Vườn thơ: Thắng cảnh Tây Hồ trong vườn thơ ca dân gian

GD&TĐ - Thắng cảnh hồ Tây, Hà Nội là nguồn cảm hứng dào dạt mênh mang cho thơ ca, nghệ thuật. Đặc biệt trong lĩnh vực thi ca, từ xưa tới nay, đã có hàng nghìn bài thơ ca tụng cảnh đẹp có một không hai này, nhưng hầu như không có bài nào trùng lặp.

Hồ Tây, Hà Nội là nguồn cảm hứng dào dạt mênh mang cho thơ ca, nghệ thuật.
Hồ Tây, Hà Nội là nguồn cảm hứng dào dạt mênh mang cho thơ ca, nghệ thuật.

Vì vẻ đẹp hồ Tây là một vẻ đẹp phong phú, đa dạng về cảnh sắc thiên nhiên và cảnh sống quanh hồ. Đối với mỗi tao nhân mặc khách, hồ Tây lại đem đến cho họ một vẻ đẹp riêng, cho nên mỗi bài thơ là một hồ Tây biến hóa khôn lường.

Bài ca dao về hồ Tây trên đây, không biết có từ bao giờ, nhưng vẻ đẹp của nó đã đi sâu vào lòng người, nên được lưu truyền trong dân gian một cách rộng rãi, vượt lên sức mạnh tàn phá của thời gian và vượt qua ranh giới của mọi không gian.

Có lẽ vì thế mà bài ca có nhiều dị bản và được vận dụng phù hợp với từng địa phương. Đến với xứ sở của sông Hương, núi Ngự, ta thấy bài ca đã được thay đổi địa danh từ Trấn Vũ, thành Thiên Mụ:

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên mụ canh gà Thọ Xương.

Trong không gian hạn hẹp của kinh thành Hà Nội xa xưa, hồ Tây nằm ở vị trí phía Tây của thành phố, mà nhà thơ Nguyễn Công Trứ đã có lần ca ngợi:

“Cảnh Tây Hồ khen ai khéo đặt,

Trong thị thành một áng lâm tuyền…”.

Hồ Tây

Đang đi giữa những phố phường chật hẹp, đông đúc, chen chân tưởng như khó thở, bỗng nhiên mở ra một vùng trời rộng bát ngát, mênh mang:

Hồ Tây riêng chiếm một bầu trời

Phong cảnh xa nhìn tự thảnh thơi…”.

(Tức cảnh hồ Tây, thơ xướng họa của chúa Liễu Hạnh).

Cho nên khi sắp bước chân đến bên hồ, du khách thường cảm thấy sự phóng khoáng, dễ chịu với ngọn gió từ đâu đó thổi tới. Chẳng thế mà mở đầu bài ca, tác giả dân gian đã đem đến cho ta ấn tượng về ngọn gió Tây Hồ:

Gió đưa cành trúc la đà

Gió là hiện tượng thiên nhiên vô hình, nhưng nhờ có hình ảnh cành trúc mà ta thấy được ngọn gió ban mai của Tây Hồ. Đây là ngọn gió hơi mạnh, nên mới “đưa” đẩy cành trúc, rạp xuống gần sát đất.

Cái hàm súc của thơ ca dân gian là chỉ gợi về cành trúc mà ta thấy được gió và qua gió ta lại thấy cả sự chuyển động của trúc bên hồ. Vẫn trong ngọn gió sớm mai ấy ta nghe vang vọng những âm thanh của cuộc sống ven hồ lan tỏa:

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương

Đây là những thanh âm quen thuộc mở ra một ngày mới, trên đất nước Việt Nam này, nơi nào mà chẳng có. Tiếng gà gáy là âm thanh của cuộc sống dân dã, giục giã những nông phu trở dậy ra đồng với con trâu, cái cày.

