Khoảng trời tình yêu trong vườn thơ Nguyễn Khoa Điềm

GD&TĐ - Khi bước vào thế giới tình yêu, mỗi lứa đôi đều có một bầu trời riêng cho mình.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Khi nhà em ở phía Đông
Mỗi ban mai, mặt trời hồng chỗ em  
Tưởng như em đó, bên thềm
Hồng hào chải mái tóc mềm xuống vai.

Lòng anh bát ngát ngày dài
Mênh mông hoa lá mang hoài nắng em.
Hỡi người con gái dịu hiền
Hóa thân làm mặt trời bên cuộc đời

Yêu em, yêu cả khoảng trời
Sương giăng buổi sớm, nắng dời chiều hôm
Tháng Tư giông bão bồn chồn
Hạt mưa vây ấm nỗi buồn cách xa…

Phía em, phía của quê nhà
Trắng là tóc
 mẹ, xanh là áo em
Anh đi kháng chiến trăm miền
Hướng dương thương nhớ vẫn nghiêng phía này.

Tháng 6/1970
(Khoảng trời yêu dấu - Đất ngoại ô).

Thì xưa nay, trời đất vẫn là trời đất chung của cả muôn người. Chỉ khi nào ở trên một xứ sở nhất định thì đó là trời đất của xứ sở ấy. Nhưng trong thế giới tình yêu thì không thế, có khi trời tình là vô hạn:

“Chiều nay nàng bắt được giời xanh

Đọc xong bẩy chữ thì thương lắm

Vạn lý tương tư vũ trụ tinh...”.

Nguyễn Bính

Nhưng cũng có khi nó bị thu lại trong một khoảng không gian hẹp như “Khoảng trời yêu dấu” của Nguyễn Khoa Điềm chẳng hạn. Khi bước vào thế giới tình yêu, mỗi lứa đôi đều có một bầu trời riêng cho mình. Có khi là sự đồng thuận với bầu trời chung.

Ngoài trời kia trăng sao vằng vặc, làm cho trời tình của ai đó thêm mộng thêm mơ, nhưng ngược lại với ai đó thì lại là sự trớ trêu đến bẽ bàng. Cũng có khi trời ngoài kia là mưa gió, bão giông, nhưng trong trời tình vẫn rực rỡ muôn ánh sao lấp lánh. Hoặc trời ngoài kia chang chang nắng, nhưng trong trời tình của ai đó lại là mưa dầm gió bấc, cuồn cuộn những mây đen.

Mà đã là bầu trời riêng của tình yêu thì bao giờ cũng có mặt trời và trăng sao riêng của nó. Chẳng thế mà trong trời tình của Nguyễn Khoa Điềm lại dựng lên một mặt trời em:

Khi nhà em ở phía Đông

Mỗi ban mai, mặt rời hồng chỗ em

Câu thơ mở đầu thật thà quá, hóa thừa. Bởi mặt trời của tình yêu, đâu có cần nhà người yêu phải ở phía Đông và mỗi ban mai thì em mới hóa thành mặt trời. Bất kì ở không gian nào và bất kì thời gian nào, em cũng là mặt trời tỏa sáng trong anh.

Hình ảnh mặt trời hồng chỗ em, là cách nói xa xôi bóng gió, khi nhà thơ không muốn nói một cách trực tiếp: Em là mặt trời hồng mỗi buổi sớm mai. Cái hư và cái thực ở trong thơ, nhiều khi không có ranh giới rõ ràng như trong mấy câu thơ này:

Tưởng như em đó, bên thềm

Hồng hào chải mái tóc mềm xuống vai.

Mỗi ban mai, mặt trời hồng buông xõa những sợi tóc tóc vàng ánh kim xuống vai Trái đất, mà chàng trai lại tưởng như em, chải mái tóc mềm xuống vai, thì thật là sự liên tưởng lạ lùng. Qua sự liên tưởng này, hình ảnh người yêu bỗng trở nên lớn lao, với vẻ đẹp rực rỡ, không khác nào mặt trời. Và dưới cái ánh sáng của mặt trời em ấy, tâm hồn anh đã hóa nắng:

Lòng anh bát ngát ngày dài.

Bát ngát là từ thường dùng để diễn tả một cái gì đó không xác định được. Trong câu thơ này dùng để diễn tả thời gian dài không giới hạn. Nghĩa là cái ánh nắng tình em đã phá vỡ quy luật về thời gian, để cho anh sống trong ngày tình dài vô hạn.

