Xiếc Việt: Đẫm xúc cảm “nhớ nguồn”

GD&TĐ - Kỷ niệm 60 năm đường Trường Sơn huyền thoại và 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng vở diễn “Ký ức Trường Sơn” tôn vinh hình tượng bộ đội Trường Sơn, lực lượng thanh niên xung phong. Đây cũng là mùa thứ hai Chương trình nghệ thuật “Đi cùng năm tháng” ra mắt khán giả tại Rạp Xiếc Trung ương (Hà Nội), kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật ánh sáng, âm nhạc, trang phục để ngôn ngữ xiếc thăng hoa.

Nghệ sĩ Bùi Thu Hương trong hoạt cảnh “Cúc ơi”
Nghệ sĩ Bùi Thu Hương trong hoạt cảnh “Cúc ơi”

Nghệ thuật xiếc thăng hoa

Chương trình “Đi cùng năm tháng 2” do NSƯT Tống Toàn Thắng viết kịch bản và dàn dựng, với sự tham gia của khoảng 90 nghệ sĩ của Liên đoàn XiếcViệt Nam.

Lấy hình tượng người lính Trường Sơn và các cô gái thanh niên xung phong làm trung tâm, chương trình gồm 12 màn trình diễn. Mở đầu là tiết mục hợp ca “Đường Trường Sơn anh qua” do các cựu chiến binh Bộ Tư lệnh Đặc công biểu diễn. Điểm nhấn của đêm diễn là hoạt cảnh “Cúc ơi” với giai điệu hai ca khúc “Cô gái mở đường” và “Cúc ơi”. Hình tượng người mẹ trong màn diễn “Huyền thoại mẹ” là điểm tựa tinh thần mạnh mẽ, là niềm thủy chung son sắt của hậu phương luôn hướng ra tiền tuyến, tiếp thêm sức mạnh cho thắng lợi cuối cùng.

Thông qua ngôn ngữ của xiếc, các nghệ sĩ trổ tài nhào lộn, uốn dẻo, thăng bằng đi dây, đu dây, sức mạnh đôi tay... tái hiện những khoảnh khắc khốc liệt của chiến tranh và hóa thân vào 10 cô gái quả cảm, anh dũng nơi Ngã ba Đồng Lộc.

Lần đầu tiên trên sân khấu xiếc có đến 9 diễn viên đu dây xuất hiện cùng lúc với 9 dải lụa đỏ, tượng trưng cho màu cờ Tổ quốc, cho dòng máu thanh xuân bay lên trong không gian. 9 dải lụa bay trên không ngóng trông, tìm gọi người đồng đội thiếu vắng của mình trở về. Lời ca khúc “Cúc ơi” tha thiết cất lên, “chị Cúc” trong bộ quần áo trắng bay ra hòa mình vào tiếng gọi, nằm giữa vòng kết của 9 dải lụa đỏ. Hoạt cảnh về 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc lãng mạn, bay bổng hẳn sẽ khiến nhiều khán giả rơi lệ.

Bên cạnh sự lãng mạn, hào hùng còn có tiết mục “Lê Anh Nuôi” lồng ghép thể loại trò khéo của xiếc để tạo sự sôi động, hài hước, đem lại tiếng cười cho khán giả. Các nghệ sĩ trong vai người lính nuôi quân sử dụng các dụng cụ nhà bếp để thể hiện kỹ thuật tung hứng, đạp chân, thăng bằng trên con lăn và những chiếc nồi, tấm ván… cộng với 4 “diễn viên lợn” sẽ đem lại sự thích thú, ngạc nhiên cho khán giả.

Tiết mục “Chiếc gậy Trường Sơn” qua phần trình diễn của nghệ sĩ Hà Bình và các nghệ sĩ trên thang lắc, dây chùng chứa đầy những yếu tố bất ngờ. Cây gậy cùng với các kỹ xảo tung hứng, thăng bằng trên dây thép đã trở thành đạo cụ ảo thuật khi thì biến hóa thành chiếc võng, thành bông hoa, chiếc mũ tai bèo hóa thành chim bồ câu hòa bình để người lính gửi tặng người yêu dấu.

