Sách văn học dành cho thiếu nhi: Thiếu và yếu

GD&TĐ - Số lượng sách văn học dành cho thiếu nhi phần lớn là sách dịch của nước ngoài, sách của Việt Nam số lượng ít và chất lượng không cao.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - thừa nhận, lâu nay việc viết cho thiếu nhi của tự thân các nhà văn có sự chểnh mảng, ít tập trung. Có một số cuốn sách ra đời nhưng vẫn viết theo lối cũ, giáo dục thông thường và đầy khô cứng.

Có thể nói, trong hệ thống văn chương Việt Nam, sách cho thiếu nhi là một trong những chủ đề văn hóa đã được nói nhiều, quan tâm cũng nhiều nhưng kết quả lại không hề nhúc nhích.

Chủ tịch Hội Nhà văn nói rằng, kể từ sau cuốn “Miền xanh thẳm” của nhà văn Trần Hoài Dương được trao giải năm 2001, đến nay chưa có tác phẩm nào cho thiếu nhi “lọt” vào hệ thống giải thưởng của Hội.

Có thể thấy rằng 20 năm qua, không chỉ thiếu tác phẩm trong hệ thống giải thưởng, mà ngay cả những tác phẩm bình dân dành cho lứa tuổi thiếu nhi cũng thưa vắng. Thực trạng này để lại một khoảng trống quá lớn về văn hóa đọc cũng như việc giáo dục nhân cách, đạo đức, tâm hồn, thẩm mỹ cho trẻ em.

Trong khi đó, sự phát triển về công nghệ kéo theo những hệ lụy khiến trẻ nhỏ chìm đắm trong thế giới ảo, cùng những trò game giải trí. Trong gia đình Việt, rất hiếm những cuốn sách của nhà văn Việt Nam dành cho con em, càng hiếm những cuốn sách hay để nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ.

Mới đây, trong lễ phát động cuộc vận động sáng tác văn học đề tài thiếu nhi, ông Nguyễn Quang Thiều kể: Trong diễn từ nhận giải Nobel của nhà văn Toni Morison năm 1993, bà kể về một nhà tiên tri có khả năng nhìn thấy tương lai. Một hôm, có mấy đứa trẻ đến gặp và thách thức: “Này bà tiên tri, bà hãy nói con chim trong tay chúng ta sống hay chết?”.

Bà tiên tri rùng mình trước câu hỏi đó, và nhìn thấy tương lai của những đứa trẻ cũng như một phần tương lai thế giới. Lòng bà đau đớn, bởi biết rõ nếu nói con chim còn sống thì ngay lập tức những đứa trẻ đó sẽ bóp chết con chim trong tay để chứng minh bà tiên tri sai.

Những đứa trẻ với câu hỏi vô cảm là sự xuất hiện của cái ác, mà mỗi người phải là một nhà tiên tri để “nhìn thấy tương lai”, để định hướng cho những đứa trẻ đi đúng đường chân – thiện – mỹ.

Giáo dục trẻ em bằng những cuốn sách ý nghĩa là chưa đủ, nhưng ít nhất đó là cách mở ra giá trị nhân văn, xây dựng tâm hồn, hướng con trẻ đến những điều đẹp đẽ - giữa muôn trùng những rắc rối của người lớn nói riêng và xã hội nói chung.

Khi nền văn học thiếu nhi không có những cuốn sách ý nghĩa, cũng đồng nghĩa với một nền văn hóa khuyết đi sự trong trẻo của thế hệ tương lai. Rồi đây, đất nước sẽ ra sao, văn hóa truyền thống sẽ thế nào khi nền tảng của văn hóa đọc không có sự nhiệt huyết của người lớn?

Chúng ta quá thừa những cuốn sách ngôn tình sướt mướt, và bội thực những bài thơ vô nghĩa. Nhưng chúng ta lại khiến con trẻ thiếu nền tảng của văn hóa đọc, và tự đánh mất giá trị truyền thống - khi chỉ được đọc những cuốn sách dịch của nước ngoài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.