Phát biểu thảo luận tại tổ 5 gồm các đoàn: Sơn La, Ninh Bình, Tây Ninh, Đà Nẵng; đại biểu Huỳnh Thanh Phương – đoàn Tây Ninh nêu ý kiến:
Theo dự thảo Luật, đối tượng chính là phòng, chống tác hại. Cho nên mục đích đưa ra là phòng chống tác hại của rượu bia và cần có chuẩn quy định về việc được phép uống như thế nào, nếu vượt mức đó thì sẽ là lạm dụng.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nên xem xét, đánh giá tác động giữa luật này với các luật khác để xem có xung đột hay không? Và nếu có thì xử lý xung đột như thế nào?
Băn khoăn về một số điều cấm trong dự thảo luật, đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho biết: Nếu không có chế tài xử lý kèm theo sẽ rất khó. Vì vậy, cần phải có chế tài xử lý đi kèm theo với luật.
Qua đó, nhằm tránh hiện tượng như một số luật hiện nay có nhiều nội dung cấm nhưng ghi cho vui; tính khả thi gần như không có.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương – đoàn Tây Ninh |
Theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương, để thực hiện tốt luật này, thứ nhất là cần làm tốt công tác tuyên truyền. Thứ hai là đánh thuế dịch vụ cao lên. Nhiều người ủng hộ phương án đánh thuế cao lên.
Trong quy định có nhiều điều không rõ ràng, không có định lượng cụ thể nên không xử lý được. Đối với những người hành nghề nấu rượu thủ công, nhất là các làng nghề truyền thống, cũng cần tính đến chuyển đổi nghề nghiệp cho họ như thế nào. Đồng thời cũng phải có chính sách hạn chế những người nấu rượu thủ công.
Còn theo đại biểu Bùi Văn Phương – đoàn Ninh Bình, dự thảo có quy định về các trường hợp không uống rượu, bia trong thời gian nghỉ giữa các ca làm việc; trong đó có cán bộ công chức, viên chức, người lao động có hợp đồng trong các cơ quan tổ chức đang trong thời gian làm việc.
Đại biểu Bùi Văn Phương – đoàn Ninh Bình |
Liên quan quy định này, đại biểu Bùi Văn Phương lập luận: Vậy trước giờ uống, rồi đi làm có vi phạm không? Ví dụ sáng ngày trước khi đi làm, họ ăn sáng và có uống rượu, bia thì thế nào? Do đó, nên viết lại quy định này là “trước, trong giờ làm việc”.
Về tuổi không được tham gia vào các quy trình sản xuất rượu, theo đại biểu, thực tế ở các làng nghề sản xuất rượu truyền thống, các cháu dưới 18 đều tham gia vào các quy trình sản xuất.
"VD: Các cháu có thể nấu cơm, ủ men…thậm chí, ở các làng nghề truyền thống, còn có việc lưu truyền nghề cho thế hệ sau nên quy định như vậy là không khả thi" - đại biểu Bùi Văn Phương viện dẫn.