Vầng trăng khuyết

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Giữa nền trời vừa mới ngả màu xám, một vầng trăng khuyết mờ nhạt nhẹ nhàng tỏa ánh sáng bàng bạc.

Vầng trăng khuyết

- Mẹ… ơi! Kìa…! - Thằng Giống - con trai tôi chỉ tay lên trời bập bẹ nói. Tôi dõi mắt nhìn theo. Giữa nền trời vừa mới ngả màu xám, một vầng trăng khuyết mờ nhạt nhẹ nhàng tỏa ánh sáng bàng bạc.

- Con nói đi! Trăng… khuyết…

Tôi nhấn từng tiếng nhưng thằng Giống đã chạy vụt đi, cười khúc khích. Giống chơi với cái bóng. Sự hồn nhiên của con làm lòng tôi dịu lại. Tôi lặng nghe thời gian trở mình về quá khứ với dòng hồi ức sáng trong.

Tháng Ba, cái rét vẫn ngọt. Ngoài trời, mưa phùn mỗi lúc một dày hơn. Mưa rì rầm ươm mầm trong đêm Xuân làm tôi không sao ngủ được. Bỗng nghe thấy tiếng xe đạp dừng lại trước sân, tôi nhón gót mở cửa và bất ngờ khi thấy Hải đứng giữa trời mưa. Bông hồng Hải cầm trên tay đang run run vì lạnh hay bởi nỗi xúc động đang dâng lên trong lòng Hải? Hải ngập ngừng:

- Quỳnh ơi! Mai mình vào Nam học rồi. Quỳnh ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe nhé. Mình sẽ viết thư về… Mình tặng Quỳnh này. Mình… thương Quỳnh nhiều lắm!

Tôi đón lấy bông hồng từ tay Hải. Những cánh hoa màu đỏ thấm đẫm mưa Xuân dường như đang muốn nở bung nhưng gặp trời lạnh nên se lại, cuộn chặt. Lòng tôi buồn man mác. Sóng lòng dội ngược vào tim… Cuối cùng, tôi cũng nghèn nghẹn nói:

- Hải vào trong Nam nhớ giữ gìn sức khỏe nhé. Chúng mình giữ liên lạc với nhau nhé. Mình cũng cảm ơn Hải nhiều.

Mưa phùn bay rối rít trong đêm Xuân níu theo dáng Hải khuất dần trong màn mưa huyền ảo. Tôi mím chặt môi, tay nắm chặt cành hoa nghe mưa Xuân đan dày dường như muốn lặn vào trong niềm thương và cả nỗi đau.

Hải là cậu bạn thân học cùng lớp với tôi. Bố Hải chuyển vào Nam làm nghề đóng tàu gỗ đã mấy năm nay. Vì vậy, Hải sớm phải tự lập, lo thay bố giúp mẹ làm những công việc nặng nhọc trong nhà. Nhà chúng tôi ở hai thôn song Hải hay đến nhà tôi học nhóm.

Ông nội Hải và ông nội tôi là hai người bạn chí cốt nên gia đình tôi cũng rất quý Hải, coi Hải như con cháu trong nhà. Chúng tôi lớn lên hồn nhiên như cây cỏ đồng nội và tuổi thơ cứ thế lặng lẽ trôi đi.

Một buổi chiều mùa Hè, nắng nghiêng qua ô cửa sổ mang theo hương lúa non từ cánh đồng trước ngõ. Ngồi đối diện bên chiếc bàn gỗ xoan nhỏ giữa nhà tôi, Hải dồn tình cảm trong từng lời nói:

- Quỳnh à! Bạn có thể cho phép tình cảm của chúng mình vượt quá tình bạn được không?

Thoáng chút bối rối rồi, tôi đáp:

- Hải này. Mình cũng rất quý bạn, song tương lai của chúng mình còn đang rộng mở. Vì vậy, mình hẹn khi nào đến tuổi trưởng thành, chúng mình sẽ nói tiếp chuyện này nhé.

Hải bị bất ngờ trước câu trả lời, nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến. Có lẽ, Hải nghĩ rằng tôi muốn cậu ấy cố gắng nhiều hơn nữa…

***

Dưới ánh trăng, gia đình tôi quây quần bên mâm cơm đạm bạc. Hôm nay, tôi kho cá cùi vôi và nấu canh hà lá hẹ cho hai ba con Giống. Chồng tôi vừa ăn, vừa tấm tắc khen ngon. Còn thằng Giống cứ luôn miệng đòi “Vẽ… cùi... vôi”.

