Văn thuyết minh - Cách tiếp cận từ hơi thở cuộc sống

GD&TĐ - Mua một chiếc điện thoại, một chiếc máy tính, một đồ dùng học tập… đều cần biết được cấu tạo, cách dùng, cách bảo quản… Mua một cuốn sách cần biết nội dung, đề tài, tác giả, nhà xuất bản.

Giờ học Ngữ văn của cô trò Trường THCS Nguyễn Du (Thanh Hóa). Ảnh: INT
Giờ học Ngữ văn của cô trò Trường THCS Nguyễn Du (Thanh Hóa). Ảnh: INT

Đến với một danh lam thắng cảnh, một di tích lịch sử ta bắt gặp các bảng quảng cáo giới thiệu sơ đồ, lai lịch, diện tích. Tất cả đều là văn bản thuyết minh… Như vậy, có thể khẳng định rằng, đây là thể văn khá phổ biến và quan trọng trong quá trình tạo lập văn bản và đời sống của con người.

Khác với các văn bản nghị luận là dùng luận điểm, lí lẽ, cách lập luận; tự sự yêu cầu phải có nhân vật, cốt truyện, sự việc, ngôi kể; miêu tả cần hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái; biểu cảm là thái độ, cảm xúc của con người trước buồn vui, sướng khổ của kiếp nhân sinh…, văn bản thuyết minh chủ yếu trình bày tri thức một cách khách quan, giúp con người hiểu biết đặc trưng, tính chất của sự vật, hiện tượng và biết cách sử dụng chúng vào mục đích có lợi cho con người.

Văn bản thuyết minh gắn liền với tư duy khoa học. Nó đòi hỏi chính xác, rạch ròi. Muốn làm được văn bản thuyết minh phải tiến hành điều tra, nghiên cứu học hỏi để có những thông tin, tư liệu, tri thức cần thiết. Trong bài viết này tôi muốn đi vào rèn luyện kỹ năng viết bài văn thuyết minh cho học sinh lớp THCS.

Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản thông dụng trong đời sống nhằm cung cấp tri thức về: Đặc điểm, tính chất, nguyên nhân… của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội bằng phương thức trình bày, giới thiệu, giải thích.

Chính vì thế, nó không đòi hỏi huy động thật nhiều trí tưởng tượng, sự suy luận, đánh giá, bày tỏ cảm xúc mà văn thuyết minh đòi hỏi tri thức khách quan, xác thực, hữu ích cho mọi người bởi mục đích cao nhất của văn thuyết minh đó là gắn bó chặt chẽ với đời sống, giúp con người có được những hiểu biết cụ thể, chính xác, khách quan nhất về đối tượng. Cũng chính vì vậy, đến với văn thuyết minh người viết cần đảm bảo một số yêu cầu.

Cần có tri thức về đối tượng

Đối tượng có thể là một loài cây, loài hoa, một con vật, một đồ dùng, một thể loại văn học, một danh nhân văn hóa, một người nổi tiếng, một di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh… Khi tìm tri thức cần xác định, cần nắm bắt được các vấn đề cốt lõi bằng cách trả lời các câu hỏi như “là cái gì, như thế nào, có mấy bộ phận, có ý nghĩa gì đối với con người, sử dụng ra sao…”.

Các câu hỏi đó giúp người đọc nắm được bản chất, đặc trưng của sự vật. Và những tri thức đó có được bắt nguồn từ sự quan sát. Quan sát không đơn giản chỉ dừng lại ở việc nhìn, xem mà phải xét, phải suy ngẫm để phát hiện đặc điểm tiêu biểu của sự vật, phân biệt cái chính, cái phụ.

Đặc điểm ấy sẽ giúp chỉ rõ sự khác biệt giữa đối tượng này với các đối tượng khác. Thói quen tra cứu thông tin, tìm kiếm tri thức từ từ điển, từ không gian mạng, từ những người có hiểu biết để từ đó biết phân tích, phân loại.

Chẳng hạn đối tượng thuyết minh này về cấu tạo có thể chia thành mấy bộ phận, mỗi bộ phận có đặc điểm gì, quan hệ giữa các bộ phận với nhau ra sao, công dụng, lợi ích được thể hiện ở mấy phương diện… Làm được như thế các em sẽ có vốn tri thức cần thiết để hoàn thành bài văn thuyết minh. Các tri thức đó cũng rất cần trình bày chính xác, rõ ràng, chặt chẽ, hấp dẫn.