Nghệ sĩ Tống Toàn Thắng trực tiếp chỉ đạo diễn xuất cũng xuất hiện trong hoạt cảnh “Tây Nguyên đại ngàn”, với tiết mục xiếc trăn nổi tiếng. Anh thủ vai tộc trưởng Tây Nguyên thực hiện màn múa lửa trong giai điệu tưng bừng mãnh liệt của “Ngọn lửa cao nguyên”. Không khí trầm hùng nơi núi rừng đại ngàn mang sức sống mãnh liệt của con người và thiên nhiên, hình tượng người chiến sĩ trong chiến tranh vẫn ngời sáng tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu thiên nhiên. Các chiến sĩ đã thuần hóa và tập luyện để các chú khỉ, trăn… góp vui trong các dịp lễ hội của buôn làng.

Nghệ sĩ Hà Bình và các nghệ sĩ với tiết mục “Chiếc gậy Trường Sơn”
  • Nghệ sĩ Hà Bình và các nghệ sĩ với tiết mục “Chiếc gậy Trường Sơn”

Bồi đắp cảm hứng cội nguồn

Người xem có thể nhận ra hình ảnh hiên ngang, tinh thần quả cảm, hy sinh quên mình vì Tổ quốc, nhưng đậm chất đời thường của người chiến sĩ đặc công, người lính biển, anh nuôi quân…; tình cảm sâu nặng giữa hậu phương và tiền tuyến, nỗi niềm đau đáu ngóng chờ của những người mẹ, người vợ nơi quê hương. Những vẻ đẹp ấy đã được chuyển tải đầy sáng tạo qua sự kết hợp nhuần nhuyễn của ngôn ngữ âm nhạc, múa với những động tác kỹ thuật điêu luyện của xiếc.

Đây cũng là một trong những chương trình hiếm hoi Liên đoàn Xiếc Việt Nam sử dụng nhạc sống và kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật. Nghệ sĩ Rơ Chăm Pheng, ca sĩ Nguyễn Hồng Ngọc thể hiện các ca khúc cách mạng cùng tốp múa và dàn nhạc của Liên đoàn Xiếc với sự tham gia nhiệt tình của Dàn hợp xướng - Bộ Tư lệnh Đặc công, CLB Doanh nhân Quý bà và các cựu chiến binh.

NSND Tạ Duy Ánh - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam phấn chấn cho biết: “Đi cùng năm tháng” được Liên đoàn Xiếc Việt Nam thực hiện lần đầu năm 2018 và là chương trình giàu tính giáo dục để kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng. Ban Giám đốc mong muốn cống hiến cho công chúng một chương trình nghệ thuật chất lượng cao, qua đó hướng các thế hệ trẻ hôm nay, trong đó có các nghệ sĩ trẻ, về cội nguồn, biết tự hào, tự tôn về truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất của cha anh”.

Diễn viên Bùi Thu Hương tâm sự: “Năm trước, tôi được lãnh đạo tin tưởng giao hóa thân vào hình tượng nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Tôi lo lắng, nhiều áp lực nhưng cũng rất vui và hãnh diện. Năm nay, với vai chị Cúc, một trong mười cô gái TNXP huyền thoại của Ngã ba Đồng Lộc… tôi càng phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn, hy vọng đưa đến cho người xem những cảm nhận chân thực nhất”.

Giống như Thu Hương, 60 nghệ sĩ tham gia chương trình đều dốc sức, tích cực tập luyện cho sự thành công của vở diễn nhưng đều tự nguyện không nhận thù lao luyện tập và biểu diễn. Toàn bộ số tiền thu được từ bán vé, tiền ủng hộ của các cá nhân và tổ chức xã hội sẽ được Liên đoàn Xiếc Việt Nam đưa vào quỹ quà tặng các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công, HSSV con em thương binh, liệt sĩ và nạn nhân chất độc da cam. Đây chính là hành động thể hiện lòng tri ân, uống nước nhớ nguồn một cách thiết thực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