1. Johann Wolfgang von Goethe (1749 - 1832):
Là một thiên tài toàn diện. Ông am hiểu nhiều lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, ngôn ngữ… Ông am hiểu tiếng Latinh, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hy Lạp. Ngoài ra trong đời thường, Goothe cũng là con người tài hoa, ông còn biết đấu kiếm, cưỡi ngựa, khiêu vũ, hội họa. Riêng trên lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, ông là tác giả của ngót 100 tác phẩm thi ca, sân khấu, văn xuôi, tiểu luận, phê bình, dịch thuật... Những tác phẩm ấy góp phần quyết định đưa văn học Đức lên đỉnh cao cổ điển. Xét cho cùng, Goethe là một con người toàn năng trong sáng tạo văn học - nghệ thuật. Nhưng trước hết ông là nhà văn, nhà thơ lỗi lạc. Tác phẩm “Nỗi đau khổ của chàng Werther” viết năm ông 24 tuổi đã trở thành một hiện tượng văn học dị thường khi đó. Kịch thơ “Faut” của ông được coi là đỉnh cao chói lọi của nền thơ ca thế giới. Hiện nay, ông vẫn được coi là một trong những thiên tài toàn năng nhất nhân loại.
2. Sergeyevich Pushkin (1799 - 1837):
Ông sinh năm 1799 trong một gia đình quý tộc tại thành phố Moskva. Pushkin đã để lại một di sản văn học đồ sộ, với gần 1.000 bài thơ, hàng chục trường ca, kịch thơ, truyện thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, phê bình văn học… Với tư cách là nhà thơ, ông được ví như “Mặt trời của thi ca Nga”- tác giả của những vần thơ trữ tình say đắm về tình yêu. Sự xuất hiện của Pushkin đã đem đến cho nền thi ca Nga bộ mặt khởi sắc chưa từng có. Bên cạnh đó về văn xuôi, ông cũng đạt được thành công đáng kể. Văn xuôi Pushkin được coi là đã đạt tới mức hoàn thiện, không thể sánh được. Ông được giới phê bình đánh giá là “ Nhà cải cách vĩ đại của văn học Nga”.
3. Victor Hugo (1802 - 1885):
Là nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, nhà hoạt động chính trị lỗi lạc người Pháp. Ông thành công trên nhiều phương diện. Về thơ, ông được coi là một trong những gương mặt mở đường cho chủ nghĩa lãng mạn trong thơ. Bên cạnh tiếng nói trữ tình mang nguồn cảm hứng cá nhân, thơ ông còn mang tính chính trị và triết học, biểu hiện những băn khoăn của thời đại. Tiêu biểu là các tập như: “Lá thu”, “Các bài ca hoàng hôn”, “Tia sáng và bóng tối”, “Trừng phạt”, “suy tưởng”…
Về kịch, ông là người phát ngôn cho trường phái lãng mạn. Ông để lại nhiều vở kịch có giá trị, trong đó vở “Hernani” đã được diễn tới 45 lần khi đó, gây nên trận chiến Hernani trên văn đàn và đem lại chiến thắng cho trường phái lãng mạn.
Về phương diện tiểu thuyết, ông cũng để lại hàng chục tác phẩm, trong đó tiêu biểu là hai tác phẩm mang đậm tính nhân bản: “Những người khốn khổ” và “Nhà thờ đức bà Paris” có giá trị trường tồn qua thời gian.
4. Rabindranath Tagore (1861 - 1941):
Là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động chính trị, nhà nghệ thuật lỗi lạc Ấn độ. Ông xuất thân trong một gia đình tri thức truyền thống ở Calaita, trung tâm văn hóa thời bấy giờ. Rabindranath Tagore tinh thông nhiều lĩnh vực, đã để lại 2.000 bức tranh, 50 tập thơ, 12 tiểu thuyết, 20 vở kịch, 2.000 bài hát, hàng trăm truyện ngắn… Có thể nói,
tư tưởng cũng như tài năng nghệ thuật của ông hội tụ cả nền văn hóa phương đông và phương tây. Ông đoạt giải Nobel về văn học 1913.
5. Stefan Zweig (1881 - 1942):
Là một trong những tên tuổi lớn của nền văn học Áo. Maksim Gorky nhận xét: “Stefan Zweig - đó là sự kết hợp hiếm hoi nhất giữa tài năng của một nhà tư tưởng sâu sắc với tài năng của một nghệ sĩ hạng nhất”. Stefan Zweig là một nghệ sỹ đa tài. Ông bắt đầu sự nghiệp bằng thơ, với tập “Những cung đàn bằng bạc”. Sau đó ông chuyển sang viết văn xuôi với nhiều thành công đáng kể về tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, tiểu sử danh nhân. Nhưng điều mang đến vinh dự lớn cho ông lại là những truyện ngắn mang dấu ấn riêng như “Lá thư của người đàn bà không quen biết’’, “Tình cảm lẫn lộn”, “Hai tư giờ trong đời người đàn bà”, “Những giờ hồng phúc của nhân loại”… Ông cũng được coi là bậc thầy của thể loại tiểu sử danh nhân. Ông đã viết nhiều tập tiểu sử đồ sộ, trong đó có cuốn “Ba bậc thầy” bàn về Honeré de Balzac, Charles Dickens và Fyodor Dostoyevsky.