Lấp khoảng trống trong văn học thiếu nhi

GD&TĐ - Đề tài thiếu nhi vốn là khoảng trống rất lớn trong đời sống văn học Việt Nam. Không chỉ vậy, sự thiếu vắng những cây viết thiếu nhi cũng từng là dấu hỏi lớn cho tương lai văn học nước nhà.

Thời gian gần đây, nhiều tác giả đã dồn sức viết về đề tài thiếu nhi.
Thời gian gần đây, nhiều tác giả đã dồn sức viết về đề tài thiếu nhi.

Những khoảng trống dù chưa được lấp đầy, những cây viết nhỏ tuổi dù chưa thực sự xuất sắc. Nhưng từ những giải thưởng văn học, từ những cuốn sách mới được phát hành, cho thấy những tín hiệu tươi sáng của tương lai văn học Việt.

Thiếu nhi “đói” sách văn học

Vì sao trong nền văn học Việt Nam lại có một khoảng trống lớn về đề tài thiếu nhi, trong khoảng thời gian dài đến vậy? Câu hỏi này không dễ để trả lời, nhưng không quá khó để lý giải căn nguyên một số vấn đề dẫn tới thực trạng này.

Đầu tiên là trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển nở rộ, các hình thức giải trí đi kèm vô cùng phong phú khiến văn hóa đọc của thiếu nhi bị thu hẹp đáng kể. Thứ hai, với các cây bút trẻ đang ở độ tuổi khao khát thể hiện mình, văn học thiếu nhi chưa “xứng tầm” để họ khẳng định tài năng.

Ở một phương diện khác, quan niệm văn học thiếu nhi chỉ là “chiếu dưới”, thậm chí là “không chính thống” khiến nhiều nhà văn vốn sở trường viết về đề tài thiếu nhi hụt hẫng, dần rời bỏ. Thứ ba, khi xuất hiện đối tượng độc giả mới với nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ khác, không ít người viết tỏ ra lúng túng trong việc lựa chọn phong cách và hình thức trình bày phù hợp.

Ngoài ra, một số tác phẩm vẫn còn nặng tính chất hoài cổ, giáo huấn, chưa bắt kịp tinh thần, tâm lý thời đại, khiến độc giả nhí cảm thấy xa lạ. Và cuối cùng, việc đầu tư quảng bá, truyền thông của các nhà xuất bản hay đơn vị phát hành sách cho văn học thiếu nhi còn nhiều hạn chế.

Một thực trạng đáng buồn nữa, phát xuất từ chính các biên tập viên, những người làm sách và bản thân mỗi nhà xuất bản. Một nhà phê bình từng than thở rằng, ông từng có tham luận đề cao đóng góp của nhà thơ cho mảng thơ thiếu nhi.

Người phụ trách biên tập đọc xong, lắc đầu: “Khen gì không khen sao lại khen thơ thiếu nhi?”. Câu nói đó cứ găm vào đầu các nhà phê bình văn học và trở thành nỗi ám ảnh mang tính định kiến.

Một số nhà phê bình nhận ra, chính giới văn chương đã “góp phần” làm cho khoảng trống về đề tài thiếu nhi thêm sâu rộng. Vì thái độ không coi trọng văn học thiếu nhi, vì sự hờ hững coi người viết về mảng đề tài này chỉ là “chiếu dưới” đã dẫn tới thực trạng đáng buồn nói trên.

Theo một số thống kê, dân số Việt Nam dưới tuổi 15 rất đông đảo nhưng lại “đói” sách văn học dành cho lứa tuổi của mình. Đội ngũ viết văn chuyên nghiệp có cả vạn người, nhưng rất ít viết cho thiếu nhi. Vậy nên suốt bao năm qua, Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn duy nhất dồn toàn bộ tâm sức sáng tạo cho mảng đề tài này.

