Điệu hồn của một cái tôi trữ tình cá thể hóa
Tương tư là điệu hồn của một cái tôi trữ tình cá thể hóa với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau của hồn thơ lãng mạn - vốn là sản phẩm đặc thù của thời đại thơ Mới. Điệu hồn ấy hòa vào bản hợp tấu đồng quê để ngân lên giai điệu êm ả, trong trẻo như hát ru. Mở đầu thi phẩm lời yêu cất lên rụt rè, khiêm tốn, ý nhị nhưng chan chứa cảm xúc:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ
mười mong một người
Tương tư là nỗi nhớ của lứa đôi yêu nhau trong xa cách - xa cách về không gian, xa cách về thời gian. Câu mở đầu trải ra chiều rộng của không gian từ thôn Đoài đến thôn Đông. Câu thơ thứ hai mở ra chiều dài của thời gian chín nhớ mười mong. Cặp lục bát khai mở ấn tượng chung về tương tư - nỗi nhớ trong tình yêu đôi lứa là những ám ảnh day dứt về không gian và thời gian. Đó không chỉ là khoảng cách của ngoại giới mà chủ yếu là khoảng cách trong không gian tâm tưởng của nhân vật trữ tình. Ở hai đầu câu thơ cũng là ở hai đầu nỗi nhớ là chàng trai xứ Đoài và cô gái thôn Đông. Đôi lứa nhớ nhung hóa thành hai miền không gian nhung nhớ. Họ hóa thân thành một bộ phận của thiên nhiên, hòa tan vào thiên nhiên, tất cả như có hồn, sinh động, xôn xao. Cụm từ chín nhớ mười mong gợi liên tưởng đến câu ca dao quen thuộc:
Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Ngũ lục sông cũng lội, thất bát
cửu thập đèo cũng qua
Hai câu thơ tiếp theo có sự chuyển điệu của nhân vật trữ tình, vẻ mộc mạc của ca dao được thay bằng giọng của thơ Mới, tân thời, hiện đại
Gió mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi
yêu nàng
Không phải lời của một thân phận lạc loài, dị biệt, với nhiều mặc cảm giữa nhân quần, cũng không phải là lời của chàng trai chất phác, nhà quê ở nơi thôn dã mà đó là lời phát ngôn của cái tôi hiện đại, thời Âu hóa ở chốn thị thành. Nhân vật trữ tình sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, sánh mình với trời, cắt nghĩa, lí giải hiện tượng “đồng bệnh”. Ngông ngạo là thế! Thì ra cái tôi cá nhân, sau khi giải phóng khỏi “cái ta” vẫn không hề nhỏ bé, vô nghĩa. Nó có sức mạnh tự thân, có nhiều điều để nói với mọi người và nói với chính mình. Hiếm gặp trong ca dao một lời giãi bày táo bạo và trần trụi đến vậy.
Sau phát ngôn gây “sốc”, cái tôi cá nhân trở về hóa thân triệt để, đóng tròn vai nhân vật chàng trai thôn Đoài để thể hiện một cách sinh động “nội dung” của nỗi tương tư với những uẩn khúc lạ lùng của nó:
Hai thôn chung lại một làng
Cớ sao bên ấy chẳng sang
bên này
Chàng trai tạo cái cớ vu vơ, chẳng liên quan gì đến tình yêu đôi lứa để mà băn khoăn, bắt lí, bắt lẽ… để nói lời trách móc, giận hờn: Người đâu sao lại hờ hững, vô tình đến vậy! Lấy cớ chung lại một làng là để xoáy sâu vào tình cảm chưa chung giữa hai người và như thế thì sự lẻ loi của chàng trai là phi lí. Chưa hết những ám ảnh về không gian lại tiếp nối những ám ảnh về thời gian:
Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành
cây lá vàng
Hết qua rồi lại qua… cái chuỗi ngày vô vị vô tình, càng sốt ruột bao nhiêu thì lại càng lê thê, dằng dặc bấy nhiêu như cố tình trêu ngươi vậy. Cái nghịch lí trữ tình của thời gian như cụ Nguyễn Du từng trải nghiệm:
Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày
dài ghê
Thời gian của người tương tư chẳng vô hình, với Nguyễn Bính nó có màu vàng tàn phai, héo úa. Chữ lại đứng án ngữ giữa câu lục khiến cho dòng thời gian cuộn lên như con sóng dâng trào. Nhung nhớ, khắc khoải, bồn chồn, lan tỏa vào cảnh vật để cho cây lá cũng tàn tạ, úa vàng. Hành trình thay mùa đổi vụ cũng hằn in sắc màu của tâm trạng. Đó cũng là giọng điệu, cách nói rất ý nhị, kín đáo của người bình dân.
