Hộ sản xuất vẫn thờ ơ
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Việt Nam đang trở thành quốc gia tiêu thụ rượu bia cao nhất Đông Nam Á. Đặc biệt, trong số rượu bia được tiêu thụ có rất nhiều rượu giả, rượu tự pha không công bố tiêu chuẩn. Điều này dẫn đến nhiều vụ ngộ độc rượu với hậu quả đáng tiếc. Hệ lụy là vậy, song công tác quản lý, kiểm soát rượu thủ công vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn. Điều dễ nhận thấy nhất chính là các quy định, chính sách về quản lý rượu thủ công vẫn chưa đi vào cuộc sống, chưa nhận được sự quan tâm, vào cuộc thực hiện một cách nghiêm túc của những người sản xuất, kinh doanh.
Khảo sát tại một số địa phương có “thâm niên” trong nghề nấu rượu thủ công cho thấy, nhiều người không hề biết, hoặc có biết cũng lơ mơ về Nghị định 105 của Chính phủ về kinh doanh rượu, trong đó có quy định về giấy phép sản xuất, kinh doanh, tem nhãn…
Anh Bùi Mạnh Hùng - ở thôn An Thọ, xã Xuân Huy (Lâm Thao, Phú Thọ), người đã có thâm niên 20 năm nấu rượu cho biết: Tôi nấu và bán rượu 20 năm nay đều bảo đảm chất lượng và chưa xảy ra vụ ngộ độc nào. Tuy nhiên, gần đây đã xảy ra một số vụ ngộ độc rượu làm nhiều người chết, đặc biệt là hai vụ ở Nghệ An, Quảng Nam… nên lượng rượu tiêu thụ cũng chậm, tồn kho khá nhiều. Khi được hỏi về việc đăng ký nhãn mác theo quy định, anh Hùng cho hay có nghe phong thanh từ lâu, nhưng không thấy ai đến nhắc nhở, kiểm tra, mà khách hàng mua rượu toàn là người quen nên lâu cũng quên.
Cũng giống như gia đình anh Hùng, hiện nhiều hộ nấu rượu thủ công của Phú Thọ nói riêng, cũng như cả nước nói chung gần như hoàn toàn không có giấy phép, thậm chí họ cũng không hề biết đến quy định của Nghị định 105 như thế nào…
Cần sự quyết liệt
Vẫn biết rằng, nấu rượu thủ công tại các hộ gia đình, nhất là ở vùng nông thôn lâu nay đã trở thành việc bình thường. Người dân nấu rượu lúc nông nhàn, hoặc tận dụng các sản phẩm nông nghiệp để nấu rượu phục vụ nhu cầu gia đình là chính. Thế nhưng, trước nhu cầu của thị trường và muốn kiếm lời, lấy lý do nấu rượu phục vụ gia đình, nhiều hộ hàng ngày vẫn nấu rượu mang đi bán khắp nơi. Gia đình nào nấu ở mức vừa thì vài chục lít/ngày, nếu có người đặt số lượng lớn phục vụ cho quán cơm, nhà hàng… thì lên đến hàng trăm lít/ngày. Tuy nhiều gia đình có biết, hoặc nghe nói đến Nghị định kinh doanh rượu, quy định hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu song họ vẫn… “phớt lờ”.
Nói về nguyên dân dẫn đến tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Bảo - Chủ tịch UBND xã Xuân Huy (Lâm Thao, Phú Thọ) cho rằng, một phần là do thủ tục giấy phép còn chồng chéo. Cụ thể, nếu một hộ dân muốn sản xuất, kinh doanh rượu phải có giấy phép kinh doanh do Sở Kế hạch – Đầu tư cấp; giấy phép sản xuất lại do Sở Công Thương cấp; nhãn mác lại do Sở Khoa học và Công nghệ cấp; còn đăng ký chất lượng lại do Sở Y tế cấp…
“Không ít hộ sản xuất, kinh doanh rượu nắm rất rõ các quy định của pháp luật. Nhưng để làm xong hết được các thủ tục trên chắc họ phải mất cả năm, nên họ đành quay trở lại với việc sản xuất thủ công, cách buôn bán cũ, không cần giấy phép hay đăng ký…” - ông Bảo nói.
Để thực hiện có hiệu quả Nghị định của Chính phủ, các chuyên gia cho rằng, chính quyền địa phương cần phải thường xuyên tuyên truyền phổ biến quy định của pháp luật về điều kiện sản xuất, lưu thông sản phẩm rượu thủ công. Bên cạnh đó, cần nghiêm túc yêu cầu các tổ chức, cá nhân ký cam kết không sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc. Đồng thời, cần chủ động phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý đối với những hành vi sản xuất, kinh doanh rượu không nguồn gốc, không tem nhãn…
Song song với đó, cần giải quyết những bất cập, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ trong việc đăng ký cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh cũng như nâng cao vai trò quản lý của chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã, phường. Kịp thời giải đáp các thắc mắc cho người dân, minh bạch trong thủ tục hành chính từng khâu để họ hiểu để thực hiện. Đây là giải pháp thiết thực để chính sách pháp luật về quản lý rượu thủ công đi vào cuộc sống.