Chờ đòn bẩy nặng ký cho văn học thiếu nhi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Là người dành nhiều tâm sức viết cho trẻ thơ, tác giả Phạm Anh Xuân rất quan tâm đến các giải thưởng văn học dành cho thiếu nhi.

Tác giả Phạm Anh Xuân (thứ 2 từ phải qua) nhận tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Dế Mèn lần thứ 4.
Tác giả Phạm Anh Xuân (thứ 2 từ phải qua) nhận tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Dế Mèn lần thứ 4.

Cùng Báo Giáo dục&Thời đại trò chuyện với cây bút được độc giả nhí mến mộ này.

- Đứa con đầu tay - truyện dài “Nghé ọ Hai xoáy” vừa được nhận tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Dế Mèn lần thứ 4, hẳn rằng mang đến cho anh không ít bất ngờ?

Tác giả Phạm Anh Xuân: Hành trình của “Nghé ọ Hai xoáy” đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ban đầu, tôi viết cuốn “Nghé ọ Hai xoáy” mang tính chất rất bản năng. Tôi viết về những kỷ niệm ấu thơ của mình và đây là tác phẩm đầu tay.

Trước đó, tôi chưa bao giờ viết truyện và không hề có ý định viết truyện. Nhưng rồi cảm xúc tuổi thơ ùa về rất mạch lạc, dồi dào, thôi thúc tôi viết trong vòng bốn ngày đêm và tôi đã hoàn thành “Nghé ọ Hai xoáy”.

Tôi cũng gửi tác phẩm của mình đến Giải thưởng Dế Mèn với một tâm thế góp vui với giải thưởng và không dám kỳ vọng điều gì. Thật bất ngờ khi “Nghé ọ Hai xoáy” lọt vào vòng chung khảo rồi tiếp đó lại nhận được tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo.

Ở ngoài đời, bạn đọc đã tiếp nhận “Nghé ọ Hai xoáy” với niềm thích thú. Tôi nhận được rất nhiều phản hồi tốt về cuốn sách. Cũng có rất nhiều bài báo viết về truyện dài này, gọi đó như là món quà, một người bạn của tuổi thơ, của đồng quê.

- Sau Giải thưởng Dế Mèn, mới đây Nhà xuất bản Kim Đồng cũng chính thức công bố Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất. Anh quan tâm như thế nào về sự kiện này?

“Giải thưởng không phải là tất cả. Tôi tin rằng, những tác phẩm hay sẽ có chỗ đứng trong lòng công chúng. Thực tế cho thấy, dù có đạt giải thưởng hay không thì những tác phẩm có giá trị vẫn luôn được độc giả đón đợi và ghi nhận”

Phạm Anh Xuân

Cùng với Giải thưởng Dế Mèn là Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất; Giải thưởng Sách thiếu nhi TPHCM (2023 - 2024); rồi trước đó là Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi (2021 - 2025) của Hội Nhà văn Việt Nam.

Tôi rất quan tâm đến các giải thưởng này, bởi vì đây là những cánh cửa mở ra không gian cho các cây bút yêu thích sáng tác văn học thiếu nhi; tăng thêm nguồn động viên, khích lệ các tác giả viết về tuổi thơ và tuổi thơ đọc sách về tuổi thơ.

- Các giải thưởng dành cho văn học thiếu nhi được nối tiếp nhau ra đời trong năm nay có ý nghĩa như thế nào với những người tâm huyết sáng tác cho thiếu nhi, thưa anh?

Tôi cũng hy vọng các giải thưởng ngày càng lớn mạnh; từ đây ngày càng có nhiều cuốn sách hay về thiếu nhi, về tuổi thơ, về không gian văn hóa tuổi thơ của Việt Nam để văn học dành cho các em có chỗ đứng bền vững.

Sự nở rộ của các giải thưởng cũng là những dấu hiệu tốt, cho thấy sự quan tâm của cộng đồng xã hội; của người lớn, nhà xuất bản, các tổ chức đối với văn học và không gian văn hóa đọc dành cho thiếu nhi.