- Anh ơi! Sáng mai, anh đưa em đến phòng phục hồi chức năng khiếm thị của bệnh viện mắt trung ương nhé. Em hỗ trợ bà cháu em Hà gặp nhóm từ thiện Sen Xanh ạ. Họ định tài trợ cho em ấy mổ mắt ạ.

- Ừ em. Cậu bé ấy được mổ mắt, anh cũng mừng. Mai em gửi con qua bác rồi anh đưa em đi! - Chồng tôi vui vẻ nói.

- Cũng tội cho bé Hà anh ạ. - Tôi bộc bạch. - Mẹ Hà đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan đã mất liên lạc mấy năm nay rồi. Bố Hà bị nhiễm HIV-AIDS giờ đang điều trị ở trung tâm gần nhà. Hai anh em Hà được ông bà nội nuôi. Ông bà thì già yếu. Cả nhà trông vào mấy sào ruộng nên khó khăn lắm.

Ngừng lời, tôi nghẹn trong dòng kí ức xa xôi…

***

Mùa Đông lạnh đến se lòng. Ngoài trời, gió thốc từng cơn làm đám lá khô rối rít tìm nhau trong cơn giông tố. Tôi ngồi buồn nhìn qua khung cửa sổ chợt chạnh lòng khi thấy vầng trăng khuyết lẻ loi giữa nền trời xám mênh mang.

Mở trang nhật kí, tôi trải lòng mình trên trang giấy trắng tinh khôi. Hơn một tháng nay, Hải không viết thư cũng chẳng gọi điện. Tôi đã ra bưu điện gửi thêm một lá thư nữa nhưng chờ mãi vẫn không thấy Hải hồi âm.

Tôi thấy bồn chồn. Một nỗi lo lắng mơ hồ xâm chiếm. Rồi một buổi chiều, tôi xin phép thầy ra bưu điện, gọi điện vào Đồng Nai. Sau những lời thăm hỏi, tôi được cậu của Hải chuyển máy:

- Hải ơi! Bạn có khỏe không?

- Cảm ơn Quỳnh. Mình vẫn khỏe.

- Hải nói thật chứ? Bạn có giấu mình chuyện gì không? - Tôi hỏi dồn.

- Mình vẫn khỏe. Mình vẫn đi làm bình thường mà.

- Thôi được. Hải khỏe là mình yên tâm rồi. - Tôi rơm rớm nước mắt - Giờ mình bận nên hẹn gặp sau nhé.

Tôi đặt cái ống nghe xuống, thanh toán tiền điện thoại rồi lặng lẽ bước đi trên phố. Tôi thầm nghĩ, giờ Hải đã ra trường và là kĩ thuật viên bảo trì máy móc trong một công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử của Nhật Bản.

Dưới quyền của Hải là hơn 40 nữ công nhân tuổi từ 18 đến 25. Bạn của Hải là Hoàng cũng đã bén duyên với Sinh - một nữ công nhân trẻ sống xa nhà… Tôi suy nghĩ miên man mặc cho trời chạng vạng kéo cái bóng của tôi nhòe nhoẹt in trên đường.

Gió bấc rít từng cơn như muốn rèn lưỡi lê lạnh của mùa Đông. Gió như chực thốc tôi lên, như chực sổ tung mối tơ vò trong lòng tôi mà hong cho tê tái.

Bữa cơm chiều đắng ngắt chưa xong thì thầy quản lí khu nội trú gọi tôi xuống nghe điện thoại. Tôi vừa nhấc ống nghe đã thấy giọng của Hải:

- Quỳnh cho mình xin lỗi - Giọng Hải run run - Mình không xứng đáng với tình cảm mà Quỳnh dành cho mình. Mình đã nhận được thư của Quỳnh nhưng mình không muốn trả lời... Tết này, mình cũng không về quê như lời đã hứa với Quỳnh...

- Hải nói gì mình không hiểu? - Tôi dằn lòng thốt lên.

- Quỳnh nghĩ về mình thế nào cũng được. Mình chỉ muốn nói với Quỳnh một điều này thôi. Ngay cả khi hơi thở của mình tắt thì hình ảnh của Quỳnh vẫn sống trong trái tim mình.

- Hải nói gì vậy? - Tôi hốt hoảng.

