Tiến sĩ Bích Ngọc Turner (tên gọi trước khi lấy chồng là Đỗ Ngọc Bích) hiện đang định cư tại Mỹ và được giới học thuật biết đến là một giảng viên dạy tiếng Việt, văn hóa Việt Nam, và văn học Việt Nam thời kỳ hậu chiến ở Trường Đại học Washington, thành phố Seattle, bang Washington. Vừa qua, Tiến sĩ Bích Ngọc Turner xuất hiện trong “Diễn đàn châu Á 2021” với bài diễn thuyết ấn tượng về “Những tác động của xã hội và lịch sử đến văn học Việt Nam trong thế kỷ 20”.
-Vì sao Bích Ngọc quyết định sang Mỹ và ở lại học tập, rồi giảng dạy văn học, ngôn ngữ Việt Nam?
Tiến sĩ Bích Ngọc Turner: Tôi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp ngành Tiếng Anh và dạy tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn 6 năm (1994 - 2000) thì nhận được học bổng chính phủ Mỹ đi học cao học về Hoa Kỳ học ở Đại học Hawaii. Khi đó, tôi mong muốn được chuyển sang giảng dạy bằng tiếng Anh ở Khoa Quốc tế học những môn học mà tôi tò mò say mê như văn học và văn hóa Mỹ, lịch sử quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ.
Học xong thạc sĩ, tôi được tiếp tục học tiến sĩ và gặp bạn trai người Mỹ, người mà sau này tôi kết hôn vào năm 2003. Anh ấy cũng là nghiên cứu sinh về lịch sử kinh tế Việt Nam. Năm 2004, chúng tôi cùng về Hà Nội sinh sống và dạy đại học gần 5 năm. Con gái của chúng tôi sinh ở Việt Nam.
Năm 2009, tôi trở lại Mỹ để định cư và hoàn tất luận án. Sau khi nhận bằng tiến sĩ, tôi cũng mất một thời gian loay hoay định hướng lại sự nghiệp của mình vì thực sự là tìm vị trí giảng dạy lịch sử và văn hóa Mỹ ở Mỹ là rất khó với một người nhập cư và không nói tiếng Anh bản xứ.
Vừa may mắn lại tình cờ, tôi nhận được việc giảng dạy tiếng Việt tạm thời ở Đại học Yale và nhận ra là dạy tiếng Việt, văn hóa và văn học Việt Nam thực sự là thế mạnh và cũng là sở thích của mình. Mẹ tôi vốn là giáo viên văn học và tiếng Việt ở trường phổ thông ở Hà Nội trong rất nhiều năm đến khi bà về hưu, cho nên có lẽ cũng là cái duyên, cái số, con nối nghiệp mẹ chăng?
- Hãy kể về việc giảng dạy của chị tại trường đại học của Mỹ. Những đối tượng nào học môn mà chị giảng dạy và mục đích của họ? Thách thức nào lớn nhất với chị trong công việc giảng dạy ở đó?
Sau khi rời Đại học Yale, tôi thử sức làm cho chính phủ Mỹ một năm, dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho Trung tâm Đào tạo của Bộ Ngoại giao Mỹ, và chính thức nhận được việc giảng dạy ngôn ngữ và văn học Việt Nam ở Khoa Ngôn ngữ và Văn học châu Á, Đại học Washington năm 2014.
Ngoài việc dạy tiếng Việt cho sinh viên năm thứ nhất, thứ hai, và thứ ba, tôi dạy 3 môn chuyên ngành Việt Nam học khác bằng tiếng Anh, là “Việt Nam sau nội chiến trong văn học, phim, và truyền thông”; “Văn hóa đô thị Việt Nam đương đại”; và “Văn học Việt Nam thế kỷ 20”.
Sinh viên đa số là người Mỹ gốc Việt, muốn học tiếng Việt, tìm hiểu về văn hóa Việt Nam và một phần lịch sử quá khứ của cha mẹ, ông bà các em. Khoảng 5 - 10% sinh viên không phải gốc Việt, nhưng tò mò muốn tìm hiểu hoặc có bạn thân, bạn trai, bạn gái, gia đình là gốc Việt.
Thách thức lớn nhất là luôn phải lấy sinh viên làm trung tâm, hiểu rõ nhu cầu và khó khăn cũng như thuận lợi của mỗi em, soạn bài giảng phong phú, đa chiều, khách quan và nhiều hình ảnh, đa dạng phương thức công cụ dạy: Tài liệu nghiên cứu, sách truyện thơ văn, hồi ký đời sống thật, phim truyện, phóng sự TV, phim tài liệu. Nói chung là mất rất nhiều thời gian. Dạy 1 giờ thì mất 10 - 15 giờ chuẩn bị.
- Chị có thấy thiếu thốn những tác phẩm văn học Việt Nam ở Mỹ để sử dụng trong công tác giảng dạy tại trường đại học?
Tôi không thấy thiếu lắm vì lớp văn học Việt Nam ở Mỹ hiện nay mới chỉ ở mức là một môn phụ, bổ trợ cho kiến thức tổng quát về xã hội nhân văn hay văn học thế giới. Vì tôi dạy một lớp văn học Việt Nam thế kỷ 20 nên cảm thấy số sách đã dịch tương đối đủ. Ngoài ra, tôi cũng có thể tự dịch một ít trích đoạn văn. Nhưng nếu nó là một chuyên ngành riêng thì chắc sẽ thiếu nhiều.
- Chị có từng suy nghĩ, trăn trở về việc tại sao tác phẩm văn học Việt Nam phát hành ở Mỹ còn khiêm tốn?