Phương pháp thuyết minh

Sau khi tìm hiểu được tri thức khách quan, chính xác về đối tượng các em cũng cần phải sử dụng phương pháp thuyết minh phù hợp. Phương pháp thuyết minh là một vấn đề then chốt của bài văn thuyết minh.

Nắm được phương pháp các em sẽ biết phải lự chọn thông tin nào, số liệu nào, tri thức nào để trình bày, giới thiệu về một sự vật, hiện tượng. Nếu hiểu sự vật theo quá trình hình thành như về một di tích lịch sử, một danh lam thắng cảnh thì phải trình bày theo quá trình trước sau, theo trình tự thời gian, từ xuất xứ, các giai đoạn phát triển…

Nếu một đồ dùng có thể theo cấu tạo, thành phần… Nếu sự vật chia theo nhiều bộ phận, phương diện thì có thể lựa chọn trình bày lần lượt theo sự quan trọng hay từ ngoài vào trong, từ trên xuống…

Có rất nhiều phương pháp thuyết minh nhưng có một số phương pháp sau các em hay sử dụng trong bài viết như phương pháp nêu định nghĩa, phương pháp liệt kê, phương pháp nêu ví dụ, phương pháp dùng số liệu, phương pháp so sánh, phương pháp phân loại, phân tích…

Đòi hỏi kỹ năng sống

Việc phân chia, sắp xếp ý trong một bài văn thuyết minh là vô cùng cần thiết. Có thể xem đó là phần xương sống để tạo nên tính khoa học, dễ hiểu, dễ nhớ, để làm nổi bật các đặc điểm cơ bản của đối tượng. Tuy nhiên, việc sắp xếp ý trong mỗi dạng thuyết minh khác nhau lại cần có sự linh hoạt, phù hợp.

Ví dụ khi đối tượng thuyết minh là một đồ vật thì nội dung thuyết minh thường là nguồn gốc, cấu tạo của đối tượng, các đặc điểm nổi bật của đối tượng, lợi ích của đối tượng, tính năng hoạt động, cách sử dụng, cách bảo quản… Thuyết minh về một loài vật nội dung thuyết minh thường là nguồn gốc, đặc điểm, hình dáng, lợi ích…

Thuyết minh về một thể loại văn học, nội dung thuyết minh thường là nêu một định nghĩa chung về thể loại, nêu các đặc điểm của thể loại, số câu, chữ, quy luật bằng trắc, cách gieo vần, cách ngắt nhịp, cảm nhận về vẻ đẹp, nhạc điệu của thể thơ (thơ) hoặc cách xây dựng nhân vật, tạo cốt truyện, tình huống, lựa chọn ngôn ngữ, hình ảnh, giá trị nội dung, nghệ thuật… (truyện)...

Khi đối tượng thuyết minh là một danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, thì nội dung thuyết minh thường là vị trí địa lí, những cảnh quan làm nên vẻ đẹp đặc sắc của đối tượng, những truyền thống lịch sử, văn hóa gắn liền với đối tượng, cách thưởng ngoạn đối tượng…

Khi đối tượng thuyết minh là một danh nhân văn hóa thì các nội dung thuyết minh thường là hoàn cảnh xã hội, thân thế và sự nghiệp, những đóng góp của họ, quan điểm sống, đánh giá xã hội về danh nhân…

Lưu ý là trong các phần trên, phần thân thế, sự nghiệp chiếm vai trò chủ yếu, có dung lượng lớn nhất trong bài viết… Hoặc là dạng bài thuyết minh cơ bản trong chương trình Ngữ văn 8 tập 1 là về một nhà văn, nhà thơ.

Trước yêu cầu này, các em cần phải giới thiệu, làm rõ được những phương diện như tên thật, hoặc là tên đầy đủ, năm sinh, năm mất (nếu có), đặc điểm chính về cuộc đời, đặc điểm chính trong sự nghiệp, những đề tài mà nhà văn thường hướng tới, những quan điểm trong sáng tác, phong cách tiêu biểu, các tác phẩm chính…

Khi giới thiệu một đặc sản thì nội dung thuyết minh thường là nguồn gốc, ý nghĩa tên gọi món ăn, đặc sản, đặc điểm riêng của món ăn, đặc sản: Dáng vẻ, màu sắc, hương vị, cách thức chế biến, thưởng thức…

Vận dụng uyển chuyển

Cô trò Trường THCS Đào Duy Từ, Hà Nội. Ảnh: INT
 Cô trò Trường THCS Đào Duy Từ, Hà Nội. Ảnh: INT

Việc kết hợp giữa phương thức thuyết minh với miêu tả, tự sự, biểu cảm, các biện pháp nghệ thuật là vô cùng cần thiết. Khi thuyết minh về một loài quả, loài cây, đồ vật các em có thể sử dụng yếu tố tự thuật – yếu tố đặc trưng của văn tự sự kết hợp với biện pháp nhân hóa để “nhân vật” tự giới thiệu về bản thân.

