2Tác giả - PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp vốn là nhà nghiên cứu lí luận – phê bình văn học Việt Nam lâu năm và có uy tín trong giới học thuật. Ông nguyên là Viện trưởng Viện Văn học và hiện là Chủ tịch Hội đồng lí luận, phê bình văn học – Hội nhà văn Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng Lí luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Ông đã có nhiều tác phẩm về lí luận văn học như: Giọng điệu trong thơ trữ tình, Vọng từ con chữ, Thơ Việt Nam hiện đại tiến trình & hiện tượng, Một số vấn đề văn học Việt Nam hiện đại,…
Văn học trong những tầng sinh quyển văn hoá trình bày những vấn đề cơ bản của lí luận và phê bình văn học, đặc biệt là văn học Việt Nam hiện đại trong suốt tiến trình lịch sử văn hoá của dân tộc. Trong tiến trình đó, văn hoá Việt Nam đã có hai sự chuyển dịch lớn mang tính bước ngoặt. Bước chuyển đầu tiên là từ văn hoá Đông Nam Á sang văn hoá Đông Á mà mô hình Trung Hoa là hình mẫu. Điều này cũng đã được phản ánh trong các công trình văn hoá và tác phẩm văn học Việt Nam trung đại từ quan niệm đến thi pháp nghệ thuật. Bước chuyển thứ hai là từ khu vực ra thế giới thông qua sự tiếp xúc, giao lưu với văn hoá phương Tây, văn học Việt Nam dần được hình thành và phát triển. Môi trường dân chủ xã hội ngày càng mở rộng làm ý thức về cái tôi trong các tác phẩm ngày càng sâu sắc, hệ thi pháp nghệ thuật khác hẳn thi pháp văn học trung đại. Các nhân tố mang tính hiện đại từng manh nha trong văn học truyền thống giờ đây được bảo lưu và phát triển trở thành bộ phận của nền văn học mới. Từ góc nhìn lịch sử trên, tác giả đã đặt văn học trong những chuyển động và không gian văn hoá khác nhau để nhận diện và cắt nghĩa các hiện tượng văn học. Đó cũng là cách tiếp cận của cuốn sách.
Cuốn sách tập hợp 34 bài viết đã được công bố và một số bài viết mới của tác giả, được chia làm hai phần.
Phần một: Văn học và văn hoá, một số vấn đề lí thuyết và lịch sử
Với 12 bài viết, tác giả tập trung diễn giải một số vấn đề của lí luận và phê bình văn học từ cách tiếp cận chuyên ngành hiện đại và liên ngành (văn hoá, lịch sử, địa lí, triết học,...) trên tinh thần đổi mới, sáng tạo trước những yêu cầu của thực tiễn. Đó là mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, văn học và văn hoá tâm linh, văn học nữ quyền, văn học trong nền kinh tế thị trường…. Đề cập đến một nội dung quan trọng nhất của lí luận phê bình văn học qua bài viết Vấn đề văn học và hiện thực: từ thực tiễn văn học Việt Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp đã cho thấy rằng văn học nếu chỉ viết theo công thức mang tính minh hoạ thì sẽ rất hời hợt. Sự sáng tạo của nhà văn ở chỗ là cần miêu tả hiện thực một cách đa dạng và đi xuống các tầng sâu của nó. Để làm được điều này đòi hỏi người cầm bút phải có bản lĩnh và tài năng.
Với cái nhìn tổng thể và khách quan, tác giả cũng đã đưa ra một số nhận xét về nữ quyền trong văn học qua bài Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn học Việt Nam đương đại. Chính tâm lí trọng nam khinh nữ trong xã hội phong kiến đã kìm hãm sự phát triển của các nhà văn nữ, cũng như hình ảnh người phụ nữ trong các tác phẩm thường chưa có vị trí tương xứng. Với sự phát triển của xã hội, phụ nữ bình đẳng với nam giới trong lĩnh vực văn học, nhiều cây bút nữ đương đại đã để lại những dấu ấn nhất định.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường cũng như sự bùng nổ thông tin, nền văn học nước nhà cũng chịu nhiều áp lực nhất định, nhà văn cũng phải lo trang trải cuộc sống nên luôn khó khăn trong việc lựa chọn cách viết. Để sống được thì phải viết theo xu hướng của công chúng và chấp nhận giảm giá trị nghệ thuật, còn nếu đeo đuổi con đường văn chương tinh hoa thì gặp cảnh “cơm áo không đùa với khách thơ”. Để giải quyết hài hoà mối quan hệ này, tác giả đưa ra một số gợi ý qua bài viết Kinh tế thị trường, xã hội tiêu dùng và văn học đại chúng.
Từ những cơ sở lí luận trên, tác giả đã dẫn người đọc đến phần hai của cuốn sách với những đánh giá phân tích cụ thể về các nhà văn, nhà thơ Việt Nam.
Phần hai: Những thực thể văn chương
Phần này gồm 22 bài viết về các cây bút tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại và đương đại từ các thế hệ đi trước: Tô Hoài, Vũ Trọng Phụng, Xuân Diệu, Bùi Giáng, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Nguyễn Minh Châu.. và các thế hệ sau: Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Quang Thiều, Trương Đăng Dung, Hồ Anh Thái,...
Ở mỗi bài viết, tác giả đều có những nhận xét đánh giá về phong cách nghệ thuật cũng như cách nhìn đời, quan điểm nghệ thuật của từng cây bút trong mỗi thời kì khác nhau, đặc biệt là sự đổi mới quan điểm viết khi thời đại đã thay đổi. Bạn đọc có thể thấy sự đổi mới của văn học Việt Nam từ thời kì văn học sử thi lãng mạn thời kháng chiến chuyển sang thời kì đất nước hoà bình và hội nhập qua Tiệm tiến và đột biến Nguyễn Minh Châu, Cuốn theo chiều văn Nguyễn Huy Thiệp, Kĩ thuật dòng ý thức trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh,... Mỗi cây bút đều có những nét đặc sắc riêng.
Ở mảng thơ, bên cạnh những góc nhìn mới về các nhà thơ quen thuộc của phong trào Thơ mới như: “Xuân Diệu: Sự sống chẳng bao giờ chán nản, Huy Cận: một linh hồn trời đất, Chế Lan Viên: Sống chìm trong lòng tháp,... thì độc giả sẽ được hiểu biết thêm về những sáng tạo độc đáo và mới lạ về giọng điệu, hình ảnh, những giá trị tư tưởng trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh,...
Việc đi sâu cắt nghĩa sự đổi mới tư duy nghệ thuật với tinh thần dân chủ, tính đối thoại trong lĩnh vực nghệ thuật, cộng với sự quan sát và lí giải về những vấn đề trọng yếu của văn học Việt Nam hiện đại đã đem lại cho độc giả một bức tranh khái quát của văn học nước nhà trong mối liên hệ với các tầng sinh quyển văn hoá.
Cuốn sách là tài liệu hữu ích đối với những sinh viên ngành Ngữ văn, nhà nghiên cứu, những người đam mê văn chương, đặc biệt là những người cầm bút trẻ.