Ô cửa sổ màu nắng

GD&TĐ - Tôi trở về quê sau nhiều năm xa cách. Ngỡ tưởng mình đã trưởng thành vậy mà lần này trở về tôi thấy mình như một đứa trẻ.

Ô cửa sổ màu nắng

Chẳng phải vì tôi hãy còn ngây thơ, khờ khạo mà sở dĩ bỗng dưng thôi thấy lòng mình chơi vơi, lạc lõng quá. Biết dựa vào đâu sau những tổn thương, đổ vỡ và mất mát.

Căn nhà cũ im lìm, trơ trọi. Ngày tôi đi lấy chồng ở tuổi đôi mươi, từ ấy đến giờ cũng gần chục năm. Ông bà ngoại đều đã về nơi chín suối. Mẹ vẫn bặt vô âm tín.

Như một thói quen, tôi đưa mắt nhìn sang nhà đối diện, nhưng căn nhà lá thân quen đã chẳng còn nữa. Ô cửa sổ với biết bao kỷ niệm có lẽ chỉ còn trong nỗi nhớ. Những suy nghĩ cứ cuồn cuộn như từng đợt sóng dữ dội trào dâng trong lòng tôi, chợt chững lại bởi một giọng nói trầm ấm:

- Mai ơi, con về thăm nhà đấy à?

Tôi giật mình chưa kịp nhận ra là ai. Người đàn bà trạc tuổi ngũ tuần cười buồn rồi nói tiếp:

- Bác là mẹ của Ban đây!

- Dạ, nay bác về thăm nhà ạ?

- Ừ, bác về có việc, sang cát cho Ban cháu à, thế là nó cũng đi những 5 năm rồi! Trước khi đi, nó muốn gửi cho cháu cái này, vậy mà lâu lắm rồi bác không gặp cháu.

Người đàn bà đưa cho tôi một túi đồ rồi lầm lũi ra về. Tôi nhìn theo dáng nhỏ của bà khuất dần trong bóng chiều chạng vạng. Nhoẻn miệng cười, tôi cay đắng nhận ra dù thời gian đã làm cho nhiều thứ thay đổi, nhưng những điều đã xảy ra lại chẳng thể nào thay đổi.

Người bạn nhỏ ngày nào, người bạn mà với bao lo toan, bộn bề của cuộc sống có lúc tôi đã vô tình quên lãng. Nay bỗng nhiên những nỗi nhớ cứ ùa về lòng tôi như cơn gió mùa...

Tôi ôm gói nhỏ vào lòng, tưởng như nỗi cô đơn, muộn phiền cũng vơi đi phần nào. Lần bóc món đồ được gói ghém thật cẩn thận sau bao lớp giấy bọc quà, cảm xúc của tôi như vỡ oà. Một bức tranh thân thương có tên “ô cửa sổ màu nắng”, một lá thư đủ dài để lòng tôi quay ngược về thơ ấu.

Ban là một cậu trai đặc biệt. Ngày nhỏ, xóm tôi có rất nhiều bạn đồng trang lứa. Tôi chơi thân với các bạn từ thuở mẫu giáo. Nhưng với Ban lại khác. Hồi nhỏ, Ban sống ở khu tập thể công nhân cùng bố mẹ trên thành phố. Mãi đến năm 12 tuổi Ban mới về quê cùng bà nội.

Nhà nội Ban đối diện với nhà tôi, đó là căn nhà lá đơn sơ, có một buồng nhỏ ở mé phải. Từ nhà tôi nhìn sang sẽ thấy đúng cửa sổ nơi đầu đốc nhà nội Ban. Bình thường, cánh cửa sổ rất ít khi mở và nội Ban cũng ít khi ở nhà, nhưng từ ngày Ban xuất hiện, ô cửa sổ bỗng mở thường xuyên hơn.

Với tôi, trước khi Ban xuất hiện, ô cửa sổ ấy bình thường như bao ô cửa sổ khác, tôi vẫn thường nhìn ô cửa sổ ấy theo một phản xạ rất tự nhiên. Thế nhưng, từ khi Ban xuất hiện, sự tự nhiên ấy đã chẳng còn nữa.

Tôi đã nhìn thấy gì qua ô cửa sổ ấy, là hình ảnh một cậu bé Ban có lúc buồn bã, yếu đuối, có lúc lại cười tươi rạng rỡ và có những lúc tôi bất chợt bắt gặp ánh mắt lấp lánh những hy vọng của Ban.