- Mình xin lỗi vì đã giấu Quỳnh - Giọng Hải run run - Cách đây hơn một tháng mình bị tai nạn giao thông. Mình đã bị hôn mê bất tỉnh hơn một tháng. Mọi người không hy vọng mình sống sót.

Tôi choáng váng vịn thành chiếc ghế gỗ, nước mắt giàn giụa. Cổ họng tôi nghẹn đắng không nói lên lời.

- Quỳnh! Quỳnh có sao không?

- Mình… không sao đâu. - Giọng tôi lạc đi - Sức khỏe của Hải giờ…

- Quỳnh đừng buồn nhiều nhé. Mình xin lỗi. Xe tải đã cán vỡ khung chậu phải của mình và... Nhưng không sao. Mình sẽ cố gắng tập đi. Mình tin mình sẽ đi được chỉ cần có Quỳnh...

Giọng Hải yếu song gấp gáp rồi ngừng lại. Dường như Hải sợ, một nỗi sợ mơ hồ có lẽ đã thành hình.

- Được. Được. Quỳnh sẽ luôn ở bên Hải. Cố gắng lên nhé.

Giọng tôi đằm trong nước mắt. Những lời nói dối thường ngọt ngào song lời nói dối của tôi sao đắng ngắt vậy? Sợ rằng Hải chìm trong nỗi buồn và mặc cảm, tôi lấy giấy viết thư cho Hải. “Hải xa nhớ!...”.

Những dòng thư như con thuyền chở đi dòng tình cảm ngọt ngào... Tôi biết, Hải mong từng ngày để được về bên tôi. Còn tôi, tôi nghĩ việc quan trọng nhất là sức khỏe của Hải. Tôi động viên Hải ở lại Biên Hòa cố gắng kiên trì tập vật lí trị liệu rồi quay lại sắp xếp việc trong công ty.

Khi nào sức khỏe hồi phục hẳn rồi mới ra Bắc. Nghe lời tôi khuyên song Hải cũng có lí của cậu ấy. Hải viết thư, thay đổi cách xưng hô đột ngột làm tôi bối rối. Bức thư Hải viết có đoạn:

“Biên Hòa chạnh lòng thương nhớ!

Quỳnh - em xa thương nhớ nhiều!

Bây giờ viết thư tuy là không trễ nhưng trong lòng anh đã nhận thấy sự muộn màng. Anh đã đi làm được gần một tháng…

Quỳnh à! Hà Nội lạnh, em có lạnh lắm không? Trong Nam cũng bị ảnh hưởng nhưng sao lạnh bằng ở miền Bắc được. Lạnh quá lại không có anh bên cạnh, em nhớ giữ gìn sức khỏe nhé. Ngày còn học cùng, mùa Đông là Quỳnh hay bị ho lắm. Nhớ giữ ấm cổ em nhé.

Quỳnh à! Anh muốn nói với em một điều là: “Anh yêu em rất nhiều!”. Em là người con gái trong mộng của anh. Em là cô gái thông minh, đẹp một cách thánh thiện, bao dung và cũng rất ngây thơ. Tâm hồn em thuần khiết như loài hoa bách hợp trắng vậy. Anh muốn gắn bó cùng em trong quãng đời còn lại có được không em?

Quỳnh à! Lúc bị tai nạn, khi tỉnh dậy, nhìn người thân lo lắng, anh tự trách mình đã làm khổ mọi người và làm khổ cả em nữa. Khi chết đi sống lại, anh mới hiểu rằng những khiếm khuyết về thể xác đã làm anh đớn đau, hoang mang và chìm trong nỗi sợ hãi.

Nhưng những khiếm khuyết về tâm hồn còn đáng sợ hơn rất nhiều. Và cuộc đời này cần lắm những yêu thương. Anh biết là em rất yêu anh đúng không? Và anh mong tình yêu của chúng mình như dòng suối mát lành tưới tắm đôi bờ và ươm thêm nhiều những mầm xanh. Đồng ý với anh, nhé em?”.

Tôi bật khóc và nghĩ cuộc sống đẹp một phần bởi những ảo vọng. Nếu cánh chim bồ câu bay qua khung cửa báo hiệu một vùng trời bình yên thì bóng núi nghiêng đè lên những khóm xương rồng trong trảng cát chỉ cho tôi biết rằng nghịch cảnh là môi trường tốt để rèn ý chí. Thật xót xa cho giây phút tình yêu gọi tôi ra đầu thú để rồi tôi vội vã cắt đứt tình duyên.

