoa đến giảng dạy và giải đáp những vấn đề phát sinh trong quá trình giảng dạy. Trong dịp hè của những năm gần đây, nhà trường đã lần lượt cử giáo viên đi học các lớp bồi dưỡng từ cơ bản đến nâng cao về vi tính, về thiết kế bài giảng điện tử, thiết kế bài giảng E-learning. Nhờ vậy mà hiện nay, nhà trường đã hoàn thiện được nhiều bộ bài giảng điện tử của nhiều môn học, đưa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học trở nên thường xuyên và hiệu quả. Hè 2013, để đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao tính tích cực chủ động của cả giáo viên và học sinh trong học tập và giảng dạy, nhà trường tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng chuyên môn cho GV (như các khóa học cách sử dụng bảng tương tác trong dạy học, tiến tới xây dựng phòng chuyên đề của nhà trường theo mô hình lớp học tương tác; khóa học về ứng dụng bản đồ tư duy trong dạy học; tổ chức lớp học về kỹ thuật viết chữ đẹp cho giáo viên).
Bà Xuân Mai chia sẻ: “Xác định “nét chữ - nết người”, việc rèn chữ đẹp cho học sinh Tiểu học ngoài việc tạo tính cẩn thận, nề nếp cho các em thì cũng tạo hứng thú cho các em trong học tập khi nhìn ngắm những hàng chữ đẹp đẽ, ngay ngắn của chính mình. Bên cạnh đó việc rèn chữ đẹp cho học sinh cũng chính là góp phần tôn vinh chữ Việt. Mà muốn có trò viết chữ đẹp thì thầy cô phải là những người viết đẹp, đúng chuẩn. Do đó, hè năm nay, nhà trường mở 02 lớp rèn chữ đẹp cho giáo viên. Với việc mở lớp rèn chữ đẹp cho giáo viên, nhà trường hy vọng sẽ phát huy được truyền thống rèn chữ, giữ vở đã có từ nhiều năm qua”.
Với nhiều nhà trường thì các khóa học, các chuyên đề được tổ chức trong hè thực sự đã giúp ích rất nhiều trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và giáo viên nên đã được cán bộ, giáo viên nhà trường tham gia với tinh thần nhiệt tình, thái độ nghiêm túc. Không nằm ngoài “không khí” bồi dưỡng hè 2013 cho GV, ở Trường Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội), như ý kiến của bà Phan Kim Anh (Hiệu trưởng nhà trường), ngoài việc tổ chức bồi dưỡng cho GV các khối theo chuyên đề Toán, Tiếng Việt; trong hè này nhà trường sẽ mở các khóa học để nâng cao trình độ tin học văn phòng; mở lớp học về ứng dụng bản đồ tư duy trong giảng dạy và quản lý cho 100% cán bộ, GV trong trường.
Hiệu quả của bồi dưỡng GV hè thể hiện ở chính sự tiếp nhận kiến thức từ những khoá bồi dưỡng của các GV. Cô giáo Vũ Hải Phượng (giáo viên dạy lớp 1 Trường Tiểu học Trung Tự) nêu cảm nhận: “Nhà trường luôn mời được các giảng viên có trình độ chuyên sâu, am hiểu về kiến thức và phương pháp dạy học ở Tiểu học về bồi dưỡng cho giáo viên, nên thực sự các khóa học bồi dưỡng được giáo viên chúng tôi hưởng ứng và các lớp học thường xuyên “bị” quá giờ dự kiến, do cả người dạy và người học đều quá say sưa, nhiệt tình...”. Còn thầy giáo trẻ Trịnh Quốc Hoàng (giáo viên dạy lớp 3) thì tâm sự: “Lớp luyện chữ đẹp do nhà trường tổ chức cho giáo viên hè năm nay là rất cần thiết”. Thầy Hoàng cũng chia sẻ: “Sau khóa học này tôi sẽ tự tin hơn với các nữ đồng nghiệp trong trường”.
Bồi dưỡng giúp GV cơ bản nắm được tinh thần, nội dung đổi mới phương pháp dạy học, nắm được phương pháp dạy học đặc trưng của từng bộ mon, giảm bớt cách dạy học mang tính truyền thụ kiến thức một chiều... Bồi dưỡng cũng giúp GV kĩ năng sử dụng đa dạng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, các phương tiện thiết bị dạy học, nhằm dẫn dắt, gợi mở HS chủ động tìm tòi, phát hiện kiến thức, hình thành kĩ năng. Góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhà trường; góp phần đẩy mạnh phong trong thi đua “Dạy tốt - học tốt”; ổn định và nâng cao chất lượng GD; góp phần tạo ra những động lực lớn trong học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của GV. PGS.TS Đỗ Tiến Đạt (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) |
An Nhiên