Trong bức tranh, Ban vẽ một ô cửa sổ đầy nắng, ô cửa sổ với những thanh song quen thuộc. Phải, hẳn là nắng cũng đã cố gắng lắm để hắt thật sâu vào trong căn phòng có phần tăm tối và người phía sau những thanh song kia cũng phải cố gắng lắm để nhìn thật xa mọi thứ ở bên ngoài. Và tôi cũng đang phải cố gắng lắm để nước mắt không làm nhoè đi những dòng chữ trong bức thư đã nhuốm màu xưa cũ.

“Thời gian như trôi chậm hơn nhưng có vẻ tôi không đủ sức để đi tiếp. Mai có biết không, với tôi ô cửa sổ này như một phép màu. Đưa tôi đến với những nơi mà tôi chưa từng được đến, sưởi ấm tâm hồn đầy tổn thương của tôi. Thơ ấu của tôi là những ngày tháng đầy tủi cực.

Tôi muốn bước đi bằng đôi chân của mình nhưng không thể. Tôi muốn được chơi đùa, chuyện trò cùng mọi người nhưng cũng lại không thể. Hành trình của tôi là từ bệnh viện này đến bệnh viện khác, từ nhà thầy lang băm này đến nhà thầy lang băm khác.

Nhưng rốt cuộc tôi vẫn là một đứa trẻ tật nguyền. Đã nhiều lần tôi thấy mẹ khóc, và không ít lần va phải ánh nhìn bất lực của bố. Vì sức khỏe, vì hoàn cảnh việc học của tôi bị lỡ dở. Nhịp sống hối hả, chẳng mấy ai bận tâm đến tôi.

Tôi sợ hãi nhận ra, mình là người thừa trong xã hội, trong chính gia đình của mình. Tôi nằm ở góc nhỏ trong căn nhà của khu tập thể chật chội, ẩm thấp. Ban ngày mọi thứ luôn tĩnh lặng đến ghê người, mọi người đều có việc của riêng mình, chỉ còn lại mình tôi buồn tênh và trống rỗng.

Càng lớn tôi lại càng cảm thấy sự tồn tại của tôi là một sự thừa thãi, tôi đã từng muốn chết. Nhưng chết như thế nào thì bản thân tôi cũng chẳng biết cách để tự kết liễu cuộc đời mình. Tôi bị trầm cảm. Thật may mắn, ngày hôm đó bà nội đã đón tôi về quê.

Bố mẹ tôi đã từng lo lắng, liệu rằng bà có chăm sóc được tôi không, liệu rằng bà có hiểu những điều tôi muốn diễn đạt không. Nhưng bà quả quyết bà sẽ làm được, bà nhìn tôi lủi thủi mà thương. Bà đón tôi về vừa tiện chăm sóc và lại không khí ở quê trong lành sẽ tốt cho sức khoẻ hơn.

Tôi về ở cùng nội trong căn nhà lá đơn sơ, căn nhà tuy nhỏ, nhưng bà luôn sắp xếp mọi thứ thật gọn gàng, khéo léo. Ngoài vườn, bóng cây cổ thụ râm mát. Mùa Hè, hương xoài, hương mít quyện với hương hoa dẻ phả vào trong gió thật làm người ta dễ chịu.

Mùi của đất, của nước, của rơm lúa ngày mùa cũng khác hẳn với mùi nước thải sinh hoạt bốc lên từ những khu chung cư ổ chuột trên thành phố. Bà đặt giường tôi cạnh cửa sổ. Cửa sổ hướng Đông, đón ánh Mặt trời mọc, để mỗi sáng thức dậy tôi chỉ cần dùng tay đẩy tung cánh cửa sổ, sẽ đón được những ban mai tươi sáng.

Sáng ra, tôi vẫn thường mở tung cánh cửa sổ như một thói quen. Giữa làn nắng ban mai ấm áp, bầu trời xanh trong, tiếng chim sâu ríu rít bắt mồi, chợt tôi phát hiện ra một điều thú vị. Phía nhà hàng xóm đối diện, có một cô bé đang say sưa vẽ tranh.