Đáp lại thư của Hải, ngòi bút tôi run run: “Từ giây phút này, em xin được khắc hình ảnh của anh trong trái tim em. Đừng buồn về em nhiều nữa anh nhé. Ngày mai, khi đôi mắt em không còn nhìn thấy ánh Mặt trời, em vẫn sẽ mạnh mẽ bước đi trên con đường mình đã chọn.

Con đường ấy, em không muốn có anh đi cùng. Em không muốn anh phải chịu nhiều oan ức bởi những định kiến của người đời sẽ thêu dệt nên một manh áo mạt hạng dành cho em.

Xin đừng yêu em! Bởi anh xứng đáng có một chỗ dựa tinh thần lí tưởng. Xin hãy quên em! Em tin là anh sẽ hạnh phúc bên người phụ nữ khác khi được sẻ chia và yêu thương…”

Cánh thư mang ánh thép bay ngang qua bầu trời. Nước mắt cạn dòng. Tôi lầm lũi bước đi trong chiều tàn. Cây cối khẳng khiu. Chốc chốc, lưỡi lê lạnh của mùa Đông rít ngang qua làm đám cành cây trơ khấc va vào nhau kêu răng rắc.

Vào phòng, tôi lấy chiếc máy chữ nổi ra đặt lên bàn. Vừa nhìn bản in của tờ tập san Hoa Nắng qua thấu kính lúp 28D, đôi tay tôi vừa nhấn mạnh trên những thanh chữ nổi cứng ngắc.

Tiếng kêu “phành phạch” của kim phá giấy nghe chói tai. Song không còn cách nào khác. Đó là cách tốt nhất tôi có thể làm để khắc dòng chữ nổi trên bản giấy dày như mo. Tôi say sưa dịch trang văn học bởi tôi đã thấy niềm vui của các em tôi…

Một ngày, tôi trở về quê. Lần theo những rêu phong cổ kính phủ lên mái trường xưa, tôi tìm lại những kỉ niệm êm đềm bên thầy cô và bè bạn. Nơi ấy, những ngày sương giăng dày rồi những ngày mưa, lớp học nhập nhoạng ánh sáng nên tôi không viết được bài.

Hải và các bạn đã truyền vở ghi bài giúp tôi. Rồi tôi phải nghỉ học giữa chừng vì những cơn nhức mỏi mắt, vì căn bệnh teo dây thần kinh thị giác đe dọa sẽ lấy đi chút ánh sáng cuối cùng của tôi. Tôi chuyển hồ sơ đến học tập tại một trường phổ thông đặc biệt dành cho học sinh khiếm thị tại Hà Nội.

Tôi lặng nhìn dòng sông Tám chảy qua trước cổng trường, lòng man mác buồn. Một nỗi nhớ xa xăm. Chênh chao. Hồn tôi như chiếc lá vàng nghiêng trên cánh sóng… Tôi mải nghĩ ngợi nên không biết cô Mận - cô họ của Hải đi ngang qua:

- Ô kìa! Cháu về hồi nào vậy? - Cô Mận đon đả. Rồi không kịp chờ tôi trả lời, cô nói những lời ngọt như dao cứa - Thằng Hải bạn cháu sắp về rồi đấy. Nghe nói chuyến này về, bố mẹ nó dạm hỏi con bé Hoài con ông Lợi cho nó. Nhà ông Lợi kinh doanh đồ mộc là bạn của bố thằng Hải đã bao năm nay. Môn đăng hộ đối lắm!

- Tốt quá cô ạ. Cháu cũng mừng cho bạn cháu ạ.

Cô Mận ngẩn người. Rồi cô vỗ vai tôi tỏ vẻ thông cảm:

- Thôi. Cố gắng vậy cháu ạ. À, ở quê lâu lâu ghé nhà cô chơi nhé.

Cô Mận cười nhạt rồi phóng xe đi. Tôi lặng thinh nghe sóng cuộn mình rồi hướng về phía Mặt trời đang ngả dần vào vai núi.

***

Đêm đã khuya. Ánh trăng nghiêng qua cửa sổ in một quầng sáng lên khuôn mặt bầu bĩnh của thằng Giống. Nó mơ màng gọi “Ba… Ba…” Tôi vòng tay ôm lấy con vỗ về ru nó ngủ: “À…a…à…à…ơi…! Mong sao anh biến ra tằm/ Em biến ra nống ta nằm chung chơi/ Khi nào cho hợp hai nơi/ Ghé tai nói nhỏ những lời thủy chung.