Còn tiếng chuông đền chùa là âm thanh mang trong nó một cái gì thiêng liêng, thức tỉnh những tín đồ Phật giáo bước vào cuộc tụng niệm, cho hồn người vào cõi từ bi.

Tuy vẫn là những thanh âm quen thuộc ấy, nhưng ở Tây Hồ, lại có một âm sắc riêng. Đó là tiếng vang vọng của những trang âm, được sự cộng hưởng của mặt nước hồ, cùng với gió sớm, đưa đẩy, ngân nga khắp cả một vùng trời nước mênh mang. Như vậy, hồ Tây đã được cảm nhận qua sự lắng nghe.

Nếu như tiếng gà gáy, và tiếng chuông đền chùa là âm thanh giáo đầu cho bản giao hưởng, thì nhịp chày Yên Thái giã gió, lại là những khúc nhạc diễn tả không khí lao động sôi nổi, tiếp nối của cuộc sống ven hồ. Âm thanh, đâu chỉ là âm thanh mà sau nó là cả một thế giới hình ảnh phong phú của Tây Hồ, ẩn hiện thấp thoáng,

Xen kẽ vào hình thức gợi kể về âm thanh là một vài hình ảnh thị giác được gợi tả:

Mịt mù khói tỏa ngàn sương

Buổi sớm, hơi nước từ mặt hồ bốc lên, gặp hơi lạnh, ngưng tụ lại thành một màu sương khói, được ví như rừng sương vậy. Nhưng nếu đặt hình ảnh này bên hình ảnh gió đưa cành trúc la đà, thì ta lại thấy có sự mâu thuẫn. Bởi, nếu đã có gió mạnh, thì sương phải tan, chứ làm gì còn cái cảnh mịt mù khói tỏa? (Cũng có dị bản, không phải là hình ảnh ngàn sương mà là cành sương, thì lại càng phi lý. Bởi khi cành cây đung đưa thì những giọt sương không thể đậu trên cành được). Hình ảnh mịt mù khói tỏa này cũng đối lập với hình ảnh mặt gương Tây Hồ, trong câu kết thúc bài ca:

Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.

Vì đã là mịt mù khói tỏa thì là sao lại có thể thấy được mặt nước hồ trong sáng như gương?

Từ những hình ảnh mang tính nghịch lý đó mà nảy sinh nhiều ý kiến khác nhau về nghệ thuật của bài ca dao. Có ý cho rằng, tác giả dân gian đã tả cảnh buổi sớm Tây Hồ, đang phát triển theo trật tự thời gian, từ đêm ra ngày; từ khi có gió đến khi gió tắt; từ lúc mặt hồ đầy sương, đến khi sương tan. Nếu thế thì bài ca như một cuốn phim thể hiện cảnh sắc hồ trong suốt quá trình vận động lâu dài.

Lại có ý kiến cho rằng: Tác giả đã sủ dụng bút pháp tổng hợp, chọn những cảnh sắc khác nhau, ở những thời điểm khác nhau, tập hợp lại để cho người đọc nhận diện được cảnh Hồ Tây một cách toàn diện, như cảnh trong bài thơ “Thu vịnh” của Nguyễn Khuyến. Có thể là như thế chăng?

Nhìn tổng thể, thì bài ca dao này không đặc tả cảnh hồ Tây như những bài thơ khác:

“…Cảnh Tây Hồ khen ai khéo đặt

Trong thị thành riêng một áng lâm tuyền…

Đồ thiên nhiên một áng yên ba

Dễ khiển hứng câu thơ chén rượu

Buồm nửa lá trăng thanh gió dịu

Chiền đâu đâu một tiếng chuông rơi

Tây Hồ cảnh biết mấy mươi”.

Hồ Tây, Nguyễn Công Trứ

Tây Hồ, trong bài ca dao này, chỉ là một nét thoáng qua, được nhận diện qua hình thức so sánh; mặt gương Tây Hồ, thế thôi.

Hồ Tây ngày 22/10/2019.

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ.

(Ca dao cổ)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.