Cô bé trạc tuổi tôi có mái tóc đen dài. Cô bé mải vẽ tranh đến nỗi chẳng để ý đến sự xuất hiện của tôi và cũng chẳng biết rằng mặt mình đã dính lem nhem màu sắc.

Nội thấy tôi nhìn cô bé vẽ một cách chăm chú thì hiểu ngay. Nội chạy sang nhà cô bé, nói với cô một điều gì đó. Tôi chỉ thoáng thấy cô bé ngoái lại nhìn tôi, vẫy tay cười thật xinh. Lần đầu tiên có một người xa lạ cười với tôi vô tư và hồn nhiên đến thế.

Cô bé ấy đã mang đồ vẽ sang cho tôi, rồi viết lên giấy: “Bạn cũng thích vẽ hả?”. Tôi gật đầu tỏ vẻ đồng ý. Khi ở trong khu tập thể, mẹ sẽ mắng mỗi khi tôi vẽ, vì nhây bẩn mẹ lại tốn công lau dọn. Tôi viết ra giấy: “Bạn tên là gì thế?”.

Cô bé chỉ tay vào những tia nắng đang xuyên thẳng vào trong phòng: “Ban Mai”. Cái tên đẹp quá, đẹp như chính cô bé vậy, ánh mắt trong veo hồn hậu, nụ cười tươi sáng thân thiện. Trong tranh, cô bé vẽ một gia đình hạnh phúc, bố mẹ cùng nắm tay con gái đi chơi, bức tranh mang tên: “Ước mơ của tôi”.

Tôi hỏi nội về Mai. Đôi mắt tươi vui của bà bỗng hiện lên một nỗi buồn. Mai là một đứa con rơi, mẹ Mai nhỡ nhàng nên sinh ra Mai. Khi con bé được 5 tuổi, mẹ để Mai cho ông bà ngoại rồi đi xuất khẩu lao động.

Từ đó đến nay biệt tích chẳng biết sống chết thế nào. Cái Mai rất ngoan, lễ phép và biết thương người, bình thường nó hay nhổ tóc sâu cho bà lắm.

Tôi nhìn bức tranh Mai vẽ, muốn khóc mà lại không thể. Có lẽ Mai vẫn luôn hy vọng, mình là một đứa trẻ hạnh phúc được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Dù rằng sự thật có thể khá phũ phàng, nhưng Mai vẫn như tia nắng kia vậy, luôn lạc quan và không ngừng hy vọng.

Có hôm qua ô cửa sổ, tôi thấy Mai bị ông Tín đánh. Ông vứt tung hết những tranh mà Mai vẽ ra góc sân. Tôi hốt hoảng, lo lắng như chính mình là người bị đánh vậy. Tôi thấy Mai khóc nức lên, rồi nhanh chóng nhặt lại những đồ vương vãi ngoài sân.

Khi ấy, tôi ước gì mình có thể chạy đến giúp Mai nhặt đồ, hoặc chí ít là tôi có thể gào lên rằng: “Mai ơi, đừng khóc nữa”. Nhưng không, tôi chỉ biết lo lắng trong yên lặng. Ngoái đầu lại thấy tôi, Mai vội gạt nước mắt, mỉm cười nhìn tôi, tỏ ý muốn nói “đừng lo lắng, tôi vẫn ổn mà!”.

Nội bảo, cái Mai giống mẹ, nên nhiều lúc say rượu ông Tín (ông ngoại Mai) mới hay bực tức với nó vậy thôi. Chứ bình thường ông bà Tín thương nó lắm, càng thương nó bao nhiêu thì lại càng trách thằng bố, con mẹ nó bấy nhiêu. Ông Tín chỉ mong cho cái Mai chăm chỉ học hành rồi nên người thôi.

Suốt mùa Hè năm ấy, với sự xuất hiện của Mai, đã có lúc tôi quên mất mình là một đứa trẻ khuyết tật. Mai đưa tôi đến với những tháng ngày tuyệt vời nhất mang tên “tuổi thơ”. Mai đẩy xe lăn đưa tôi đi chơi với đám bạn trong xóm.

Lúc đầu, các bạn có vẻ ngại ngùng, xa lánh nhưng Mai đã giúp các bạn gần tôi hơn. Tôi không thể đá bóng, thả diều và cũng chẳng nghe thấy đám bạn nói gì. Nhưng mắt tôi vẫn sáng để thấy các bạn luôn cười đùa thật sung sướng, các bạn chia cho tôi những món quà mà các bạn có.

