Không còn sợ văn thuyết minh

GD&TĐ - Không chỉ nhiều học sinh “sợ” môn Làm văn, mà ngay cả giáo viên cũng không ít người “ngại” dạy phân môn này - trong đó có văn thuyết minh.

Không còn sợ văn thuyết minh

Theo cô Trịnh Thị Thanh Hải - Giáo viên Trường THPT Bỉm Sơn (Thanh Hóa), văn thuyết minh khác hẳn với tự sự vì không có sự việc, diễn biến; cũng khác với miêu tả vì không đòi hỏi tái hiện hình ảnh một cách cụ thể cho người đọc cảm thấy, mà cốt làm cho người ta hiểu; khác với văn bản nghị luận vì đây là trình bày nguyên lí, quy luật, cách thức…chứ không phải là luận điểm, suy luận, lí lẽ.

Nghĩa là, văn bản thuyết minh là một kiểu văn bản riêng, mà các loại văn bản tự sự, miêu tả, nghị luận không thay thế được.

Phương pháp làm bài văn thuyết minh

Cô Hải cho rằng, yêu cầu của văn thuyết minh là phải nắm bắt được đặc trưng sự vật và phải làm rõ mạch thuyết minh.

“Sự mạch lạc trong văn thuyết minh cũng sẽ hiển thị ở trình tự trình bày. Sự vật khách quan muôn hình muôn vẻ, bởi vậy trình tự thuyết minh cũng phải hết sức linh hoạt. 

Có thể thuyết minh theo trình tự: thời gian, không gian, phương diện, cấu trúc…miễn sao hợp lí, lôgic, rõ ràng, dễ hiểu”- Cô Hải cho hay.

Làm một bài văn thuyết minh phải tiến hành qua 5 bước: Tìm hiểu đề , tìm ý, lập dàn ý, viết văn bản, kiểm tra.

Các phương pháp thuyết minh gồm: Phương pháp nêu định nghĩa; phương pháp liệt kê; phương pháp nêu ví dụ cụ thể; phương pháp so sánh; phương pháp dùng số liệu; phương pháp phân loại phân tích và dùng hình thức tự thuật

Cô Hải lý giải cụ thể; Nêu định nghĩa là phương pháp chỉ ra bản chất của đối tượng thuyết minh, vạch ra phương pháp lôgic của thuộc tính sự vật bằng lời lẽ rõ ràng, chính xác, ngắn gọn.

Muốn thuyết minh chuẩn xác đối tượng theo cách định nghĩa, cần nắm được hai vấn đề: Một là tính chất của đối tượng, nó thuộc loại nào. Hai là đặc điểm riêng của đối tượng, tức là chỗ khác với đối tượng cùng loại.

Liệt kê là phương pháp lần lượt chỉ ra các đặc điểm, tính chất của đối tượng theo một trật tự nào đó.

Phương pháp nêu ví dụ cụ thể thuyết minh sự thật bằng cách nêu dẫn chứng thực tế. Dùng cách này ta có thể thuyết minh, giải thích rõ ràng hơn, tạo ấn tượng cụ thể cho người đọc.

Phương pháp so sánh là cách đối chiếu hai hoặc hơn hai đối tượng để làm nổi bật bản chất của đối tượng cần được thuyết minh. Có thể dùng so sánh cùng loại hoặc so sánh khác loại nhưng đến cuối cùng là nhằm để người đọc hình dung rõ hơn về đối tượng được thuyết minh.

Dùng số liệu là phương pháp dẫn con số cụ thể để thuyết minh về đối tượng. Bài văn thuyết minh càng có thêm tính khoa học chính là nhờ vào phương pháp này.

Đối với những loại sự vật đa dạng, sự vật có nhiều bộ phận cấu tạo, có nhiều mặt người ta dùng phương pháp phân loại phân tích. Đây là cách chia đối tượng ra từng loại, từng mặt để thuyết minh

Ngoài ra, một trong những biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong văn thuyết minh là cho sự vật tự thuật về mình .