Ngược lại, tôi cảm thấy đã rất may mắn vì văn học Việt Nam được dịch và phát hành ở Mỹ khá nhiều so với các thứ tiếng của các nước Đông Nam Á khác, có lẽ là vì người Mỹ cũng có sự tò mò lớn hơn đối với Việt Nam do cuộc chiến mà họ gọi là “chiến tranh Việt Nam”.
- Trong thư viện trường ĐH ở Mỹ và các thư viện lớn nơi chị lui tới, chị có tìm thấy tác phẩm văn học Việt Nam không? Đó là những tác phẩm nào? Đồng nghiệp Mỹ của chị nói gì về những tác phẩm đó?
Tôi đã tìm hiểu và được đọc (lại) rất nhiều tác phẩm văn học Việt Nam ở 3 thư viện ở Mỹ: Trường Đại học Hawaii, nơi tôi học cao học; Trường Đại học Yale, nơi tôi làm việc một thời gian ngắn; và Trường Đại học Washington, nơi tôi làm việc từ 7 năm qua. Các trường đại học lớn khác chắc chắn cũng đầu tư mua sách văn học và nghiên cứu phê bình văn học từ Việt Nam rất nhiều.
Chủ yếu vẫn là văn học thế kỷ 20, hàng trăm nghìn cuốn, không kể hết tên ra được, và gần đây có một số ít là những tác phẩm của thế kỷ 21. Các trường đại học có chuyên ngành Đông Nam Á học nói chung đều được cấp một ngân sách khá hào phóng mỗi năm để đặt mua sách báo từ Việt Nam.
Đồng nghiệp Mỹ trừ khi là người Mỹ gốc Việt thì rất ít người đủ trình độ đọc sách văn học Việt Nam nguyên gốc. Có một số ít đọc văn học dịch nhưng chủ yếu là vì họ dạy môn Lịch sử Việt Nam, chiến tranh Việt Nam nên cần bổ sung thêm một số sách liên quan tới cuộc chiến đó, ví dụ như “Nỗi buồn Chiến tranh” của Bảo Ninh hay “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” của Đặng Thùy Trâm hay “Dải khăn sô cho Huế” của Nhã Ca.
Một số đồng nghiệp hỏi tôi nên đọc quyển nào để hiểu biết hơn về Việt Nam, thì tùy nhu cầu của họ tôi đưa ra gợi ý thích hợp, ví dụ như “Thời xa vắng” của Lê Lựu hay “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng hay tuyển tập các truyện ngắn viết sau chiến tranh.
Ở Mỹ hiện nay cũng có hơn chục tập truyện ngắn Việt Nam và chừng 15 - 20 cuốn tiểu thuyết chọn lọc điển hình đã được dịch, nhưng trong khuôn khổ 1 lớp học 10 tuần, 50 tiết, thì tôi thường chỉ chọn 5 cuốn tiểu thuyết và 2 đến 3 tuyển tập truyện ngắn ít bị trùng lặp, bao gồm những truyện từ thời cuối thực dân đến đầu thế kỷ 21.
- Chị có thường xuyên trao đổi ý kiến hoặc thông tin văn học với Hội Nhà văn, hoặc một số nhà văn Việt Nam để làm mới kho kiến thức giảng dạy của mình?
Thực sự tôi chưa làm tốt việc này lắm. Tôi có quen một số anh chị nhà văn và theo dõi họ trên Facebook. Do đặc thù sở trường của tôi là văn học thế kỷ 20 nên kho sách thực tế là không tăng lên, chỉ có cách phân tích nhận xét và phương pháp tiếp cận để biến thành bài giảng là cần làm mới.
Ví dụ như gần đây, tôi thêm vào chương trình dạy một số phim chuyển thể từ văn học hay mời một nhà văn nói chuyện qua Skype bằng tiếng Anh trong khoảng 15 - 20 phút cho lớp học phong phú và sinh viên có cơ hội thực nghiệm nhiều hơn.
- Dự định phát triển sự nghiệp của chị như thế nào?
Tôi muốn đề xuất và tạo một chương trình cử nhân về văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam ở Đại học Washington. Hiện nay mới có bằng cử nhân về văn học và ngôn ngữ châu Á nói chung và một chuyên ngành phụ (ở Mỹ gọi là “minor”) về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam.
Với 3 lớp Việt Nam học chuyên ngành và 6 lớp tiếng Việt trình độ trung và cao cấp, sinh viên của tôi có thể có 45 tín chỉ Việt Nam học. Con số này có thể được coi là đủ để đạt trình độ cử nhân về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam.
- Theo chị, để quảng bá tác phẩm văn học Việt Nam được tốt ở Mỹ, thì Hội Nhà văn Việt Nam và các nhà văn Việt Nam nên làm gì?
Theo tôi, Hội Nhà văn và các nhà văn Việt Nam nên thông qua cầu nối là các trường đại học, nơi có chương trình cử nhân hay cao học về Đông Nam Á, Khoa Tiếng Việt, hay lịch sử Việt Nam. Các giáo sư ở Mỹ thường có khả năng mời một khách mời mỗi năm thỉnh giảng, nói chuyện, tùy ngân sách mỗi nơi.
Một cách nữa là nên tạo điều kiện hay học bổng để sinh viên Việt Nam đề xuất một đề tài nghiên cứu văn học Việt Nam ở Mỹ hay thông báo là sẵn sàng tài trợ đón nhận một sinh viên Mỹ sang Việt Nam nghiên cứu văn học Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn chị!