Và tôi tin rằng các bạn thương tôi. Dưới bầu trời xanh đầy gió lộng ấy, tôi bỗng cười như chưa bao giờ được cười và bỗng thấy những que kem đá sao mà lại ngọt mát đến thế.

Hết kỳ nghỉ Hè, các bạn đều đi học hết. Đó là quãng thời gian tôi mong sao cho đêm ơi hãy thật là ngắn để mỗi sáng tôi sẽ lại mở tung cánh cửa sổ, để lại nhìn thấy Mai mỉm cười, vẫy tay chào tôi.

Mai đi học nhưng vẫn không quên mua cho tôi những món quà, khi thì là vở viết, khi lại là cây bút chì, thậm chí cả cái kẹo béo Mai cũng đem về phần tôi. Nội cũng biết các bạn đi học hết tôi sẽ buồn nên nội mua cho tôi thật nhiều bút vẽ, nội bảo cứ vẽ đi, cứ thoải mái làm những gì tôi thích, nội sẽ chiều hết.

Thời gian cứ thế trôi đi, thấm thoắt đã mấy năm tôi về ở cùng nội. Nội già hơn trước nhiều, tóc đã bạc trắng. Trong những hoạt động thường ngày, tôi phải gắng sức hơn để nội bớt vất vả.

Căn nhà nhỏ được trang trí bằng thật nhiều những bức tranh mà tôi vẽ. Thế nhưng, lòng tôi bỗng sợ hãi bởi những điều thật tự nhiên. Càng lớn, bệnh tật của tôi lại càng nặng hơn. Nhưng càng lớn thì những bạn tôi thằng Kiên, thằng Cường lại trổ mã cao lớn, đẹp trai.

Mai cũng thế, giờ Mai đã là thiếu nữ rồi, vẻ đẹp của Mai khiến bao người say đắm. Dù không muốn tôi cũng không thể nào chống lại sự thật “chúng tôi đã lớn”. Mai dần xa tôi, Mai học trên thành phố nên ít về quê thăm tôi hơn và Mai cũng không mỉm cười nhìn tôi như ngày trước nữa. Có vẻ như Mai đang cố tình né tránh tôi.

Mai có biết không. Mỗi khi, mở tung cánh cửa sổ, tôi lại như lật thêm một trang sách mới. Có lúc hồi hộp mong đợi, khi lại thấy lo lắng, xót xa. Và nhiều lúc thấy đau thắt nơi lồng ngực. Ngoài kia, có biết bao nhiêu người đang cố gắng tán tỉnh Mai. Tất cả bọn họ đều hơn tôi.

Và rồi, cái gì đến rồi sẽ đến. Ngày hôm ấy, Mai đã khóc. Mai nói, Mai phải đi lấy chồng rồi. Nhà chồng Mai ở khá xa nên có lẽ phải lâu lắm mới về thăm tôi được. Mai khóc và ôm tôi vào lòng rồi chạy ù đi.

Tôi thấy tim nhói đau, cái ôm của Mai, mùi hương của Mai hệt mùi hoa dẻ mỗi khi Hè về phả vào mũi tôi theo làn gió rồi cũng nhanh chóng bay đi mất. Từ hôm ấy, tôi cũng chẳng dám mở ô cửa này ra nữa.

Tôi sợ, lỡ đâu tôi lại vô tình thấy nụ cười của Mai. Tôi sợ, lỡ đâu hồn tôi lại rơi vào những mơ hồ, huyền ảo mà tôi chẳng thể nào thoát ra được.

Ngày Mai đi lấy chồng, tôi thấy lòng mình như mưa rào ngập lụt. Vậy mà, nắng vẫn trải vàng trên những con đường, bầu trời xanh trong thăm thẳm, đoá hoa hồng đã trổ thắm ngát hương, từng đàn chim lúc xà xuống lúc bay lên như muốn chọc tức tôi.

Đợi cho xe dâu đến ngõ, tôi đẩy tung cửa sổ, vô tình bắt gặp cái nhìn của Mai. Gượng cười, tôi ra hiệu “Hạnh phúc nhé, Ban Mai của tôi”. Mai cũng gượng cười một cái mà nước mắt lăn dài trên má.

