Văn Việt và nỗi khát ra biển lớn

GD&TĐ - Văn chương vốn trọng 'tinh' chứ không trọng 'lượng'. Vì thế, đừng bao giờ lấy số lượng để định hình chất lượng.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Từ thông tin 11 nhà văn trong nước được đề cử giải thưởng văn học (năm đầu tiên) mang tên một nhà báo, nhà văn của Kyrgyzstan, câu chuyện về dịch văn học và xuất bản tác phẩm ở nước ngoài lại được xới xáo trên báo chí và trên diễn đàn mạng xã hội.

Theo đó, tạm chia thành hai luồng dư luận. Một bên phấn khởi, vui mừng, tự hào vì tên tuổi và tác phẩm của mình đã ra với thế giới. Một bên thể hiện rõ sự hoài nghi, thậm chí chế giễu trước thực tế nhiều người viết phải chi số tiền không nhỏ cho việc dịch thuật và in ấn ở nước ngoài.

Khó có thể khẳng định đúng sai, bởi đây là quan điểm, góc nhìn cá nhân. Làm gì, lựa chọn hướng đi ra sao là quyền tự do của mỗi người, không vi phạm pháp luật, không phạm vào điều cấm kỵ của xã hội.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn lại thực tế rằng, nhiều năm nay, trong sự phát triển mạnh mẽ của ngành xuất bản, thì số lượng đầu sách văn học được in ấn rất nhiều. Chỉ cần có tiền cộng với giấy phép xuất bản, một thời gian ngắn sau sách đã được in ra, được phát hành ngoài thị trường, hoặc làm quà biếu, tặng.

Rất nhiều đầu sách không bao giờ được biết đến, không được đọc đến. Đó là một thực tế mà những người viết, nhất lại không phải người nổi tiếng, thấu tỏ hơn ai hết.

Đó là chuyện xuất bản trong nước. Còn ở nước ngoài, công việc này có thể phức tạp hơn, khó khăn hơn, cũng có thể đơn giản hơn. Mỗi cá nhân khi có tác phẩm được dịch, hoặc là cầu nối cho việc dịch thuật - xuất bản ở nước ngoài cũng chỉ hiểu được phần nào thông qua trải nghiệm của mình.

Chính vốn trải nghiệm riêng ấy là mảnh đất để điều thật điều giả cài cắm vào nhau. Nếu không thông tỏ ngoại ngữ, không có những thông tin chính xác, người viết dễ bị sa vào lời giới thiệu hào nhoáng về độ nổi tiếng của một tạp chí này, một nhà xuất bản kia, một giải thưởng nọ.

Đây là thực tế đã xảy ra nhiều năm nay ở nước ta, không chỉ trong lĩnh vực văn chương, mà cả ở các lĩnh vực khác. Từ đó dễ dẫn đến ảo tưởng về tác phẩm. Cũng không ít trường hợp lấy đó để PR cho mình.

Đó là chưa bàn đến chất lượng dịch thuật. Dịch văn chương không giống như dịch văn bản hành chính, báo chí. Dịch giả chính là người đồng sáng tạo tác phẩm. Không phải ai giỏi ngoại ngữ cũng được nhìn nhận là dịch giả văn học.

Nếu ngày hôm nay đưa truyện ngắn, ngày mai đã có bản dịch, thì cần phải hoài nghi về chất lượng bản dịch ấy. Dịch xuôi vốn khó. Dịch ngược còn khó gấp nhiều lần. Dịch thơ lại khác với văn xuôi. Ngay những dịch giả nổi tiếng ở nước ta thì họ cũng chỉ dịch xuôi và dịch ngược phải nhờ hỗ trợ của dịch giả nước ngoài.

Ngôn ngữ của một đất nước là chiều sâu của tư duy khoa học, của văn hóa, nghệ thuật, với những quy luật riêng, những bí ẩn riêng. Văn chương vốn trọng “tinh” chứ không trọng “lượng”. Vì thế, đừng bao giờ lấy số lượng để định hình chất lượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Liệu có lợi hại hơn?

GD&TĐ - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã biến nghi thức nhậm chức thành một lễ hội lớn thực sự nhằm tôn vinh sự trở lại của mình.