Tới dự có bà Natalia Shafinskaya – Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga; ông Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Văn học Việt Nam; ông Hoàng Thúy Toàn – Dịch giả, Giám đốc quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Nga – Văn học Việt Nam cùng đông đảo đại diện các cơ quan văn hóa tại Việt Nam, các bạn yêu văn học Nga đến dự.
Sự kiện này nằm trong Dự án dịch và xuất bản các tác phẩm văn học kinh điển Nga nổi tiếng trên toàn thế giới sang tiếng Việt và các kiệt tác văn học Việt Nam sang tiếng Nga được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2012.
Lễ ra mắt đợt sách này là sự tiếp nối các tác phẩm văn học Nga trong khuôn khổ dự án dịch dưới sự bảo trợ của Tổng thống Nga. Đây là một dự án mang đậm tính văn hóa giữa hai nền văn học Việt – Nga.
Các tác phẩm được ra mắt lần này gồm: “Tuyển tập thơ” của Sergey Esenin, truyện vừa “Con gái Ivan, mẹ Ivan” của Valentin Rasputin, vở kịch nổi tiếng “Xác thây sống” của Lev Tolstoy và cuốn “Cơ sở lý thuyết dịch đại cương” của Andrey Flodorov.
Đông đảo các đại biểu và người yêu thích văn học Nga tới dự. |
Theo bà Natalia Shafinskaya – Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga: “Lễ ra mắt các tác phẩm dịch lần này đánh dấu giai đoạn tiếp theo một dự án chung dài hạn dịch và xuất bản độc đáo được thực hiện từ năm 2012 bao gồm các tác phẩm nổi tiếng thế giới và kinh điển Nga sang tiếng Việt và các tác phẩm văn học hay của Việt Nam sang tiếng Nga".
Cũng trong lễ ra mắt các tác phẩm văn học Nga được dịch sang tiếng Việt, ông Hoàng Thúy Toàn, Giám đốc Quỹ “Hỗ trợ quảng bá văn học Nga – Văn học Việt Nam” chia sẻ: Trong lễ ra mắt các tác phẩm dịch hôm nay có 4 cuốn sách.
Trước hết là cuốn kịch và hài kịch của Lev Tolstoy do GS. Nguyễn Hải Hà dịch.
Cuốn thứ 2 là “Cơ sở lý thuyết dịch đại cương” của Andrey Flodorov do dịch giả - nhà văn Lê Đức Mẫn dịch, đã mang đến cho bạn đọc đặc biệt là những người yêu thích mảng dịch thuật một cách nhìn mới, một phương pháp mới về dịch thuật.
Cuốn thứ 3 đó là “Tuyển tập thơ” của Sergey Esenin.
Cuối cùng là tập truyện vừa “Con gái Ivan, mẹ Ivan” của Valentin Rasputin ”.
Những cuốn sách văn học Nga được dịch sang tiếng Việt lần này mang nhiều ý nghĩa nhân văn, văn hóa cao cả giữa hai nền văn học Việt – Nga nói riêng và hai nước Việt – Nga nói chung. Để mở rộng hơn nữa sự hiện diện trở lại của các tác phẩm văn học kinh điển Nga ở Việt Nam, sự chung tay hợp tác của các cơ quan, các tổ chức liên quan tích cực hơn nữa, đặc biệt Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga, cùng Đại sứ quán Nga là hết sức cần thiết.