Vạn Ninh - Khánh Hòa: Đề xuất lấn 1.500 ha biển để phát triển kinh tế

GD&TĐ - Một đơn vị tư vấn đã đề xuất lấn 1.500 ha biển tại huyện Vạn Ninh tỉnh Khánh Hòa để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến chưa đồng thuận với đề xuất này

Một góc vịnh Vân Phong thuộc Vạn Ninh (Khánh Hòa). Ảnh theo báo Thanh Niên
Một góc vịnh Vân Phong thuộc Vạn Ninh (Khánh Hòa). Ảnh theo báo Thanh Niên

Đầm lầy cũng có hệ sinh thái đặc thù

Mới đây, tại cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh báo cáo nội dung liên quan điều chỉnh Quy hoạch chung và Đề án cơ chế, chính sách phát triển Khu kinh tế Vân Phong. Đơn vị tư vấn đã đề xuất lấn 1.500 ha biển tại huyện Vạn Ninh để phát triển kinh tế.

Ông Hoàng Đình Phi, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho biết, đơn vị tư vấn đề xuất diện tích lấn biển ở nơi sình lầy, xa khu dân cư và không nằm trong khu bảo tồn biển. Quá trình lấn biển không làm ảnh hưởng môi trường, hệ sinh thái biển. “Đây mới là đề xuất, còn phương án thực hiện phải nghiên cứu kỹ, lên kế hoạch cụ thể”, ông Phi nói.

Trong lần điều chỉnh này, các đơn vị tư vấn còn đề xuất bổ sung 3.500 ha của xã Xuân Sơn, nằm ở đồi núi huyện Vạn Ninh, vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong. Điều này được kỳ vọng giúp đồng bộ các ngành nghề trong vùng, địa phương phát huy được thế mạnh về công nghiệp - nông nghiệp cao để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Hiện, dự thảo quy hoạch được trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét. Dự kiến tháng 5, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong sẽ lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương và tổ chức phản biện. Tham khảo ý kiến cộng đồng dân cư huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa. Sau đó, ban báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh, để hoàn thiện đồ án, trình thẩm định, phê duyệt vào tháng 6.

PGS.TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng cần phải cân nhắc rất thận trọng đề xuất này. Thực tế, bất cứ một dự án, một nhà máy nào được xây dựng cũng ảnh hưởng nhất định đến môi trường.

Nói lấn biển không ảnh hưởng môi trường, dù đó là khu đầm lầy hay để hoang thì đều vô lý. Vùng đầm lầy có hệ sinh thái của đầm lầy. Đó là đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn hoặc hệ sinh thái cửa sông. 

Việc lấn biển chắc chắn ảnh hưởng xấu đến toàn bộ chuỗi hệ sinh thái đó. Tuy nhiên khi đưa ra quyết định, phải cân nhắc lợi ích của dự án và thiệt hại của môi trường. Bài toán lợi ích ở đây phải phân tích đầy đủ các chi phí môi trường như thế nào, tác hại ra sao, nguồn sống của người dân bị giảm thế nào… xem lợi ích từ dự án có bù đắp được hay không. Không được đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Việc cho rằng, quá trình lấn đến 1.500 ha biển mà không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái thì chỉ là ngụy biện.

Nghiên cứu phát triển bền vững vùng ven bờ

Các chuyên gia cho rằng, diện tích 1.500 ha không phải là nhỏ. Với diện tích lấn biển lớn như vậy sẽ tác động xấu đến môi trường xung quanh liên quan đến dòng chảy. Ngoài ra theo tính toán, vùng biển ven bờ Việt Nam có 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc về 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau. Đặc biệt, nhiều công trình lấn biển xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái và ô nhiễm môi trường biển.

TS Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam cho biết, khi lấn biển, phát triển các công trình xây dựng trên đó bằng các khối bê tông chắn như vậy sẽ tạo thành các cơn sóng hình cầu xoáy kiểu hang ốc ngầm phía dưới mà con người không nhìn thấy được. Khi có các cơn sóng ngầm lâu ngày sẽ tạo ra những hàm ếch phía dưới và gây ra hiện tượng sụt lún ở vùng ven biển, thậm chí cả bên trong đất liền.

Điều này đã thấy rõ từ bài học lấn biển ở các dự án tại Phan Thiết, Trà Vinh, Cà Mau... Ở Trà Vinh, khi xây nhà máy nhiệt điện Duyên Hải thì cách đó 500 mét cũng bị sụt lún. Hay ở An Giang có những khu phố bị sạt lở xuống sông, không phải tự nhiên xảy ra mà do khai thác cát, khai thác nước ngầm.

PGS.TS Lưu Đức Hải cho biết, theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13, trong hành lang bảo vệ bờ biển nghiêm cấm các hoạt động, xây dựng mới, mở rộng công trình xây dựng. Trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Luật cũng quy định phải giữ nguyên hiện trạng, không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100 mét tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo. Ngoài ra phải theo quy định của luật quy hoạch, luật đất đai… 

Dù các hoạt động lấn biển để mở rộng diện tích có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của địa phương nhưng để phát triển bền vững vùng ven bờ cần có sự tham gia của cộng đồng dân cư xung quanh, cũng như các nhà quy hoạch, môi trường và tổ chức xã hội...

Khi làm các công trình lấn biển, cần xem xét đánh giá hiệu quả kinh tế, tác động môi trường của từng dự án và cần dự báo biến động môi trường biển trong bối cảnh dài hạn có tính đến tác động của các kịch bản lấn biển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.