Còn nội tại các nhà xuất bản (trừ NXB Kim Đồng), đa phần các đơn vị làm sách không thích đầu tư in ấn các tác phẩm văn học thiếu nhi bằng sách kỹ năng sống, sách rèn luyện tư duy, sách lịch sử… Đa phần sách thiếu nhi hiện nay đều dịch từ nước ngoài, với những lợi thế về thời gian và lợi nhuận.

Cao Khải An – tác giả 12 tuổi được trao giải Khát vọng Dế Mèn năm 2020.

Cao Khải An – tác giả 12 tuổi được trao giải Khát vọng Dế Mèn năm 2020.

Tín hiệu vui từ các tác giả trẻ

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, giải Dế Mèn năm nay có 6 tác phẩm dự thi của các em thiếu nhi vượt qua vòng sơ loại. Trong đó có 2 bản thảo tiểu thuyết thuộc thể loại fantasy dày khoảng 200 trang của một em học sinh lớp 3 và một em học sinh lớp 6. Các sáng tác đó là tín hiệu rất đáng mừng cho văn học thiếu nhi và văn học Việt Nam trong tương lai.

Trong khi các nhà văn chuyên nghiệp chưa gạt bỏ tâm lý xem đề tài thiếu nhi là “chiếu dưới’, thì bản thân những cây viết thiếu nhi đã tự khẳng định tầm quan trọng của mảng văn học này.

Một số tác giả nổi bật như Cao Khải An (sinh năm 2009 – con trai nhà văn Nguyễn Ngọc Tư) với tác phẩm “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Ðồi Rơm”, từng đoạt giải Khát vọng Dế Mèn lần thứ nhất năm 2020. Cao Việt Quỳnh (sinh năm 2008) với tác phẩm “Người sao Chổi”.

Trong tháng 6/2021, giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 2 có 118 tác phẩm gửi dự thi hoặc được đề cử. Ban sơ khảo đã chọn được 16 tác phẩm tiêu biểu lọt vào vòng chung khảo, trong đó có 8 tác phẩm văn học (gồm cả truyện tranh), 2 tác phẩm mỹ thuật, 3 bộ/series phim và 3 tác phẩm âm nhạc.

Một mùa giải Dế Mèn khép lại, dù không có giải “Hiệp sĩ”, nhưng những tác phẩm giành giải Khát vọng Dế Mèn là những dấu ấn rất đậm nét trong bức tranh nghệ thuật thiếu nhi.

Bộ sách tranh 4 cuốn “Khác biệt mới tuyệt làm sao” (gồm: Chú nhỏ ôm giấc mơ tiên, Nàng rồng khè ra trà sữa, Lão ma cà rồng cuồng cà rốt, Nhóc kỳ lân mọc sừng búa đẽo) do một tác giả 9X - Nguyễn Hoàng Vũ, sinh năm 1993 viết lời, cùng 4 họa sĩ đã được Ban giám khảo trao giải Khát vọng Dế Mèn.

Nhìn nhận rộng trong lĩnh vực văn học kén độc giả nhí chính là thơ cũng đang rút ngắn khoảng cách với người đọc. Điều này thể hiện qua các tác phẩm như: Ra vườn nhặt nắng (Nguyễn Thế Hoàng Linh), Gõ cửa nhà trời (Bảo Ngọc), Gia tài của bố (Đức Phạm).

Đồng thời, sự xuất hiện của tập truyện “Công chúa Kem Dâu” và “Kem Dâu trúng lời nguyền” (Vân Vũ), Trẻ thượng nguồn (Bùi Cẩm Linh) cho thấy, tác giả trẻ đã khai thác tốt các yếu tố hấp dẫn độc giả nhỏ tuôi.

Từ những tác phẩm văn học của thiếu nhi hay những cây viết trẻ đầy nghiêm túc đã và đang đánh thức sức sáng tạo để khỏa lấp khoảng trống về đề tài văn học thiếu nhi.

Trong tương lai không xa, chính những cây viết nhỏ tuổi sẽ là những lực lượng chính viết cho bạn đọc lứa tuổi mình. Đó cũng là hạt giống tương lai giúp cho nền văn học Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