Các cung bậc tâm trạng tương tư diễn biến rất tự nhiên, vừa qua những ám ảnh về thời gian, lại tiếp nối những day dứt về không gian. Không lặp lại một cách nguyên xi mà có sự đột biến, tăng cấp. Những băn khoăn, ngờ vực… không thể gói trọn trong một cặp lục bát mà nó được nối dài thêm, được mở rộng ra chiếm trọn cả bốn dòng thơ:
Bảo rằng, cách trở đò giang
Không sang là chẳng
đường sang đã đành
Nhưng đây cách một đầu đình
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi
Nhân vật lại đối diện với nghịch lí trữ tình của không gian. Cũng là không gian ấy thôi mà khi thì xa cách muôn trùng, rất rộng, rất dài từ thôn Đoài đến thôn Đông đến chín nhớ mười mong cũng không thỏa lấp đầy. Ấy thế mà khi lấy cớ để trách móc, dỗi hờn bởi sự vô tình, hờ hững thì không gian thu hẹp đến kiệt cùng, chỉ cách một đầu đình gần, rất gần. Không cần đến cả cây cầu, dải yếm cũng có thể gặp gỡ, sum vầy. Thế mà cách mặt, xa lòng, ngỡ quen mà lạ, tưởng gần hóa xa. Từ láy xa xôi vọng lên âm điệu của lời than xót xa, tiếc nuối… giọng điệu than thân lâm li, tủi hờn của ca dao dân ca. Những thi liệu quen thuộc: Đò giang, đầu đình cùng với cách thức biểu đạt in đậm cảm thức dân gian. Nhưng đan xen vào kết cấu ngôn từ đậm chất ca dao là những câu hỏi, những từ ngữ mang tính luận lí, tranh cãi: Cớ sao, bảo rằng, đã đành, nhưng… xuất hiện với mức độ khá dày đặc là một hiện tượng hiếm thấy trong ca dao.
Cứ như thế, mạch thơ cứ xoáy sâu mãi vào khoảng cách vượt qua cái mênh mông về không gian lại đến cái đằng đẵng về thời gian. Là sự trở lại nhưng không trùng lặp. Tâm trạng nhân vật trữ tình, thổn thức, khắc khoải, day dứt suốt cả bốn dòng thơ:
Tương tư thức mấy đêm rồi
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho
Bao giờ bến mới gặp đò
Hoa khuê các, bướm giang hồ
gặp nhau?
Nếu thời gian tương tư ở trên là ngày qua ngày thì trong đoạn thơ này lại là ròng rã thức mấy đêm rồi đau khổ, giày vò, trăn trở. Thay đổi vị trí của một chữ trong cụm từ biết cho ai thành ai người biết cho làm nên một nét mơ hồ để cho người đọc nao lòng bởi âm điệu thở than, xa xót vì nỗi cô đơn không người chia sẻ, ngậm ngùi một nỗi thương mình. Có ngậm ngùi, xót xa nhưng không bi lụy bởi có một câu hỏi cất lên hướng tới tương lai bao giờ mở ra niềm hi vọng xa vời.
