Văn học cổ điển lên kịch: Hành trình không đơn giản

GD&TĐ - Với mong muốn giới thiệu đến khán giả những kiệt tác văn hóa thế giới, Nhà hát Kịch Việt Nam vừa tổ chức lễ khởi công vở diễn Hồng lâu mộng (kịch bản, đạo diễn người Singapore Chua Soo Pong; biên dịch Việt ngữ Hoàng Long - Xuân Hồng). 

Văn học cổ điển lên kịch: Hành trình không đơn giản

Đây là bước đột phá trong việc hâm nóng sân khấu nước nhà. Tuy nhiên, việc mặc “áo mới” cho kịch kinh điển cũng mang đến nhiều thách thức, khi ranh giới thành công và thất bại lại rất mong manh...

Xu hướng mới

Để giải bài toán thiếu kịch bản hay, gần đây, một số nhà hát, đơn vị nghệ thuật đã “lội ngược dòng”, dàn dựng những vở bi hài kịch cổ điển của thế giới và một số tác phẩm hay của văn học Việt Nam như Nhà hát Kịch Việt Nam dựng Hamlet của Shakespeare, Chuyện nàng Kiều phóng tác từ Truyện Kiều của Nguyễn Du; Nhà hát Thế giới trẻ có Mê Đê, một tác phẩm của Euripides, một trong ba nhà viết kịch lớn của Hy Lạp cổ đại, Nhà hát Tuổi trẻ dựng Quan thanh tra của Gogol, Nguyễn Du với Kiều khai thác từ Truyện Kiều, Đoàn Kịch nói Công an Nhân dân có Bão của Shakespeare…

Tác phẩm Hồng lâu mộng (tác giả Tào Tuyết Cần) một trong bốn tác phẩm văn học cổ điển được cho là danh tiếng nhất của Trung Quốc.

Tác phẩm văn học được dịch sang nhiều thứ tiếng này đã làm nảy sinh ra khoa “Hồng học”, một ngành nghiên cứu độc đáo trong lịch sử văn học Trung Quốc hiện đại lần đầu tiên xuất hiện dưới triều Thanh, sau khi tiểu thuyết của Tào Tuyết Cần bắt đầu được lưu truyền bằng các bản chép tay.

Vấn đề ở đây chính là phải cải biên, phải biến tấu thế nào để thực sự có được một kịch bản sân khấu hấp dẫn là điều trăn trở.

Đạo diễn, Tiến sĩ Chua Soo Pong cho biết: “Tác phẩm Hồng lâu mộng rất dài và rất nhiều chương nhưng ở vở diễn này tôi chỉ chọn những chương có liên quan đến tình yêu của Lâm Đại Ngọc và Giả Bảo Ngọc.

Tại sao lại có điều này, bởi chính tại Nhà hát Kịch Việt Nam đã có rất nhiều vở kịch về tình yêu của phương Tây và ở đây sẽ là một tình yêu của phương Đông. Qua đó khán giả có thể so sánh và hiểu hơn về một nền văn hóa khác”.

Vẫn còn nhiều thách thức

Trong bối cảnh sân khấu luôn khan hiếm những kịch bản hay và hấp dẫn như hiện nay, việc chọn đưa lên sân khấu những tác phẩm văn học kinh điển đã thành danh và ghi dấu ấn trong lòng công chúng là một giải pháp hấp dẫn và có khả năng lớn để chạm đến được thành công.

Tuy nhiên, đây cũng là một áp lực không nhỏ đối với người chuyển thể vì vừa phải đảm bảo được tính văn học vừa phải có tính sân khấu. Mặt khác, sức hấp dẫn của những tác phẩm văn học là gợi lên trí tưởng tượng vô cùng phong phú đối với người đọc về thế giới nhân vật trong tác phẩm.

Đưa lên sân khấu, bằng những hình tượng cụ thể, nếu tác giả không chắc tay, diễn viên diễn không sâu sắc sẽ khiến cho khán giả rơi vào cảm giác hụt hẫng do không đúng với trí tưởng tượng của họ. Các tác phẩm văn học bản thân đã có sức nặng về nội dung, nhân vật sẽ đảm bảo tốt cho một vở diễn. Đây là một thách thức cho nhà chuyển thể khi phải cô đọng một tác phẩm văn học đồ sộ trong 90 phút. Nếu không đủ nhạy cảm và kinh nghiệm, người chuyển thể dễ bị “nhặt cát rơi ngọc”.

Thông thường, khi một vở kịch được chuyển thể từ văn học, bao giờ cũng bị đem ra so sánh. Vì thế, tác giả, đạo diễn phải tìm cho mình một chìa khóa riêng. Có thể thêm hoặc bớt nhân vật và đưa ra một góc nhìn mới về tác phẩm, để khi vở diễn ra mắt, khán giả sẽ thấy hai đời sống khác hoàn toàn và bị cuốn vào cách kể của đạo diễn trên sân khấu.

Mảnh đất văn học vô cùng phong phú và màu mỡ, đây sẽ là một xu thế tất yếu của thời cuộc. Tuy nhiên, chuyển thể nhưng vẫn giữ được phần hồn của nguyên bản tác phẩm và gần gũi với khán giả, với không khí của thời đại, đó chính là một trong những thách thức đối với nhiều sân khấu hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.