Theo tôi, văn học của chúng ta cũng giống như nhiều lĩnh vực khác vẫn vận động theo sự phát triển của kinh tế - văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, sự vận động của văn học lại mang tính đặc thù riêng và gặp không ít áp lực.
Độc giả ngày một vắng
Áp lực đầu tiên cần kể đến là trong thế giới mà công nghệ thông tin phát triển rất nhanh như ngày nay thì sách điện tử có ưu thế vượt trội so với sách in giấy. Bởi Internet có giá tiền rẻ hơn, dùng cả tháng chỉ bằng tiền mua một cuốn sách vài trăm trang.
Nó cũng tiện lợi hơn: Chỉ một chiếc điện thoại thông minh mang trong người là có thể bật lên đọc rất nhiều thứ vừa hấp dẫn vừa thiết thực và ngay lập tức, mọi lúc, mọi nơi. Còn đọc sách văn học, phải bỏ tiền mua sách mà không phải lúc nào cũng mang ra mà đọc.
Chính vì vậy, từ khi Internet và điện thoại di động thịnh hành ở Việt Nam, bạn đọc văn học chuyển dần từ sách in sang đọc trên website, các nền tảng xã hội...
Mặc dù, trên Internet vẫn có thể tìm được những trang đăng tải tác phẩm văn học thực sự có giá trị, nhưng bạn đọc của ngày nay chịu nhiều áp lực công việc nên họ chọn đọc những gì nhanh nhạy, ngắn gọn, mang tính giải trí, thiết thực đối với công việc cũng như đời sống của họ mà ta vẫn gọi đó là thứ văn chương “mì ăn liền”.
“Khi bạn đọc ngày càng ít thì những nhà văn có bản lĩnh và tình yêu nghề vẫn cứ viết, dù tác phẩm chất lượng tốt, song sự ảnh hưởng và lan tỏa của nó cũng không rộng rãi. Đó là điều mà những nhà quản lý văn hóa - văn nghệ không thể không suy nghĩ”. Nhà văn Lê Hoài Nam.
Còn những tác phẩm kinh điển có khả năng mở mang tầm mắt, làm giàu có cho tâm hồn, dung dưỡng những giá trị nhân văn lớn lao và kiến văn sâu rộng về thế giới nội tâm của con người, làm cho con người có nghị lực sống mạnh mẽ hơn, nhân bản hơn thì bị lãnh đạm dần. Nhất là những tác phẩm in giấy ngày càng trở nên xa lạ, thậm chí bị độc giả ghẻ lạnh.
Chúng tôi từng say mê suốt thời tuổi trẻ những cuốn tiểu thuyết lớn của nhân loại như “Đôn Kihôtê”, “Chiến tranh và hòa bình”, “Những người khốn khổ”, “Sông Đông êm đềm”, “Thép đã tôi thế đấy”, “Một thời để yêu và một thời để chết”...
Những cuốn sách ấy không những là nguồn dinh dưỡng lớn cho tâm hồn để có nội lực, tự tin bước vào nghề văn, mà còn giúp chúng tôi có tình yêu nước nồng nàn, cầm súng ra trận với quyết tâm chiến thắng quân xâm lược dù có phải hy sinh cả tính mạng mình... Thế mà giờ đây ở đất nước chúng ta còn rất ít người tìm đọc những tác phẩm ấy.
Trong khi ở các nước văn minh, học sinh, sinh viên vẫn được học các tác phẩm đó, vẫn được họ nâng niu, trân quý. Chúng ta không chỉ lạnh nhạt với tác phẩm văn chương kinh điển của nước ngoài mà ngay cả những tác phẩm kinh điển ở trong nước cũng ít mặn mà.
Thời nào cũng vậy, văn học chỉ có thể phát triển mạnh mẽ khi có sự tương tác của công chúng, bạn đọc. Cũng giống như người làm vườn, nếu không có nguồn tiêu thụ sản phẩm thì rất khó khích lệ họ làm ra nhiều sản phẩm và sản phẩm mang chất lượng cao.
Ngày nay ở nước ta, một cuốn tiểu thuyết viết ra chỉ dám in nhiều nhất là 1.000 bản, thường chỉ 500 - 800 bản và nhà văn phải tự bỏ tiền xuất bản là chính. Sách bán trên thị trường rất khó khăn.
Thường là để tặng bạn bè hoặc những ai còn có chút vấn vương với văn học. (Còn nhớ năm 1988, cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi có tên “Những đêm huyền ảo” được Nhà xuất bản Phụ nữ in và phát hành tới 10 nghìn bản, tiền nhuận bút vừa đủ cho tôi mua một chiếc xe máy Nhật Bản).
Do số lượng xuất bản khiêm tốn nên phần lớn tác phẩm viết ra hầu hết chỉ được bán ở các thành phố lớn cho dù phát hành theo hình thức nào. Còn ở nông thôn hầu như ngày nay chỉ còn hiệu bán sách giáo khoa hoặc thêm một số cuốn truyện tranh cho trẻ em giải trí chứ không còn cửa hiệu bán tác phẩm văn học.
Bạn đọc nông thôn chỉ còn các em học sinh phổ thông và cũng chỉ thông qua những kiến văn hữu hạn ở sách giáo khoa văn mà thôi. Một phần rất lớn dân cư nông thôn đã trở nên xa lạ với tác phẩm văn chương.
Cũng có một số thư viện văn hóa xã mọc lên theo trào lưu xây dựng nông thôn mới, nhưng sách đưa về đó hầu hết là của những người viết nghiệp dư hoạt động trong những câu lạc bộ đang mọc lên như nấm sau mưa.
