Tín hiệu vui để kỳ vọng về văn học thiếu nhi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chào tháng 6 - nhiều giải thưởng và cuộc vận động sáng tác được công bố.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Liệu rằng, đây là những tín hiệu vui để cùng kỳ vọng về sự phát triển mạnh mẽ của văn học thiếu nhi trong thời gian tới?

Cách đây 4 năm, Giải thưởng Dế Mèn được khởi động và đến năm nay đã bước vào kỳ trao giải thứ tư. Đầu năm ngoái, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ phát động Cuộc vận động sáng tác viết về đề tài thiếu nhi, kéo dài đến tháng 5/2025.

Nối tiếp, mới đây nhất Nhà xuất bản Kim Đồng công bố Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất được gắn với Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2023 - 2025, dành cho các cây bút chuyên và không chuyên, là công dân Việt Nam.

Theo đó, các tác phẩm dự giải không là tác phẩm dịch thuật, phóng tác và chưa từng xuất bản thành sách, viết cho nhi đồng (6 - 10 tuổi) và thiếu niên (11 - 16 tuổi). Thể loại gồm: Truyện dài (không quá 60 nghìn chữ), truyện ngắn (tối thiểu 10 truyện, 5 nghìn chữ/truyện) và thơ (tối thiểu 25 bài).

Ban tổ chức nhận tác phẩm từ ngày 17/6/2023 đến hết ngày 31/3/2025 và có sơ kết một năm sau đó tổng kết trao giải, dự kiến vào tháng 6/2025.

Giải thưởng này được kỳ vọng thu hút sự quan tâm của đông đảo cây viết khi mời được hội đồng chung khảo là những nhà văn uy tín, tâm huyết với thiếu nhi như: Trần Đức Tiến (Chủ tịch hội đồng), Lý Lan, TS Nguyễn Thụy Anh. Cùng với đó, giải thưởng cũng hấp dẫn khi có tổng giá trị lên đến 360 triệu đồng, trong đó giải Nhất trị giá 100 triệu đồng, giải Nhì trị giá 60 triệu đồng.

“Với người sáng tác, nhất là nhà giáo, giải thưởng văn học thiếu nhi nói riêng và giải thưởng văn học nói chung sẽ có ý nghĩa động viên, khích lệ cả về tinh thần và vật chất cho con đường sáng tạo. Giải thưởng giúp tác phẩm của mọi người dễ đến được với đông đảo bạn đọc hơn vì một tác phẩm viết ra mà không có độc giả thì cũng xem như là “văn bản chết” vậy” - Thầy giáo Nguyễn Đình Ánh, Trường THPT Nghi Lộc 2, Nghi Mỹ, Nghi Lộc, Nghệ An.

Cùng với đó, lần đầu tiên Giải thưởng sách thiếu nhi TP Hồ Chí Minh do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh kết hợp cùng Thành đoàn Thành phố chủ trì tổ chức.

Theo đó, giải thưởng hướng đến những tác phẩm tiếng Việt dạng sách in và sách điện tử dành cho thiếu nhi. Các thể loại xét giải Nhất (từ 50 triệu đồng), Nhì (từ 30 triệu đồng) và Ba (từ 20 triệu đồng) gồm: Thơ, tranh truyện, truyện tranh, tập tản văn, truyện dài, tập truyện ngắn và sách nghiên cứu về tâm lý giáo dục.

Ngoài ra còn có 4 giải Triển vọng (mỗi giải trị giá 10 triệu đồng) dành cho tác phẩm hoặc bản thảo đã hoàn chỉnh do các em thiếu nhi sáng tác và giải Thành tựu đối với những quyển sách, bộ sách, tác phẩm có giá trị to lớn, mang tầm ảnh hưởng quan trọng đối với thiếu nhi.

Đón nhận những thông tin về các giải thưởng văn học này, cô giáo Trần Thị Kim (Trường THCS & THPT Lê Lợi, Nguyễn Hội, Phan Thiết, Bình Thuận) cho biết, sau nhiều năm im ắng, dịp này có đến 3 - 4 giải thưởng, cuộc vận động viết cho thiếu nhi cho thấy văn chương dành cho tuổi thơ đang được quan tâm hơn. Thực tế đó cũng chứng tỏ thị trường văn học trong nước đang “khát” những tác phẩm thực sự có giá trị.

Đồng thời, đó còn là sự khích lệ tinh thần người viết. Cũng bởi, khi thấy một cuộc thi mà giá trị giải thưởng cao người viết luôn háo hức muốn tham gia, cố gắng sáng tác để vươn tới.

“Càng có nhiều giải thưởng cao thì người viết càng cảm thấy công việc mình đang làm có giá trị, công sức đầu tư mình bỏ ra xứng đáng. Nó như một cú hích, khiến người ta phải làm việc cật lực để mong tạo ra đứa con xuất sắc nhất. Dĩ nhiên được giải hay không là chuyện khác. Tôi đã đầu tư tâm sức tham gia cuộc vận động sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam. Với Giải thưởng Văn học Kim Đồng, tôi cũng đang tính chuyện thử sức với thể loại truyện dài. Trước mắt, tôi đang nhen nhóm ý tưởng…”, cô Kim chia sẻ.

Thầy Nguyễn Đình Ánh, Trường THPT Nghi Lộc 2, Nghi Mỹ, Nghi Lộc, Nghệ An thì khá bất ngờ khi hay tin về Giải thưởng Văn học Kim Đồng. Theo thầy Ánh, đội ngũ sáng tác là nhà giáo hiện nay khá đông đảo, tuy nhiên không phải ai cũng dễ dàng tiếp cận được thông tin về các giải thưởng.

Ảnh minh họa/INT.

Ảnh minh họa/INT.

Vì vậy, truyền thông luôn là yếu tố quan trọng, không chỉ đối với các giải thưởng, mà còn đối với tất cả các khâu trong quá trình từ sáng tác cho đến khi độc giả tiếp nhận tác phẩm.

Riêng các giải thưởng có ý nghĩa rất lớn nên truyền thông cần được đẩy mạnh hơn. Ban tổ chức có thể gửi thư mời tham gia giải thưởng, cuộc vận động đến những cây bút tiêu biểu.

“Cách làm này ở Nhật Bản được triển khai rất thành công. Họ có hẳn một bộ phận truyền thông, trong đó nhiều người rất giỏi trong khâu biên tập, chuyên đi tìm những cây bút trẻ và “đỡ đầu” cho sáng tác, xuất bản cũng như tham gia các giải thưởng. Khi đó, các cây bút chỉ cần chuyên tâm sáng tác và tác phẩm chất lượng ắt hẳn sẽ ra đời”, thầy Ánh cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.