Trùng tu hay phá hoại?

GD&TĐ - Trong quá trình di chuyển để thi công tu bổ chùa Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên - Bắc Giang) tấm bia đá từ thế kỷ 17 gãy ra làm đôi.

Hình ảnh phương pháp di chuyển sai khiến tấm bia đứt gãy làm đôi.
Hình ảnh phương pháp di chuyển sai khiến tấm bia đứt gãy làm đôi.

Sự việc trên đã và đang gây xôn xao giới bảo tồn di tích và những người yêu mến di sản. Đặc biệt, trên các hội nhóm mạng xã hội về chùa Việt, hình ảnh tấm bia đá gãy đôi cùng những mảnh nhỏ được đăng tải khiến nhiều người đặt câu hỏi về chất lượng trùng tu.

Theo hình ảnh được lan truyền, tấm bia tứ diện được buộc dây quấn ngang, phía đế không có dây đỡ nên khi cần cẩu nhấc lên đã khiến tấm bia đá bị đứt gãy thành 2 khúc.

Dự án tu bổ, tôn tạo chùa Thổ Hà được khởi công vào tháng 12/2019. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Việt Yên làm chủ đầu tư và giám sát công trình. Đơn vị thi công là Công ty cổ phần Bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc Việt.

Sau khi xảy ra sự cố, đơn vị thi công đã tạm dừng công việc dịch chuyển. Các đơn vị chức năng tỉnh Bắc Giang có mặt tại hiện trường khảo sát, kiểm tra lập biên bản xác nhận và cùng đưa ra giải pháp khắc phục đối với tấm bia.

Tấm bia bị vỡ thuộc loại bia tứ diện (trán bia cao 78cm; thân bia cao 115cm, rộng 75cm; đế bia cao 5cm, rộng 93cm), tạo tác bằng chất liệu đá xanh, niên hiệu Vĩnh Trị năm thứ 4 thời vua Lê Hi Tông (1679).

Việc dịch chuyển bia đá được cho là phục vụ nâng nền khuôn viên chùa, được chủ đầu tư, đơn vị thi công và ban giám sát cộng đồng địa phương thống nhất. Tuy nhiên, các bên đã không đánh giá hết hiện trạng của tấm bia nên đã để xảy ra sự cố.

Hiện, huyện Việt Yên đang xem xét nguyên nhân và xử lý trách nhiệm những tập thể, cá nhân liên quan. Sở VH-TT&DL Bắc Giang đã làm báo cáo và gửi lên Bộ VH-TT&DL để xin ý kiến chỉ đạo.

Thực ra, từ lâu việc trùng tu rồi làm hỏng di tích không còn là điều lạ. Cũng giống như việc phục chế tranh, biến tác phẩm nghệ thuật thành sản phẩm lỗi. Kiệt tác hội họa sơn mài “Vườn Xuân Trung - Nam - Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí là ví dụ điển hình khi bị vệ sinh bằng nước rửa chén.

Đã có quá nhiều bài học trong việc trùng tu di tích, nhưng những công trình cổ bị trùng tu sai, những tác phẩm trùng tu hỏng từ những nguyên nhân rất không đâu. Chưa trùng tu thì di tích còn đó, trùng tu mà như xâm hại khiến cho di tích “sứt đầu mẻ trán” thì khác gì… phá hoại.

Trùng tu di tích không chỉ phải đúng quy định, đủ chuyên môn mà còn tâm huyết. GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính từng chia sẻ: Nghề trùng tu di tích là nghề chữa bệnh đặc biệt, mỗi di tích là một loại bệnh cần phải chữa riêng. Trùng tu di tích không phải là làm mới, mà sau mỗi lần trùng tu, di tích trông vẫn phải “già” như cũ, nhưng khỏe và bền hơn, thì mới đạt yêu cầu.

Trùng tu không chỉ là sửa chỗ hỏng, mà là khôi phục nguyên trạng những chỗ đã hỏng, mất, mới nhưng vẫn phải “cũ”, sửa nhưng vẫn phải “cổ”. Ở nhiều công trình, các chuyên gia phải dành rất nhiều công sức để phối hợp với thợ thủ công tìm phương án bảo tồn hiệu quả và chính xác theo nguyên bản.

Nhìn lại tấm bia cổ từ năm 1679 của chùa Thổ Hà bị đứt gãy làm đôi, ai mà không xót xa. Nhưng đến lúc này thì chuyện đã rồi, gương vỡ không thể nào lành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Mai Vân và trẻ cùng khám phá môi trường thú vị bên ngoài không gian lớp học. Ảnh: TG

Không gian khám phá ngoài lớp học

GD&TĐ - Không chỉ trong lớp học, trẻ cần được khám phá thiên nhiên ở ngoài lớp học để thỏa sức sáng tạo, góp phần phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.

TS Trương Quang Bình giới thiệu về công nghệ chế biến và bảo quản nước trái cây cô đặc bằng áp suất cao.

Nước giải khát từ trái cây cô đặc

GD&TĐ - Công nghệ cô đặc trái cây thành nước giải khát mà giữ nguyên hương vị thơm ngon, chất lượng không đổi là nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam...