Tứ hổ Tràng An - Kỳ 2: Bút Cấm Chỉ, sĩ Thiên Lộc

GD&TĐ - Không chỉ là một danh sĩ nổi tiếng học rộng tài cao, Vũ Diệm còn là vị quan thanh liêm, một thầy giáo mẫu mực nức tiếng Thăng Long.

Đền thờ Hoàng giáp Vũ Diệm tại Can Lộc (Hà Tĩnh).
Đền thờ Hoàng giáp Vũ Diệm tại Can Lộc (Hà Tĩnh).

Là nho sĩ học giỏi nổi tiếng, Vũ Diệm thi đỗ Bảng nhãn nhưng vua ngự phê nhầm một chữ mà bị tụt xuống Hoàng giáp. Tuy vậy, danh tiếng “tứ hổ Tràng An” của Vũ Diệm ngày càng được khẳng định qua các chức quan mà triều đình nhà Lê trao phó.

Học giỏi nổi tiếng

Theo một số tài liệu sử sách như: Quốc triều đăng khoa lục, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tục biên, Đại Việt lịch đại đăng khoa, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, gia phả Võ tộc ở xã Vượng Lộc (Can Lộc – Hà Tĩnh) được ghi chép vào năm Cảnh Hưng thứ 48 – 1787, cho biết ông Vũ Diệm còn có tên là Vũ Diễm.

Vũ Diệm sinh năm Ất Dậu niên hiệu Chính Hòa thứ 26 (1705) tại làng Đông Hòa, xã Thổ Vượng, huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An, nay thuộc xóm 13, xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Xuất thân trong một gia đình nhà nho có truyền thống hiếu học và đức hạnh. Thân sinh của Vũ Diệm là cụ Vũ Văn Tuyển - đỗ đầu kỳ thi hương từ lúc còn rất trẻ. Cụ từng giữ chức Tri phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam. Về sau vua quan xét Vũ Văn Tuyển có công trong việc dạy dỗ con cái đỗ đạt cao, cho thăng lên chức Tham nghị xứ Hưng Hóa.

Là con nhà theo đường khoa cử, Vũ Diệm sớm bộc lộ trí thông minh, học nhiều biết rộng, năm lên 4 tuổi đã biết làm câu đối, 8 tuổi đã biết làm văn thơ. Thưở nhỏ, Vũ Diệm là người nổi tiếng học giỏi, được thiên hạ thời bấy giờ ca tụng hết lời. Năm 13 tuổi ông đi thi khảo hạch ở tỉnh được đỗ đầu.

Một số tư liệu còn cho biết, hồi còn nhỏ Vũ Diệm làm văn cho người đi thi. Sự việc bị phát giác, triều đình đã phải gửi trát về xã khiển trách và cấm không cho dự thi. Lớn lên theo học ở kinh đô Thăng Long, có lần trong một ngày mà ông đã làm 12 bài luận tập, và các bài thi này đều được điểm cao nhất.

Đó là năm Vũ Diệm 25 tuổi, tiếng đồn thông minh học giỏi đã lan khắp nước. Đương thời, Thăng Long có câu: Trường An tứ hổ Quỳnh - Lân - Tân - Toại. Đó là 4 người tài giỏi nổi tiếng khắp kinh kỳ – Toại là tên khác của Hoàng giáp Vũ Diệm.

Ngoài nhóm “tứ hổ” này, đất Thăng Long vào thế kỷ 17 còn có 4  danh sĩ cũng được tôn là “tứ hổ” là Nguyễn Huy Kỳ, Trần Danh Tân, Nguyễn Bá Cư và Vũ Toại.

Vũ Diệm là 1 trong tứ hổ Tràng An. Tranh minh họa.

Vũ Diệm là 1 trong tứ hổ Tràng An. Tranh minh họa.

Sĩ Thiên Lộc

Tiếng đồn Vũ Diệm học giỏi còn lan đến cả triều đình, vua Lê chúa Trịnh đã ra sắc chỉ xá tội cho ông, nhờ đó Vũ Diệm mới được đi thi. Năm Bảo Thái thứ 10 (1729) ông dự kỳ thi hương đậu đầu (giải nguyên). Năm Vĩnh Khánh thứ 4 (1732) triều đình mở khoa thi hoành từ, ông đã dự thi và đứng đầu, được bổ vào chức Thị nội, tức là người giúp việc giấy tờ ở trong phủ chúa Trịnh.

