Đây là cuốn sách mang trong mình những sự thật vừa trần trụi, đớn đau, vừa như cổ tích với ngọn lửa nhân văn, ấm áp của biết bao người. Điều đó cho thấy sức lan tỏa, thuyết phục độc giả không phải là sự hư cấu mà chính là những câu chuyện rất đời.
Sức hấp dẫn từ câu chuyện thật
Cuốn sách “Hành trình yêu thương - Nhật ký Thiện Nhân” không hề được viết ra để trở thành một xuất bản phẩm. Nó chỉ là những ghi chép đời thường của mẹ Mai Anh và bà ngoại Kim Anh. Trong số đó, có những chi tiết quan trọng trong cuộc điều trị của Thiện Nhân - đứa bé mang số phận đặc biệt.
Và để lưu giữ lại hành trình này, chị Trần Mai Anh đã ghi chép nó dưới dạng nhật ký đơn giản và trung thành với sự thật. Những câu chuyện được viết ra, kể lại bằng trái tim của người mẹ bao la và dịu ngọt với độ dài ngắn khác nhau: Có chuyện chỉ vài dòng, có chuyện dài vài trang… nhưng trên hết đó là những dòng viết bình dị của một người mẹ như bao người mẹ đang nuôi con khác với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Việc Giải thưởng Sách hay tôn vinh một cuốn sách thiếu nhi có nội dung hoàn toàn sự thật là một sự ghi nhận của thể loại nhật ký. Một câu chuyện thật hay một câu chuyện hư cấu đều có khả năng khiến người ta xúc động. Nhưng những xúc cảm dành cho câu chuyện thật mang tính nhân văn là điểm tựa để niềm tin đứng vững.
“Hành trình yêu thương” cũng nhen nhóm lên hy vọng sẽ khơi thông trở lại dòng chảy văn học đặc biệt này, để trẻ nhỏ có thêm nhiều cánh cửa mở vào thế giới tâm hồn.
Cần tạo cú hích mới
Gần đây, các giải thưởng tác phẩm viết cho thiếu nhi gây được tiếng vang những năm như “Cả làng biết bay” (nhà văn Thu Trân, Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM 2013), “Mật ngữ rừng xanh” (nhà văn Lê Hữu Nam, Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM 2015). “Cuộc phiêu lưu kỳ thú của chú ếch xanh”... của nhà văn Lê Hữu Nam góp phần tạo nên những “cú hích” ở mảng sách văn học thiếu nhi trong nước.
Tuy nhiên, các giải thưởng về tác phẩm viết cho thiếu nhi cũng chỉ được xem là những tác phẩm bộc phát của các tác giả chứ không phải dòng sáng tác chủ yếu của họ. Nếu phải điểm danh đội ngũ nhà văn chuyên sáng tác cho thiếu nhi trong nước chỉ có vỏn vẹn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là thường xuyên có tác phẩm mới.
Hầu hết những tác giả viết cho thiếu nhi được xuất bản vừa qua đều là những tay ngang, thi thoảng nhảy qua viết một vài tác phẩm thiếu nhi để tự làm mới chính mình. Thực trạng thiếu người viết, thiếu tác phẩm luôn được xem là trở ngại lớn nhất cho sự phát triển văn học thiếu nhi Việt Nam những năm gần đây.
Văn học thiếu nhi là mảnh đất màu mỡ, đầy tiềm năng để gieo trồng những hạt giống tốt. Độc giả nhí có số lượng khá đông đảo, trong khi các bậc phụ huynh luôn mong muốn nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ những tác phẩm văn học trong sáng, đúng tâm lý lứa tuổi, giàu tính nhân văn.
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn học, viết cho thiếu nhi là lựa chọn không đơn giản. Làm thế nào để hấp dẫn, lôi cuốn trẻ em trở về say sưa với những trang văn thấm đẫm chất Việt mang sức sống của thời hiện đại luôn là thách thức lớn.
Và để trang sách ấy chạm đến những tâm hồn thơ ngây, khơi dậy được trí tưởng tượng, niềm ham thích tìm tòi, khám phá của các em lại càng khó hơn.
Để làm được điều này, bản thân tác giả phải đối diện với trang viết và chỉ có lòng đam mê mãnh liệt, sự dấn thân, cống hiến hết mình và tài năng thật sự. Hy vọng trong tương lai, chúng ta sẽ có nhiều những tác phẩm đáp ứng được kỳ vọng của độc giả nhỏ tuổi.