Cũng có thể tạo bối cảnh như một câu chuyện để đối tượng xuất hiện tự nhiên, không gượng ép, không theo lối có sẵn. Ví dụ cây lúa, hoa sen, chiếc bút bi… tự kể chuyện đời mình. Yếu tố miêu tả được vận dụng tối đa khi giới thiệu về đặc điểm hình dáng, cấu tạo, màu sắc.

Trong văn thuyết minh, yếu tố tự sự, miêu tả đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc thể hiện rõ đối tượng được thuyết minh và tăng tính hấp dẫn. Bởi thông qua tự sự, những kỉ niệm, hồi ức giữa người viết và đối tượng được thuyết minh được khơi gợi lại. Yếu tố biểu cảm để bày tỏ tình cảm, cảm xúc về đối tượng.

Từ đó mà tạo được trong lòng người đọc sự đồng cảm, đồng tình về đối tượng được thuyết minh. Yếu tố miêu tả cũng góp phần rất lớn trong việc làm cho đối tượng được thuyết minh hiện rõ cùng với vốn tri thức của người viết. Kết hợp hai yếu tố tự sự và miêu tả trong văn thuyết minh sẽ làm cho đối tượng hiện ra một cách rõ ràng, chân thực, sinh động.

Các biện pháp nghệ thuật được sử dụng linh hoạt, uyển chuyển sẽ làm cho bài viết hấp dẫn hơn, thu hút hơn và từ đó những tri thức thuyết minh dễ dàng khác ghi với người viết, người đọc.

Như vậy, để làm được một bài văn thuyết minh hay, cũng như các thể văn khác trong chương trình học sinh cần xác định rõ vấn đề, yêu cầu thể loại, phương pháp phù hợp. Tuy nhiên, với văn thuyết minh, đó còn là việc tìm hiểu, quan sát, thu thập, xử lý thông tin, để những thông tin, hiểu biết của người viết sẽ biến thành những tri thức quan trọng, chính xác. Và cũng từ đó văn thuyết minh đáp ứng được nhu cầu của người đọc.

Bài văn thuyết minh của học sinh lớp 8:

Một bài văn thuyết minh của học sinh Bùi Nguyên Phong (Lớp 8/5 – Trường THCS Lê Văn Thiêm – TP Hà Tĩnh)

“Tết Tết Tết Tết đến rồi

Tết Tết Tết Tết đến rồi

Tết Tết Tết Tết đến rồi

Tết đến trong tim mọi người”.

Mỗi khi câu hát ấy vang lên, lòng tôi lại rạo rực, nôn nao đến khó tả. Mới chớp mắt, một mùa xuân lại đến, mang theo đó là không khí vui nhộn và con người ta vẫn chờ đón nhất là ngày Tết Nguyên đán – Ngày được quây quần bên gia đình, ngày thiêng liêng, ấm áp nhất trong một năm.

Nhắc đến Tết, ta không thể không nhắc đến màu vàng của cây mai, màu hồng của cây đào. Còn một thứ mà sẽ vẫn mãi hằn sâu trong kí ức chúng tôi, những đứa trẻ lớn lên ở miền nông thôn, nó được xem là nét đẹp văn hóa Việt – cây nêu.

Vậy cây nêu là gì? Tại sao cây nêu lại dựng vào ngày Tết, nó có ý nghĩa như thế nào? Chắc nhiều bạn học sinh vẫn còn băn khoăn lắm? Với tôi, bên bếp lửa quây quần của chiều 30 Tết, trong cái rét ngọt của mùa đông ông nội tôi đã giúp tôi trả lời những thắc mắc đó. Theo truyền thống của dân tộc Kinh từ bao đời, cây nêu được làm từ cây tre. Bên trên thân cây tre, người ta sẽ treo các câu đối, treo các lời chúc, hay treo bánh pháo…

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi, ông cũng từng lý giải một cách thật thần bí: Cây nêu vốn xuất hiện từ thời xa xưa, khi chúng ta còn chung sống với loài quỷ. Thứ độc ác đó bắt con người ta làm việc cực khổ, chỉ được hưởng rơm rạ. Chúng ta đã không ngừng cầu cứu Đức Phật, sau đó ngài đã cứu giúp, xua tan nỗi lo sợ cho chúng ta bằng cách đày loài quỷ ra biển.