Bấy giờ ở kinh thành Thăng Long lưu truyền cửa miệng “bút Cấm Chỉ, sĩ Thiên Lộc” chính là gắn với tên tuổi Vũ Diệm. Thành ngữ ấy có nghĩa là loại bút tốt nhất chỉ có ở hàng ngõ Cấm Chỉ, còn người học trò giỏi nhất quê ở Thiên Lộc (tức Vũ Diệm).

Thiên Lộc xưa, nay là Can Lộc (Hà Tĩnh). Các nhà nghiên cứu cho rằng, Thiên Lộc là điểm tụ hội văn hóa đặc sắc ở vùng Hồng Lam. Địa danh này có nhiều di sản lẫn danh lam nổi tiếng, như chùa Hương Tích từ thời Trần, đền Phù Lưu cổ kính, rồi điệu hát ví dặm...

Thiên Lộc còn là cái nôi của “Hồng Sơn văn phái”, có nhiều người đỗ đại khoa. Trong lịch sử khoa bảng thời phong kiếm, riêng Thiên Lộc đã có 39 tiến sĩ được ghi danh vào văn bia ở Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Hiếm thấy nơi nào có những dòng họ từ đời này sang đời khác nổi tiếng về học hành, đỗ đạt, làm rạng rỡ tên tuổi xóm làng. Dòng họ Nguyễn ở Trường Lưu (xã Trường Lộc) với ba thế hệ ông - cha - con đều là những bậc tài hoa, thơ văn nổi tiếng.

Gia đình Thám hoa Nguyễn Huy Oánh - người sáng lập “Phúc Giang thư viện” và “Trường Lưu học hiệu” ở quê hương. Ðây là công trình văn hóa đồ sộ, hiếm có ở một làng quê Việt Nam, không chỉ lưu trữ hàng nghìn cuốn sách quý, là nơi tổ chức in ấn, phát hành kinh sách, mà còn là nơi dạy học, thu hút hàng nghìn sĩ tử bốn phương dùi mài kinh sử.

“Trường Lưu học hiệu” và “Phúc Giang thư viện” còn được xem là trường đại học thứ hai ở Việt Nam, sau Quốc Tử Giám. Đây chính là nơi mà Đại thi hào Nguyễn Du từ Tiên Ðiền (Nghi Xuân) nhiều lần tìm đến đọc sách, đắm mình trong lời ca tiếng hát phường vải.

Hai danh sĩ và cũng là nhà giáo nổi tiếng khác của vùng Thiên Lộc là La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ở làng Mật Thiết và Võ Liêm Sơn ở làng Phù Minh. Từ bao đời nay, vùng đất này không chỉ “nuôi chữ”, mà còn sản sinh ra nhiều vị tướng giỏi, nổi tiếng như Cao Minh Hựu, Ðặng Tất, Ðặng Dung... cùng các nhân vật có trí tuệ làm nên cơ nghiệp lớn, như Nguyễn Văn Giai, Dương Trí Trạch, Hà Tông Mục.

Vũ Diệm đỗ Bảng nhãn nhưng vua ngự phê nhầm một chữ thành đỗ Hoàng giáp. Ảnh minh họa.

Vũ Diệm đỗ Bảng nhãn nhưng vua ngự phê nhầm một chữ thành đỗ Hoàng giáp. Ảnh minh họa.

Thầy giáo “người nhà Trời”

Vũ Diệm đứng đầu nhóm tứ hổ Tràng An, gồm Nguyễn Bá Lân, Nhữ Đình Hiền và Nguyễn Công Thái. Đây là nhóm bốn người tài năng lỗi lạc bậc nhất Thăng Long xưa. Họ đều là những danh sĩ xuất hiện vào thế kỷ 17, thi cử đỗ đạt cao, phục vụ dưới thời nhà Lê và lập được công lao lớn cho triều đình.
Bia đá tiến sĩ thời nhà Lê ghi danh Hoàng giáp Vũ Diệm.
Bia đá tiến sĩ thời nhà Lê ghi danh Hoàng giáp Vũ Diệm.