Tuy nhiên, tôi cũng khát khao về một giải thưởng tập trung, thống nhất; một giải thưởng thực sự có tầm vóc, là đòn bẩy, là cú hích nặng ký để các tác giả có thể sống được với ngòi bút của mình; đồng thời tác phẩm được trao giải thực sự là những tác phẩm để lại dấu ấn và tiếng vang.

- Theo anh, để thực sự lan tỏa và có sức hút ấn tượng, các giải thưởng văn học này cần đầu tư về giá trị tiền thưởng hay một ban giám khảo công tâm và có “con mắt xanh”?

Những giải thưởng công tâm khách quan và đánh giá đúng ý nghĩa, giá trị của các cuốn sách, tác phẩm không chỉ đảm bảo cho tác giả một sân chơi công bằng, mà còn duy trì động lực của người viết.

Bởi vì, chỉ khi sân chơi công bằng, được vun đắp bởi những người cầm cân nảy mực tâm huyết thì các cây bút mới thực sự quan tâm và dành tâm sức cho các tác phẩm tham gia giải thưởng.

Bên cạnh đó, quan trọng hơn là tự thân các giải thưởng trở nên uy tín, có sức thuyết phục, lay động được cảm xúc tác giả và bạn đọc.

Ảnh minh họa/INT.

Ảnh minh họa/INT.

- Cùng với câu chuyện về giải thưởng, anh có chia sẻ thêm gì xoay quanh văn học thiếu nhi?

Tôi muốn nói thêm về thực trạng lấn sân của văn học thiếu nhi nước ngoài. Sự giao thoa, hội nhập luôn rất tốt và mang đến những giá trị quan trọng để bồi dưỡng tâm hồn các em.

Tuy nhiên, nếu văn học thiếu nhi Việt Nam không được xây dựng, bồi đắp thì bản đồ không gian văn học thiếu nhi của Việt Nam sẽ bị thu hẹp, lấn sân, xâm chiếm bởi văn học thiếu nhi nước ngoài du nhập. Khi đó, trẻ em Việt Nam sẽ đọc, sống với không gian văn hóa khác, thậm chí là xa lạ với đời sống thực tế của đất nước mình.

- Vậy anh có góp ý gì để không gian văn học thiếu nhi của Việt Nam bớt đi sự bị lấn sân và ngày càng rộng mở, lôi cuốn độc giả nhí nước nhà?

Trên thực tế, đây là cuộc cạnh tranh sòng phẳng và công bằng giữa văn học nước ngoài và văn học Việt Nam. Điều đó được hiểu rằng, nếu như văn học trong nước viết cho thiếu nhi không đủ sức lớn mạnh thì sự xâm lấn của văn học thiếu nhi nước ngoài vào Việt Nam là điều không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, bấy nay, tôi có cảm giác các công ty sách, nhà xuất bản đang tỏ ra dễ dãi với các tác phẩm văn học nước ngoài khi chuyển ngữ sang tiếng Việt, trong đó có không ít đầu sách được phát hành theo kiểu “ăn xổi”.

Vì thế, các công ty sách, nhà xuất bản cần có sự thẩm định, kiểm soát chất lượng, nội dung của những tác phẩm văn học nước ngoài một cách chặt chẽ, khắt khe để khi đến với trẻ em Việt Nam thực sự là những cuốn sách phù hợp, mang những thông điệp bổ ích.

- Ở câu chuyện này, vai trò của đội ngũ sáng tác được thể hiện thế nào, thưa anh?

Theo tôi, tác giả và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sách xuất bản văn học cho thiếu nhi cần có sự bồi đắp xây dựng nền tảng văn học thiếu nhi trong nước thực sự lớn mạnh và vững chắc.

Điều đó có thể thông qua các giải thưởng, sự ghi nhận và tôn vinh trên tinh thần thực sự trân trọng, xây dựng, vun xới để lực lượng sáng tác cảm thấy mình là trung tâm của sân chơi và họ tâm huyết với sự nghiệp sáng tác của mình.

- Cảm ơn anh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.