Văn học thiếu nhi đang lên ngôi?

GD&TĐ - Trò chuyện cùng báo Giáo dục & Thời đại, nhà văn Lê Phương Liên tin tưởng và kỳ vọng về một giai đoạn mới của văn học thiếu nhi nước nhà.

Một số tác phẩm nhận giải thưởng Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi đợt 1 năm 2021-2023 của Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: vanvn.vn
Một số tác phẩm nhận giải thưởng Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi đợt 1 năm 2021-2023 của Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: vanvn.vn

“Nghe một nhà thơ miền Nam nói rằng: “Bây giờ văn học thiếu nhi lên ngôi”, tôi thấy rất thú vị với nhận xét đó và thực sự văn học thiếu nhi đang được toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội chú ý”. Trò chuyện cùng báo Giáo dục & Thời đại, nhà văn Lê Phương Liên tin tưởng và kỳ vọng về một giai đoạn mới của văn học thiếu nhi nước nhà.

- Nhận định nêu trên phải chăng được bắt đầu từ những cuộc thi, giải thưởng gần đây dành cho văn học thiếu nhi, thưa bà?

- Đúng vậy. Hội Nhà văn vừa trao giải Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi đợt 1 với hàng trăm tác phẩm tham dự và có nhiều tác phẩm dày dặn, nổi bật.

Nhà xuất bản Kim Đồng cũng thành lập Giải thưởng Văn học Kim Đồng và phát động Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2023 – 2025. Nhất là, từ năm 2022 có sự trở lại của giải thưởng hạng mục Văn học thiếu nhi (Hội Nhà văn Việt Nam)… Đó là những cơ sở quan trọng để thúc đẩy sáng tác văn học thiếu nhi ngày càng phát triển mạnh mẽ, phong phú hơn.

- Giải thưởng hạng mục Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam có sự trở lại như thế nào, thưa bà?

Nhà văn Lê Phương Liên.

Nhà văn Lê Phương Liên.

- Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam – do nhà văn Nguyễn Quang Thiều đứng đầu, có một điểm thay đổi lớn là tái thành lập Hội đồng Văn học thiếu nhi. Trước đó, hội đồng đã có và gắn liền với giải thưởng văn học thiếu nhi song sau chuyển thành Ban Công tác văn học thiếu nhi, tức là hạ thấp vị trí chuyên môn của hội đồng khi ban chỉ có thể lo công việc phong trào, không có quyền để thẩm định tác phẩm.

Việc tái thành lập hội đồng chính là khôi phục lại giải thưởng văn học thiếu nhi thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam. Việc này cũng gặp không ít sóng gió khi ban đầu Chủ tịch Hội đồng là nhà văn Trần Đức Tiến song bây giờ là nhà văn Thái Chí Thanh.

Hai năm qua, hội đồng đã thẩm định và đề xuất giải thưởng văn học thiếu nhi, trong đó trao giải năm 2022 cho cuốn “Thung lũng đồng vang” của tác giả Trung Sỹ và giải năm 2023 cho cuốn “Cá linh đi học” của tác giả Lê Quang Trạng. Nếu như Trung Sỹ là cây bút U70 thì Lê Quang Trạng mới 27 tuổi.

So sánh như thế để thấy rằng không cứ tác giả là ai mà cứ tác phẩm xuất sắc sẽ được hội đồng đề cử. Chính vì vậy, hai tác phẩm khi đưa lên Ban Chấp hành đều nhận được phiếu đồng ý 100% và đánh giá là những tác phẩm rất xứng đáng. Khi đưa ra dư luận hai giải thưởng này cũng rất được ủng hộ.

- Là cây bút bền bỉ sáng tạo cho thiếu nhi và nay là thành viên Hội đồng Văn học thiếu nhi, bà có suy nghĩ gì về thực tế đời sống văn học thiếu nhi?

Tác phẩm 'Cá linh đi học' nhận Giải thưởng Văn học thiếu nhi – Giải thưởng Văn học Việt Nam 2023 của Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: KĐ

Tác phẩm 'Cá linh đi học' nhận Giải thưởng Văn học thiếu nhi – Giải thưởng Văn học Việt Nam 2023 của Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: KĐ

- Trước hết, việc tái thành lập hội đồng và giải thưởng văn học thiếu nhi là đòi hỏi tất yếu khách quan của phong trào viết cho thiếu nhi. Phong trào này trải qua 20 năm đầu của thế kỷ 21 và đã có sự chuyển biến rất lớn, không phải chỉ có đông đảo tác giả trẻ tham gia mà còn là cách viết. Cách viết thế giới ảo đã được thâm nhập vào tác phẩm của các nhà văn Việt Nam.

Thực ra, cách viết này không mới, đã xuất hiện trong “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài (1941-PV). Song sau đó, lối viết chủ nghĩa hiện thực tràn ngập trong văn học Việt Nam nói chung và văn học thiếu nhi nói riêng nên việc quan tâm đến thế giới ảo, thế giới kỳ diệu trong văn học thiếu nhi chưa được thích đáng. Đồng thời, cũng có một vài dư luận về vấn đề biểu tượng hai mặt nên văn nghệ sĩ rụt rè trong khi thể hiện.

Khi đất nước đổi mới, tác phẩm văn học thế giới ùa vào Việt Nam cùng những cơn sốt “Doraemon”, “Harry Potter”… và các tác phẩm truyện kỳ ảo đã tác động đến các nhà văn Việt Nam và thôi thúc họ phải thay đổi cách viết đề cao thế giới kỳ diệu của tưởng tượng thì mới phù hợp với tâm sinh lý của trẻ.

Có thể nói, dòng văn học giả tưởng hiện được phát triển khá mạnh, nhất là trong những người viết trẻ, trong đó tác phẩm “Cá linh đi học” của Lê Quang Trạng là một thành công xuất sắc.

- Vậy theo bà, làm thế nào để đưa những tác phẩm chất lượng đó đến với độc giả nhỏ tuổi?

- Bên cạnh việc thẩm định của các nhà xuất bản để đưa ra những cuốn sách tốt thì việc truyền thông, lan tỏa cái hay, cái đẹp rất quan trọng. Giáo viên dạy văn nên cập nhật đời sống thực tế của văn học thiếu nhi, không nên quá xa rời vì tất cả các tác phẩm văn học mới rất sinh động, hấp dẫn.

Các nhà xuất bản cũng như tác giả đã tổ chức nhiều cuộc giao lưu, giới thiệu sách ở trường học song cần kết hợp tốt hơn. Đồng thời, vai trò nối nhịp của báo chí đặc biệt quan trọng, thông qua các chuyên trang, chuyên mục giới thiệu tác giả, tác phẩm…

- Trân trọng cảm ơn nhà văn Lê Phương Liên!

Giải thưởng Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi đợt 1 năm 2021-2023 được trao cho 16 tác phẩm, trong đó giải Nhất thuộc về tác phẩm “Mèo sinh ra đâu phải chỉ bắt chụp” của tác giả Dương Thị Thảo Nguyên (Văn xuôi – bản thảo); hai giải Nhì là: “Hạt dẻ ơi, về nhà thôi” của tác giả Nguyễn Thị Cẩm Hà (Hà Mi) (Văn xuôi – bản thảo); “Dắt mẹ đi chơi” (Đố mẹ, Dế mèn học chữ) của tác giả Mai Quyên (Thơ – sách) và 5 giải Ba, 7 giải Khuyến khích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