Năm Vĩnh Hựu thứ 5 (1739) đời vua Lê Ý Tông, Vũ Diệm dự kỳ thi hội được xếp thứ nhì. Đến kỳ thi đình sau đó, quan chấm quyển tính điểm tâu xin lên vua ban cho Vũ Diệm vào hạng Đệ nhất giáp Đệ nhị danh (tức Bảng nhãn).

Nhưng khi vua cầm bút ngự phê thì sơ ý ghi nhầm thành: Đệ nhị giáp, Đệ nhất danh, tức là Hoàng giáp – tụt mất một bậc so với nhất giáp (nhất giáp là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám khoa - nhị giáp là Hoàng giáp).

Khi nghe tin, cả triều đình, bạn hữu đều tiếc cho Vũ Diệm. Về sau khi biết rõ sự nhầm lẫn trên, nhà vua đã sữa chữa lỗi lầm bằng cách tặng cho ông đôi câu đối sơn son thiếp vàng để an ủi: Tam khoa thủ cứ khai tiền tích/Nhị giáp cao đề khả hậu tri. Nghĩa là: Thi đậu cả 3 kỳ thi, mở ra một con đường trước/Tên tuổi của Hoàng giáp được đề rõ ở chốn cao để cho hậu thế đều biết.

Sau khi thi đậu, Hoàng giáp Vũ Diệm đã được triều đình nhà Lê giao nhiều trọng trách quan trọng từ Hàn Lâm viện biên tu đến Đông các Học sĩ, Đại lý tự khanh, Đốc đồng xứ Kinh Bắc, Võ tướng công…

Là người có kiến thức sâu rộng, kiến văn thông suốt nên dù nhận chức quan nào, Vũ Diệm cũng được lời khen. Khi làm thầy giáo, ông được mệnh danh là “người nhà Trời” bởi sức dạy không biết mệt mỏi, học trò có nhiều người đỗ đạt cao và làm quan thanh liêm.

Khi cầm quân đi đánh giặc, Vũ Diệm dùng tài năng, đức độ và chiến lược “tâm công” (đánh vào lòng người) để cảm hóa quân thù. Cách đánh giặc của Vũ Diệm giành thắng lợi mà không phải tốn một mũi tên hòn đạn, không phải đổ máu khiến cho đối phương cũng phải khâm phục.

Vũ Diệm mất vào ngày 12/10 âm lịch (không rõ năm) khi đang làm việc tại nhiệm sở. Vua Lê chúa Trịnh và người dân Thăng Long thương tiếc mất đi một người tài. Vua Lê đã tổ chức tang lễ cho Hoàng giáp Vũ Diệm, thi hài ông được táng tại quê nhà Thiên Lộc. Đồng thời, triều đình cũng cấp ruộng nghĩa điền 10 mẫu để hàng năm phục vụ tế lễ ông.

Sau khi Hoàng giáp Vũ Diệm mất, triều đình nhà Lê cũng gia tặng ông chức Đặc tiến kim tử Vinh Lộc Đại phu, Đại lý tự khanh, tước Hồng Lĩnh Bá, được xếp vào loại công thần bậc nhất (trụ quốc thượng trật).

“Tứ hổ Tràng An” Vũ Diệm không chỉ là một vị quan thanh liêm cần mẫn, từng trải nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy của chính quyền thời Lê, mà ông còn là một nhà giáo mẫu mực có uy tín lớn trong giới giáo dục.

Hiện nay, tại xã Vượng Lộc quê hương của Hoàng giáp Vũ Diệm có một ngôi trường THCS mang tên ông. Nhà thờ danh nhân Vũ Diệm cũng đã được xếp hạng di tích, thu hút khách phương xa – đặc biệt là học sinh, sinh viên đến thắp hương tưởng nhớ đến một người tài nước Nam, một “tứ hổ” của đất Tràng An kinh kỳ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.