Họ là những người có điều kiện về kinh tế nên không khó khăn gì khi xuất bản mỗi năm một đầu sách. Nhưng những cuốn sách đó không những không khơi dậy tình yêu văn học, mà ngược lại còn làm cho người nông thôn hiểu sai về văn học.
Và rốt cục thứ sách đó chỉ còn mang giá trị bày cho đẹp thư viện nhưng không ai đoái hoài đến nữa. Không hiểu những người còn một chút tình yêu văn học nghĩ sao khi mà đất nước chúng ta xưa nay vẫn được coi là xứ sở ngàn năm văn hiến mà bây giờ bạn đọc văn chương cứ ngày một ít đi như thế?
Hội thảo 'Tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay, xứng đáng; chấn hưng sự nghiệp văn hóa, văn nghệ của đất nước' thu hút sự quan tâm của đông đảo văn nghệ sĩ. Ảnh: ITN. |
Mong một cuộc sống tốt hơn
Hầu hết, các nhà văn Việt Nam đều thuộc tầng lớp có thu nhập thấp, sách viết ra không có tiền in. Tiền tài trợ của Nhà nước cũng chỉ góp một phần nhỏ. Đấy là chưa kể khá nhiều hội văn nghệ địa phương hiện nay tiền tài trợ lấy về là chia đều theo đầu người, thậm chí dùng để kéo nhau đi du lịch, dưới danh nghĩa đi thâm nhập thực tế.
Những chuyến đi “thực tế” theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa, khi về thường chỉ sản sinh ra được một số bài thơ, bài ký “hữu cảnh sinh tình” sáo mòn và nhạt nhẽo mà thôi.
Trở lại nói thêm về cái sự ít đọc. Sự ít đọc, lười đọc bây giờ đã thành căn bệnh nan y khó chữa. Căn bệnh ấy không chỉ thấy ở công chúng mà xuất hiện ngay trong giới cầm bút. Nhà văn ít đọc của nhà văn thì đã thấy rõ.
Ngay cả những người viết phê bình đáng nhẽ cần phải đọc nhiều mới nhận định được đặc điểm bút pháp của từng nhà văn và sức sống của nền văn học thì bây giờ cũng ít đọc. Vì thế trên các báo hiện nay xuất hiện một số bài nhận định đánh giá về văn học vừa cũ kĩ, sáo mòn vừa thiên lệch.
Thậm chí lăng xê nhau một cách vô lối, không giấu được khẩu khí lợi ích nhóm. Một số tác phẩm văn học chọn đưa vào sách giáo khoa THPT, THCS thiếu giá trị nhân bản nhưng lại thừa khuynh hướng vong bản. Điều đó càng khiến bạn đọc mất niềm tin vào văn học. Các em học sinh thêm chán ghét học văn.
Bạn đọc nông thôn chỉ còn các em học sinh phổ thông (trong ảnh: Học sinh Trường Mầm non Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An). Ảnh: NTCC. |
Độc giả ngày càng 'lạnh nhạt' với tác phẩm văn chương kinh điển trong nước cũng như nước ngoài. Ảnh: Bình Thanh. |
Tôi nghĩ, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng đã nhận ra hiện trạng này nên cuộc hội thảo hôm nay mới có tiêu đề “Chấn hưng sự nghiệp văn hóa, văn nghệ của đất nước”.
Tôi rất đồng tình với cách đặt vấn đề của ban tổ chức hội thảo. Nhưng đây là một công việc lớn, rất lớn, một mình Liên hiệp không thể kham nổi mà cần phải có sự tham vấn từ các cơ quan cấp trên và các bộ, ngành có liên quan. Nghĩa là từ Văn phòng Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ cho đến Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... rất cần có những chuyên gia giỏi.
Họ không những chỉ có bằng cấp danh giá, mà còn có sự hiểu biết sâu rộng trong giới văn chương, thậm chí họ hiểu khuynh hướng và tác phẩm của từng nhà văn. Họ không chỉ có tài mà còn có cái tâm trong sáng, khách quan, một lòng một dạ với đất nước, với nhân dân, với thế hệ trẻ.
Với các nhà văn, tôi nghĩ, nếu chúng ta đã coi văn chương là cái nghiệp của đời mình thì không hẳn cứ phải chờ đợi đến cái lúc công chúng trống giong cờ mở chào đón chúng ta mới nhiệt thành sáng tác.
Hãy nhìn về những tấm gương của người xưa. Cả sự nghiệp của thi hào Nguyễn Du ứng với thời kì loạn ly, giao thời giữa các triều đại, số phận ông liên tiếp lên thác xuống ghềnh, có lúc bị truy đuổi. Kiệt tác “Truyện Kiều” ông sáng tác trong thời kì về quê vợ ở Thái Bình lánh nạn kiêu binh ở kinh thành Thăng Long.
Tại đây, ông phải chịu cảnh ăn đói mặc rách, thắp đèn dầu lạc mà viết. Còn nữ sĩ Hồ Xuân Hương thì sáng tác những kiệt tác thơ của đời mình trong bầu khí quyển trọng nam khinh nữ của chế độ phong kiến; trong cái nhìn rẻ rúng và những hành động tàn độc của chế độ đa thê.
So với họ, các nhà văn của chúng ta hôm nay không thể nói là không có điều kiện để sáng tác. Tuy vậy, các nhà văn vẫn có quyền mong muốn một cuộc sống tốt hơn, phù hợp với sự phát triển của đất nước hôm nay.
Hội thảo khoa học chuyên đề cấp Bộ “Tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay, xứng đáng; chấn hưng sự nghiệp văn hóa, văn nghệ của đất nước” mới được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức tại Hà Nội nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam). Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, nhà văn, nhà thơ cùng những tham luận sắc sảo, đầy trách nhiệm.