“Như vậy, khi làm một bài văn thuyết minh phải vận dụng nhiều phương pháp khác nhau. Bởi văn bản thuyết minh do yêu cầu nội tại, đòi hỏi sự đa dạng của các phương pháp trình bày. Đây là một đặc trưng quan trọng trong phương pháp viết bài văn thuyết minh” - Cô Hải nhấn mạnh.

Phương pháp dạy văn thuyết minh

Dành cho người dạy, cô Hải cho rằng, trong dạy học tập làm văn nói chung và trong dạy học văn thuyết minh nói riêng, phương pháp phân tích và dạy học theo mẫu, có thể nói là tối ưu hơn cả.

Nhưng muốn sử dụng thành thạo và hiệu qủa phương pháp này, người giáo viên phải nắm được bản chất, quy trình thực hiện, ưu điểm, hạn chế và một số lưu ý của phương pháp này

Phương pháp dạy học theo mẫu là phương pháp thông qua mẫu cụ thể về lời nói để giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu dặc điểm của mẫu, cơ chế tạo mẫu, biết cách tạo ra những lời nói theo định hướng của mẫu .

Quy trình thực hiện phương pháp này gồm 4 bước:

Bước 1: Giáo viên chọn lọc giới thiệu mẫu chứa hiện tượng ngôn ngữ cần tìm hiểu.

Bước 2: Giáo viên hướng dẫn học sinh phân tích mẫu để nhận biết các bộ phận tạo thành mẫu và đặc điểm của mẫu.

Bước 3: Giáo viên hướng dẫn học sinh mô phỏng mẫu để tạo ra lời nói của mình (khuyến khích sự sáng tạo của học sinh).

Bước 4: Giáo viên hướng dẫn học sinh kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm về sản phẩm tiếp nhận hoặc sản sinh ra lời nói qua rèn luyện theo mẫu.

Cô Hải lưu ý, với các mẫu được giới thiệu: Cần đảm bảo tính chính xác, đảm bảo tính tư tưởng; có sự hấp dẫn giúp học sinh hứng thú và sáng tạo khi tạo lập theo mẫu; ngắn gọn, chứa đựng nhiều nội dung lý thuyết cần giảng, dễ quan sát.

Mẫu cần đảm bảo tính thẫm mỹ, đảm bảo việc giáo dục cho học sinh biết nhìn nhận, thưởng thức và đánh giá cái đẹp một cách đúng đắn; phải phù hợp với tâm lý học sinh và phù hợp với đối tượng nhận thức trong từng trường hợp cụ thể

Nguồn mẫu văn có thể từ sách giáo khoa, sách giáo viên, sách báo và các tài liệu bên ngoài; giáo viên tự viết; hoặc giáo viên lựa chọn, sửa chữa, nâng cao những bài, những đoạn viết phù hợp từ những bài tập làm văn của học sinh.

Với giờ dạy thực hành về phương pháp thuyết minh được tiến hành theo 3 bước. Bước xác định nội dung lý thuyết: Học sinh nắm được các phương pháp thuyết minh cơ bản;nắm được đặc điểm, cách làm, tác dụng của mỗi phương pháp thuyết minh; vận dụng kiến thức về các phương pháp trong các bài cụ thể.

Bước luyện tập dựa trên cơ sở lý thuyết: Giáo viên xây dựng hệ thống bài tập theo ba mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng (dựa trên nội dụng lý thuyết). Cuối cùng là bước nhận xét, đánh giá.

Tuy nhiên, cô Hải lưu ý, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hoá hoạt động học tập của học sinh là một quá trình lâu dài. 

Không thể ngày một, ngày hai mà đông đảo giáo viên từ bỏ được kiểu dạy học truyền thụ kiến thức theo kiểu tiếp thu thụ động đã quen thuộc từ trước.

“Việc phát triển các phương pháp dạy học tích cực đòi hỏi cả thầy và trò phải tìm hiểu, nghiên cứu, phải mất nhiều thời gian, công sức hơn, nghĩa là phải làm việc nhiều hơn”- Cô Hải nhấn mạnh thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.