Đột biến số ca ngộ độc rượu
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), năm 2017, số vụ ngộ độc rượu tăng đột biến với 115 người phải nhập viện và 11 người tử vong. Đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng, bởi trên thực tế, còn có rất nhiều người mắc các bệnh mạn tính liên quan đến rượu, bia.
Đa số bệnh nhân được đưa vào cấp cứu đều do lạm dụng rượu và nhập viện muộn với các biểu hiện ngộ độc methanol khá nặng. Nguyên nhân phổ biến là sử dụng các loại rượu trắng không rõ nguồn gốc, rượu sản xuất thủ công bị pha cồn công nghiệp. Dù đã được cảnh báo nhưng trong thời gian gần đây, số ca ngộ độc rượu methanol có xu hướng gia tăng.
Ngộ độc rượu vẫn là bài toán khó giải, đe dọa sức khỏe, tính mạng của người dân. Tính riêng tại khoa Tiêu hoá Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm điều trị hơn 2.000 bệnh nhân xơ gan do lạm dụng rượu, bia và dự báo số ca nhập viện có xu hướng tăng đột biến trong dịp gần Tết Nguyên đán.
Các chuyên gia cho rằng, vào dịp Tết, lượng rượu được tiêu thụ tăng mạnh, kéo theo đó là nguy cơ các sản phẩm rượu không bảo đảm chất lượng, rượu chứa hàm lượng methanol cao, rượu giả... tuồn ra thị trường.
Trong khi người sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận mà cố tình vi phạm pháp luật thì ý thức tự bảo vệ của người tiêu dùng cũng còn hạn chế. Nhiều người, dù biết là rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được nấu thủ công, rượu ngâm động vật, thực vật không nhãn mác nhưng vẫn uống, nhất là người dân ở vùng nông thôn, người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Đây thực sự là nguy hiểm, bởi trong bối cảnh công tác quản lý kinh doanh, sản xuất rượu, nhất là rượu nấu thủ công, vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo đại diện của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, rất khó kiểm soát các cơ sở sản xuất, bán rượu thủ công nhỏ lẻ.
Những hộ gia đình nấu rượu theo phương pháp thủ công thường bán rượu cho người thân quen, theo kiểu trao tay, không dễ phát hiện. Đó là chưa kể các hộ kinh doanh hàng tạp hoá, quán ăn… thường bán rượu dù không có giấy phép kinh doanh rượu.
Những hộ kinh doanh này nằm rải rác trong rất nhiều ngõ, ngách, không thể kiểm soát bởi lực lượng cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm còn mỏng, chủ yếu kiêm nhiệm...
Mạnh tay ngăn chặn “ma men”
Đầu năm 2017, Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Công Thương có quy định về việc cho chất chỉ thị màu vào dung dịch cồn methanol để người dân dễ phát hiện, hạn chế tình trạng pha cồn methanol thành rượu, hạn chế tình trạng ngộ độc. Tuy nhiên, đến nay, đề xuất này vẫn chưa được thông qua.
Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Công Thương cần sớm thực hiện quy định này nhằm tránh tình trạng nhầm lẫn trong sử dụng cồn công nghiệp. Cụ thể, cần quy định việc cho chất chỉ thị màu (xanh methylen) vào cồn methanol, tức là cồn công nghiệp phải có màu xanh.
Như vậy, căn cứ vào màu sắc, người dân dễ dàng phát hiện loại rượu nào có pha methanol, tránh uống nhầm loại rượu gây hại khủng khiếp cho sức khỏe con người.
Để quản lý tốt hơn nữa việc sản xuất, kinh doanh rượu, các chuyên gia cho rằng, ngành Y tế và các lực lượng chức năng cần tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm.
Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp này, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, chính quyền cơ sở về việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi bao che, tiếp tay hoặc thiếu trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ...
Tại Hội thảo tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc rượu trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội Xuân 2018 diễn ra mới đây tại Hà Nội, đề cập đến giải pháp quản lý việc kinh doanh, sản xuất rượu bia, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, hiện nay, Bộ Y tế đang biên soạn và dự kiến sẽ trình Chính phủ xem xét dự án Luật Phòng, chống tác hại rượu bia trong tháng 6/2018.
Ngoài ra, tới đây, Bộ Y tế cũng sẽ đề xuất tăng thuế rượu bia; đồng thời đề nghị Bộ Công Thương tăng cường quản lý nguồn gốc mặt hàng rượu, nguyên liệu cồn công nghiệp và khẩn trương triển khai thực hiện các quy định liên quan tới chất chỉ thị màu, góp phần ngăn chặn việc pha methanol vào rượu gây nguy hiểm cho người dùng.