Sân khấu kịch: "Vắt óc" tìm lối thoát

GD&TĐ - Sân khấu kịch là loại hình giải trí khá quen thuộc của nhiều người dân Hà Nội và TP HCM, nhưng hiện nay hầu hết các sân khấu kịch đang đứng trước thực trạng “khát” khán giả.

“Tôi đẹp… Tôi có quyền” là cái bắt tay giữa các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ và đạo diễn Idecaf.
“Tôi đẹp… Tôi có quyền” là cái bắt tay giữa các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ và đạo diễn Idecaf.

Khó khăn chồng chất

Trong vài năm trở lại đây, khi các loại hình giải trí bùng nổ, đời sống của các sân khấu kịch Thành phố Hồ Chí Minh đang “giậm chân tại chỗ” về kịch bản, cơ sở vật chất… và nhất là khán giả giảm xuống rõ rệt. Theo Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, hàng năm sân khấu thành phố có khoảng 30-40 vở diễn mới nhưng có rất ít vở diễn được đánh giá cao về chất lượng.

Bên cạnh đó, các sân khấu kịch công lập quanh đi quẩn lại những đề tài truyền thống mang nặng tính giáo dục trong khi các sân khấu xã hội hóa lại na ná nhau với các đề tài về ma, hài, kinh dị, bạo lực… Đề tài không mới, không có nét riêng, không theo kịp nhịp sống thời đại lại giống nhau lâu dần khiến người xem cảm thấy nhàm chán. Chính vì chất lượng các tác phẩm bị giảm sút, sức hấp dẫn kém dần nên các sân khấu kịch không còn đủ sức để giữ chân khán giả.

Để giải quyết tình trạng thiếu kịch bản hay mỗi một năm, Nhà nước đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng cho các trại sáng tác kịch bản sân khấu, tuy nhiên có khá ít kịch bản được dựng lên tại các sân khấu kịch. Giải thích về điều này, Ông Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Hàng năm chỉ có khoảng 20% kịch bản viết tại trại sáng tác được dựng tại các sân khấu kịch. Đó là do chưa có sự liên kết giữa các sân khấu kịch và các tác giả. Các kịch bản viết trong các trại sáng tác phần lớn là các tác phẩm văn học dành để đọc chứ chưa thích hợp để dựng trên sân khấu.

Để chấm dứt tình trạng trên, các tác giả tham gia trại sáng tác phải liên kết được với một sân khấu kịch. Theo đó, hai bên sẽ cùng tham gia với hình thức, các tác giả lên ý tưởng đề tài phù hợp với phong cách của sân khấu kịch mình liên kết. Ngược lại, các sân khấu kịch sẽ góp ý để tác phẩm phù hợp với khả năng của đạo diễn, diễn xuất của diễn viên để tác phẩm có thể biểu diễn được trên sân khấu. Có như vậy, các tác phẩm hay mới đến được với khán giả, từ đó khán giả cũng sẽ quay trở lại với sân khấu này".

Không chỉ các sân khấu kịch miền Nam, từ lâu, sân khấu kịch miền Bắc cũng không thoát được cảnh "chợ chiều", NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết: "Sân khấu nói chung, kịch nói nói riêng càng ngày càng khó khăn vì rất nhiều câu chuyện liên quan đến tài chính, quảng bá, truyền thông, khán giả... Ngoài ra, sân khấu còn bị lép vế so với các hình thức giải trí khác như phim ảnh, truyền hình... Mỗi bộ phim có thể lôi kéo hàng nghìn người tới rạp chiếu, nhưng sân khấu thì khác. Sân khấu của Nhà hát Kịch Hà Nội được đánh giá là rộng rãi nhưng cũng chỉ có 500 chỗ ngồi, những sân khấu khác như Cung Việt-Xô cũng chỉ 800-1.000 chỗ".

Nhà biên kịch Chu Thơm cho biết: "Một việc mà người trong cuộc cần tìm cách vận dụng tất cả các loại hình nghệ thuật như hát múa, âm nhạc, hình thể kết hợp cùng kịch nói. Đừng lo chuyện “tích hợp” các loại hình nghệ thuật vào kịch nói sẽ biến sân khấu thành “tạp kỹ” hay mất đặc trưng của loại hình. Muốn như vậy, phải có diễn viên giỏi hội tụ đủ các yếu tố thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần".

Nắm tay nhau để mạnh mẽ hơn

Trong lúc khó khăn, mới đây, một tín hiệu vui cho sân khấu kịch đã được nhen nhóm, lần đầu tiên, các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ kết hợp với đạo diễn Idecaf dàn dựng vở hài kịch “Tôi đẹp, tôi có quyền”. Đây là một tác phẩm sân khấu với ý tưởng mới lạ và hấp dẫn.

Với nội dung ý tưởng độc đáo, tác giả Bùi Quốc Bảo đã xây dựng nên câu chuyện mang tính so sánh ẩn dụ một cách đầy hài hước, mô tả chân thực về một trong những ước vọng “cháy bỏng” của con người hiện đại: tất cả đều mong muốn được có được một vẻ đẹp hoàn hảo, vì vậy, họ đổ xô đi làm đẹp để được đẹp hơn về vẻ bề ngoài, nhưng cái kết mà tác giả mang đến đã khiến mọi người nhận ra chân giá trị của cuộc sống: cái đẹp phải được bắt nguồn từ bên trong tâm hồn của mỗi người và được nuôi dưỡng bằng một trái tim nhân hậu.

Vở diễn bắt đầu với một cỗ máy làm đẹp, con người chỉ cần bước vào cỗ máy phẫu thuật thẩm mỹ đó trong 30 phút, khi bước ra sẽ trở nên đẹp toàn mỹ. Và rồi cư dân cả thành phố vô cùng hạnh phúc sau khi có được vóc dáng đẹp như mơ ước. Tuy nhiên, trong cả thành phố đã sót lại ba nhân vật, vì ham công việc họ đã chậm chễ, trở thành ba người đăng ký cuối cùng cho công cuộc làm đẹp. Trớ trêu thay khi họ đến, cỗ máy đó đã bị hỏng, và câu chuyện giữa những người đẹp và “ba người xấu” bắt đầu...

“Tôi đẹp… Tôi có quyền” là sự kết hợp thú vị giữa phong vị sân khấu phía Nam qua bàn tay dàn dựng của đạo diễn Vũ Minh - gương mặt quen thuộc trên sân khấu kịch Idecaf - TP Hồ Chí Minh và lối diễn hấp dẫn, trẻ trung của các nghệ sĩ đoàn kịch 1 - Nhà hát Tuổi trẻ, vở diễn này hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả những giây phút thư giãn vui vẻ, giàu cảm xúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