Mỗi ngày sức khoẻ của tôi một yếu đi. Lâu lắm rồi Mai chẳng về thăm tôi. Có chăng, những khoảnh khắc về Mai cứ đọng mãi nơi đáy mắt tôi, để hễ cứ mở tung cánh cửa sổ, tôi lại như thấy Mai cười và lại thấy lòng mình ấm áp hơn.

Qua ô cửa sổ, từng đàn chim đang bay lượn trên bầu trời có lẽ chúng đang rất hạnh phúc, phải rồi, được tự do làm những gì mình thích chính là hạnh phúc mà.

Tôi lại ước ao, nếu có kiếp sau, tôi ước mình được như con chim xanh kia, thoải mái bay lượn, vẫy vùng trong nền trời xanh thẳm và tắm mình trong những tia nắng lấp lánh. Nắng luôn đẹp, luôn ấm áp và luôn làm người ta thêm hy vọng.

Nghĩ lại thì tôi thấy mình vẫn là một kẻ may mắn đấy chứ. May mắn vì tôi vẫn còn đôi tay để vẽ, vẫn còn đôi mắt sáng để nhìn thấy mọi yêu thương. Và dù mọi thứ có thể khuyết tật thì trái tim của tôi chưa bao giờ khuyết tật.

Cảm ơn những yêu thương đã đến sưởi ấm tâm hồn lạnh lẽo của tôi. Cảm ơn Mai đã cho tôi những ban mai thật bình yên và hạnh phúc!”.

Tôi ôm những kỷ vật vào lòng, oà khóc. Bức tranh mà Ban vẽ quả là một kiệt tác. Hạnh phúc với tôi có lẽ nằm ở sự thấu hiểu. Dẫu thời gian có trôi đi, thì những yêu thương vẫn sẽ mãi mãi ở lại.

Những song cửa sổ kia chẳng khác nào những bức vách định kiến trong lòng người thật khó lòng để tháo dỡ. Tôi đã từng rất thương Ban nhưng chẳng thể nào vượt qua được những giới hạn. Chẳng hiểu vì những yêu thương mà vốn dĩ tôi luôn coi là thầm kín đã vô tình thể hiện ra một cách quá đà.

Hay bởi vì người lớn đã nhìn vào thực tế mà đoán trước được những dự cảm về tương lai cũng nên. Ông bà ngoại đã luôn nhắc nhở tôi không được gần gũi Ban nữa, lớn rồi không thể giống như hồi nhỏ. Rồi nhanh chóng tìm cho tôi một mối để lấy chồng.

Tôi đã từng cố dối lòng mình rằng, những rung cảm đầu đời chỉ là ngẫu nhiên như hoa đào nở khi Xuân tới. Rồi thời gian trôi qua, mọi thứ sẽ qua. Nhưng không phải thế, dù hiện tại tôi có mọi thứ nhưng chẳng thể nào tìm được một người hiểu mình. Hạnh phúc gia đình tan vỡ bởi bức vách những định kiến đã hằn sâu trong lòng người, dù tôi đã luôn cố gắng người đời vẫn luôn dè bỉu, coi tôi là một đứa con hoang, một đứa không cha mẹ. Phải, chỉ bao giờ con người ta vượt qua được những định kiến, mặc cảm và được thấu hiểu thì con người ta mới thấy hạnh phúc.

Bức tranh này, tôi chẳng thể giữ cho riêng mình. Bởi lẽ, những điều ý nghĩa cần được chia sẻ để cuộc sống này trở nên tươi đẹp hơn. Tôi sẽ đăng lên sàn đấu giá, bức tranh của một hoạ sĩ khuyết tật - chân chẳng thể đi, tai không thể nghe, miệng không thể nói.

Nhưng sâu thẳm là một trái tim yêu thương. Yêu thương như ánh nắng lấp lánh bên ô cửa kia vậy, đem đến bao hy vọng về tương lai, sưởi ấm những trái tim tổn thương, làm ta thấy yêu đời, yêu người và thấy đáng sống hơn. Số tiền đấu giá từ bức tranh tôi sẽ quyên góp vào quỹ bảo trợ cho trẻ em khuyết tật.

Tôi mỉm cười trong nước mắt. Cảm ơn đời đã cho tôi những cuộc gặp gỡ, những khoảnh khắc để tôi hiểu rằng mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống đều mang ý nghĩa riêng của nó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...