Vẫn rất băn khoăn…

GD&TĐ - Điểm trường mầm non thôn Ngải Phóng Chồ (xã Cao Sơn, Mường Khương, Lào Cai) được xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu tái chế.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Bên cạnh giúp giảm phát thải 115 tấn nhựa, đây là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến những công dân tương lai của đất nước về ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường.

Tại các cơ sở giáo dục, đã có nhiều chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về xây dựng lối sống xanh, phân loại rác thải, đổi rác nhựa lấy quà… cho học sinh và giáo viên. Chỉ trong 2 năm triển khai, Chương trình “Vì mái trường xanh” đã thu hút khoảng 20 nghìn học sinh tham gia, thu gom được 100 nghìn sản phẩm học cụ qua sử dụng và trao tặng gần 300 triệu đồng cho học sinh nghèo. “Vì mái trường xanh” là chương trình thường niên do Hội đồng Đội Trung ương phối hợp Tập đoàn Thiên Long tổ chức với mục đích trao học bổng cho học sinh tiểu học và THCS có hoàn cảnh khó khăn hiếu học thông qua hoạt động phân loại rác thải, nhựa tái chế và dụng cụ học tập Thiên Long đã qua sử dụng ngay tại trường.

Hoạt động phân loại rác, đổi rác lấy quà… tại trường đã hình thành cho học sinh thói quen bảo vệ môi trường, ý thức phân loại rác để có thể tái sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Thậm chí, học sinh Trường Tiểu học Lê Lai (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) còn tham gia “kiểm toán” lượng rác hàng ngày của nhà trường. Tham gia dự án Trường học không rác do Liên minh Toàn cầu các giải pháp thay thế đốt rác (GAIA), nhà trường có một nhóm học sinh là tình nguyện viên để phân loại rác thải tại trường. Các em sẽ phân chia từng loại hộp sữa nhựa hoặc giấy, tháo riêng ống hút, phân loại bao ni-lông có màu và không màu.

Dự án đồng hành cùng các trường hướng đến mục tiêu giảm 30% lượng rác thải nói chung và 20% lượng rác thải nhựa nói riêng. Những học sinh tham gia đều chia sẻ rằng, việc phân loại rác mất nhiều thời gian hơn là xả rác ra môi trường. Ngồi phân loại rác đúng rất vất vả và đòi hỏi sự tỉ mỉ. Những trải nghiệm này đã giúp các em thành lực lượng truyền thông có hiệu quả đến gia đình, người thân và bạn bè trong việc hạn chế sử dụng túi ni-lông, hộp xốp đựng thức ăn, chai nhựa sử dụng một lần…

Những học sinh nhỏ tuổi trên Đảo Bé (Lý Sơn, Quảng Ngãi) cũng đồng hành với anh Nguyễn Lợi trong việc tận dụng hơn 6.000 chai nhựa để xây nhà. Hàng năm, lượng du khách đến thăm Đảo Bé rất nhiều nên lượng rác thải nhựa khá lớn, đặc biệt là các chai nước. Thêm vào đó là lượng chai nhựa dạt trên bờ biển tấp vào đảo. Sau một thời gian hướng dẫn cho các em nhỏ ở trên đảo gom vỏ chai nhựa, anh Lợi nảy sinh ý tưởng xây một ngôi nhà từ chính những chai nhựa này. Anh Lợi lại cùng với “biệt đội tí hon” trên đảo đổ cát vào các chai nhựa và nén chặt rồi đóng nắp. Nhờ tận dụng được chai nhựa làm gạch mà chi phí xây một ngôi nhà 15m2 của anh Lợi chỉ có 40 triệu đồng, tiết kiệm rất nhiều so với giá vật liệu xây dựng trên đảo.

Cách truyền thông trong xây dựng trường học xanh, lối sống xanh đã có sự thay đổi theo hướng học sinh được trải nghiệm và tự hình thành kỹ năng, thói quen. Với lứa tuổi học sinh mầm non, tiểu học, THCS, các trường thường tổ chức những trò chơi như trắc nghiệm kiến thức, đố vui, đổi rác lấy quà… Với trò THPT, sinh viên, sẽ có buổi chia sẻ, trò chuyện về rác thải, mini game theo hình thức online hoặc offline. Những thông tin thú vị đi kèm về tác động tích cực của hành động bảo vệ môi trường, từ điều nhỏ nhất được truyền thông hàng ngày qua Facebook đã giúp nhiều học sinh, sinh viên thay đổi nhận thức hình thành lối sống xanh.

Tuy nhiên, cán bộ quản lý của nhiều trường vẫn rất băn khoăn bởi ngay trong khuôn viên trường học, học sinh đã hình thành được thói quen phân loại rác thải, thế nhưng, việc thu gom rác không phải nơi nào cũng tách riêng các loại rác hữu cơ, tái chế… Thế nên, hiệu quả truyền thông chưa thực sự triệt để như mong muốn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