Nhưng sau đó, quỷ đã xin Phật được về thăm ông bà vào ngày Tết. Đức Phật từ bi đã đồng ý. Và để tránh chúng vào nhà, Phật dạy loài người dựng cây nêu có câu đối đỏ để chúng không được vào quấy nhiễu. Do vậy, cây nêu xuất hiện và tồn tại đến ngày hôm nay.

Để làm một cây nêu đẹp, người ta phải chọn những tre, cây trúc cao, thẳng, và thường lấy từ phần thân cho đến hết ngọn để có tán lá nhỏ. Sau đó sẽ cắm xuống phần đất trước cửa nhà vào thời gian diễn ra trong không khí đón chào Tết đến xuân về. Vì cây nêu chỉ dựng trong một thời gian ngắn, sau đó phải nhổ bỏ ra. Thân cây không cần phải to lắm.

Thân mang màu xanh lá nhạt, tựa như tràn đầy sức sống, mơn mởn tươi non. Người ta sẽ thường lấy đoạn rất dài, cong cong như cây cầu nhỏ, mỗi lần có gió thổi qua là cây lại đung đưa nhẹ. Phần lá cũng là màu xanh, thanh mảnh và bé. Đầu lá rất nhọn, các lá mọc đối xứng với nhau, lẻ tẻ tạo thành một tán lá nho nhỏ ngay phần đỉnh cây.

Ở trên cành, người ta thường sẽ treo lên đó một cái đèn lồng nho nhỏ, hay một câu đối trên nền giấy đỏ, dây pháo nổ đầu năm… Ngoài ra, dựa theo tập tục ở một số nơi khác nhau thì có thể rắc thêm vôi xung quanh, treo tỏi.... Ông cha ta đã có câu nói ngắn gọn để nhắc nhở con cháu về những thứ không thể thiếu được trong ngày Tết cổ truyền:

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.

Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng Chạp Âm lịch - ngày ông Táo về trời vì quan niệm rằng, ngày này đến đêm Giao thừa, ma quỷ sẽ nhân đó tới quấy nhiễu. Ngày dựng cây được gọi là lên nêu, còn ngày làm lễ dỡ cây xuống được gọi là hạ nêu.

Ngày xưa, cây nêu cũng là biểu tượng cho sự uy quyền. Nhà nào có quyền thế nhất thì sẽ có cây nêu cao nhất. Ngày nay, khi có sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, cuộc sống ngày càng hiện đại cây nêu không còn được thịnh hành như xưa nữa.

Đặc biệt, ở các thành phố, đô thị lớn, sự phát triển của xã hội đang có nguy cơ làm mai một đi nét đẹp truyền thống ấy. Thế nhưng ở nông thôn như miền Trung, miền Tây Nam Bộ tập tục dựng nêu ngày Tết vẫn còn phổ biến.

Thay bằng câu đối đỏ người ta có thể kết hợp những dây đèn nháy, bóng bay, phía trên phấp phới lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc hoặc kết hợp với một loại lá quấn quanh thân cây mà tên gọi của nó cũng đã gợi nên bao mong ước đẹp đẽ - cây đủng đỉnh.

Nhìn cây nêu, có lẽ, trong kí ức tôi và bao đứa trẻ không còn nghĩ đến loài quỷ độc ác, xấu xí nữa mà chỉ nghĩ đến sự sum họp, đoàn viên. Với tôi, thấy cây nêu là thấy Tết. Cây nêu trong tôi đẹp lắm, lung linh, rực rỡ lắm, nhất là mỗi khi đêm về. Hết Tết, khi giúp bố hạ cây nêu xuống, lòng tôi lại xốn xang.

Nhưng tiếc rằng, trong bước tiến của xã hội, ý nghĩa của cây nêu lại đang mất dần, bị bỏ lại phía sau nhiều niềm vui tinh thần khác. Nhưng đâu đó, trong mỗi trái tim ấm áp của mỗi chúng ta vẫn lắng đọng ít nhiều về hình ảnh đẹp đẽ của cây nêu.

Cây nêu có vai trò to lớn trong vẻ đẹp của ngày Tết. Nó đại diện cho văn hóa tinh thần, đại diện cho những gì đẹp đẽ, thiêng liêng, ấm áp. Cây nêu báo hiệu Tết đến, Tết đi. Trong thời đại hội nhập ngày nay, bên cạnh hội nhập những yếu tố văn hóa mới thì chúng ta cũng cần bảo lưu, giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, trong đó có tập tục dựng cây nêu ngày Tết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