Có khi ngoài kia là đêm đấy, nhưng anh thì vẫn cảm thấy mình đang sống trong ánh ngày của tình yêu từ mặt trời em tỏa sáng.

Cho nên: Mênh mông hoa lá mang hoài tình em. Trong lòng người làm gì có hoa lá, mà ở đây lại còn mênh mông như trên cánh đồng rộng lớn vậy. Thực ra đó chỉ là cách dùng hình tượng cụ thể, để cho ta thấy được niềm vui phơi phới của lòng người, khi bắt gặp ánh sáng của tình yêu đó thôi.

Đến đây, có lẽ hồn thơ đã rung lên vì xúc động, nên đang từ những hình ảnh ẩn dụ, xa xôi, bóng gió, bỗng đột ngột bật lên thành tiếng gọi trực tiếp, thiết tha, tự hào, ngợi ca:

Hỡi người con gái dịu hiền

Hóa thân làm mặt trời bên cuộc đời.

Ca ngợi người yêu, có lẽ không còn hình ảnh nào có thể vượt lên được hình ảnh này của Nguyễn Khoa Điềm. Vì nói đến mặt trời là nói đến tầm vóc vĩ đại trong không gian; là nói đến sức mạnh xua tan bóng tối và đem đến sự sống cho Trái đất.

Nói đến mặt trời, cũng là nói đến vẻ đẹp chói chang rực rỡ, tô điểm cho cỏ cây hoa lá, đất trời. Tất nhiên mặt trời Em ở đây được dùng với ý nghĩa hạn hẹp hơn, đó là mặt trời trong thế giới tình yêu, tỏa sáng bên cuộc đời của người tình. Hình ảnh mặt trời và khoảng trời luôn biến hóa, khi thực khi hư ảo:

Yêu em yêu cả khoảng trời

Sương giăng buổi sớm, nắng dời chiều hôm

Khoảng trời đây là không gian thực mà người mình yêu thường đi về trong đó có sương sớm, có nắng chiều. Sương và nắng, không chỉ là cảnh sắc thiên nhiên làm nền, để vẽ nên bức chân dung của người tình trong trí tưởng mà còn là những vẻ đẹp mà em nếm trải, là trở lực mà em phải vượt qua như:

Tháng Tư giông chuyển bồn chồn

Hạt mưa vây ấm nỗi buồn cách xa.

Trong tâm cảm của chàng trai, người yêu không chỉ đi trong nắng sớm, mưa chiều, bão giông mà còn đi trong nỗi buồn xa cách, nhớ thương người mình yêu. Hình như mỗi bước em đi là mỗi bước anh dõi theo em và em như đi trong lòng anh vậy. Đây là biểu hiện của một tấm lòng cảm thông và yêu thương sâu nặng lắm, đến mức “yêu nhau yêu cả đường đi, lối về”.

Tình yêu thật sâu nặng nhưng không vị kỉ mà gắn liền với một tình cảm lớn lao hơn, đó là tình yêu quê hương:

Phía em, phía của quê nhà

Trắng là tóc mẹ, xanh là áo em

Tóc trắng của mẹ già từng trảỉ qua sương nắng, áo xanh của em ánh lên màu hi vọng, là hai điểm nhấn trong tình cảm mà chàng trai luôn hướng về. Hướng về mẹ và em cúng là hướng về quê hương. Mẹ và em như đã đồng nhất với quê hương.

Bài thơ khép lại bằng hình ảnh ẩn dụ: Hoa hướng dương, đã tạo nên một kết cấu hoàn chỉnh, nhất quán của hình tượng thơ:

Anh đi kháng chiến trăm miền

Hướng dương thương nhớ

vẫn nghiêng phía này.

Em là mặt trời thì anh phải là hoa hướng dương, luôn hướng về mà bộc lộ cho hết mọi hương thơm sắc thắm của tình yêu thương nhớ, chung thủy. Đây là một cặp hình ảnh mang tính chất sóng đôi, hô ứng mà ta thường bắt gặp trong thơ ca nghệ thuật.

Bài thơ Khoảng trời yêu dấu của Nguyễn Khoa Điềm, cũng là một bông hoa hướng dương bất tử trong bầu trời của thế giới tình yêu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.