À… a… à… à… ơi…!” Con ngủ rồi, tôi rón rén khẽ mở két sắt, vội vã tìm một lá thư của Hải giữa chồng thư và những tấm bưu thiếp mà cậu ấy đã gửi cho tôi. Đây rồi. Những dòng chữ đã nhòe đi vì nước mắt của tôi ngày ấy. Bóng dáng của Hải ngày xưa hiện lên trong tôi…

Bất chợt, bàn tay nặng chịch của chồng đặt lên vai tôi. Anh im lặng cầm lấy lá thư. Tôi nhìn khuôn mặt vuông chữ điền của anh nghiêng xuống trang thư. Đôi lông mày rậm… vẫn điềm nhiên. Rồi nước da màu đồng sậm vì sạm nắng của anh chợt ửng lên. Hai quai hàm bạnh rung rung.

Tôi biết vì tôi mà anh đã phải hy sinh, vất vả nhiều. Đã có lúc tôi định chạy trốn khỏi vòng tay anh song… Chồng tôi nhìn sâu vào trong đôi mắt tôi. Ánh mắt ấy làm tôi bối rối.

Anh đọc to thành tiếng bức thư tình: “Quỳnh à. Cuộc sống nơi đô thị với nhiều trò tiêu khiển dễ làm tuổi trẻ vấp ngã. Anh không muốn em buồn. Anh luôn hướng về em với lòng chung thủy. Ngay từ những ngày còn niên thiếu, nghị lực của em đã làm anh cảm phục và anh thấy rằng cuộc sống này ý nghĩa biết bao!

Anh luôn tự nhủ mình phải sống chuẩn mực. Nhiều lúc anh ngỡ mình là con thuyền lênh đênh trên đại dương, còn em là ngọn hải đăng bên bờ biển quê hương vậy. Dù đi xa ngàn dặm, anh vẫn mong về bên em.

Em à. Em đừng buồn khi một ngày kia đôi mắt em không còn nhìn thấy ánh sáng. Bởi khi ấy, anh sẽ là ánh sáng dẫn đường em đi. Anh và con sẽ tả cho em nghe khung cảnh những nơi chúng mình đến. Và chúng mình mãi ở bên nhau em nhé…”.

Chồng tôi kéo tôi vào lòng và tôi nghe trái tim anh thổn thức, nghe anh sống lại một thời: Anh là Hải - bạn của tôi. Ngày ấy, anh đã bỏ lại thành phố Biên Hòa và gạt đi những lời dèm pha ác ý để đến bên tôi. Không để tôi dùng dằng, anh quyết định lập nghiệp tại Hà Nội.

Anh tìm thuê nhà rồi đi xin việc. Anh gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Và ít lâu sau chúng tôi đến với nhau với sự đồng ý của hai gia đình. Lễ cưới được tổ chức trang trọng tại ngôi Thánh đường trên mảnh đất quê hương tôi.

Chồng tôi nhìn cậu con trai an lành trong giấc ngủ. Anh vuốt mái tóc tơ mịn màng của con. Một ý nghĩ bất chợt nào đó kéo anh nhìn ra khung cửa. Tôi tựa đầu vào vai anh, lặng nghe vầng trăng khuyết thở.

Vũ trụ mênh mang chảy tràn nguồn ánh sáng bạc kéo chúng tôi xích lại gần nhau hơn. Tôi biết một ngày nào đó không xa anh sẽ là ánh sáng trong đôi mắt tôi còn tôi sẽ là đôi chân của anh ấy.

Vị giáo sư điều trị cho anh đã “để dành” ca phẫu thuật rút nẹp và hơn chục chiếc đinh trong chân anh cho những ca phẫu thuật thay khớp nhân tạo. Bởi sức chịu đựng của thân xác con người là hữu hạn.

Và khi những chiếc khớp nhân tạo không còn thích ứng với cơ thể thì anh sẽ phiền đến chiếc xe lăn… Có gì đâu khi ta đón nhận “quà tặng cuộc sống” với tâm thế điềm nhiên, với thái độ sống lạc quan, tin tưởng vào bản thân mình… Chẳng phải vầng trăng khuyết luôn chảy tràn nguồn ánh sáng bạc? Và phải chăng cũng nhờ vậy… mới có lúc được tròn đầy?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