Nhà thơ sử dụng ẩn dụ liên hoàn – kiểu ẩn dụ sinh ra ẩn dụ (bến – đò; bến gặp đò; hoa – bướm, hoa gặp bướm) thuần chất dân gian nhưng lại để lộ ra (cố ý hay tình cờ?) cái tôi Thơ Mới không đóng tròn vai người nhà quê. Trong câu Bao giờ bến mới gặp đò là hình tượng cặp đôi quen thuộc của ca dao, dân ca nhưng ở câu bát Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau – hình tượng cặp đôi đã thấm đượm tình ý lãng mạn, ý vị thơ Mới: Không tròn vai dù là cố ý hay tình cờ cũng tạo nên một phong vị lạ, một nét duyên riêng làm nên cái chân quê – Nguyễn Bính.
Nguyễn Bính dành cho phần kết bài thơ bốn dòng lục bát tách thành một khổ:
Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có một hàng cau
liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không
thôn nào?
Những trách móc, dỗi hờn, khắc khoải dường như đã lắng dịu lại để cho nỗi bâng khuâng lan tỏa. Hình ảnh cặp đôi giầu – cau biểu tượng cho duyên vợ chồng - hiện lên như một khát khao, niềm hi vọng đem lại âm hưởng lạc quan, khỏe khoắn đậm đà phong vị ca dao. Phần kết như thế đã là điều lạ của một bài thơ Mới, một nhà thơ Mới. Cùng thời với Nguyễn Bính, phần lớn các nhà thơ để cho cảm xúc nghiêng về khổ đau hơn là hạnh phúc; sự tan vỡ hơn là sum vầy; thích khóc hơn cười, thích buồn hơn vui… để được đắm mình trong nỗi khổ đau, nỗi cô đơn, nỗi buồn của chính mình. Xem các nhà thơ tự nhận diện mình ta sẽ thấy điều đó Tôi là một cô hồn; Tôi là kẻ lạc loài, là khách giang hồ, là Chiếc thuyền say… Nhà thơ Hồ Dzếnh đã nhắn gửi người yêu: Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé; Chế Lan Viên đòi nhặt lá vàng để chắn nẻo xuân sang.
Sự khác biệt đó làm cho Tương tư của Nguyễn Bính có vẻ đẹp duyên quê khác với Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử cùng viết về đề tài tương tư.
Giọng điệu cũng có sự vận động, thay đổi. Phần đầu bài thơ là giọng kể chuyện bâng quơ, trống không giữa tôi và nàng thì đến cuối bài đã là giọng ngôn ngữ đối thoại – là tiếng thầm thì với người yêu trong tưởng tượng: Nhà anh, nhà em. Sự xa cách trở thành sự gần kề.
“Tương tư” rất chân quê nhưng là một bài thơ Mới đích thực
Mới ở cách thể hiện thế giới nội tâm con người: cảm xúc yêu đương được mổ xẻ tường tận và miêu tả tinh tế, sâu sắc. Mới còn là sự hợp thành, sự vận động đa chiều của cảm xúc, tâm trạng. Tương tư là nỗi nhớ, là tự phân tích nỗi nhớ, là trách móc, ngờ vực, dỗi hờn, băn khoăn, ngậm ngùi, là nỗi cô đơn, khát khao được gặp gỡ và cả những trạng thái không thể định danh chỉ mong manh, thoảng qua, hư ảo.
Với những ai nông cạn, chỉ biết thực tế tầm thường thì những tương tư, trông đợi kiểu đơn phương ấy là vô nghĩa, là vớ vẩn. Nhưng với nhà thơ lãng mạn thì đó lại là ý thức về mình, là một cuộc đi tìm mình khắc khoải.
Chân quê - Nguyễn Bính cũng để lại dấu ấn rất sắc nét ở bình diện kết cấu. Tương tư có một kiểu kết cấu rất hiện đại như nhiều bài thơ Mới khác là kết cấu theo diễn biến tâm trạng. Sự hình thành kết cấu bài thơ gắn liền với cái tôi trữ tình tự đào sâu vào mình, quan sát và tự thể nghiệm mình thông qua các trạng huống cụ thế, cá biệt nhưng lại có hai xu hướng vận động trái chiều, ngược hướng khác nhau: Một mặt đào sâu vào các khoảng cách bằng tâm trạng chín nhớ mười mong, mặt khác là quá tình nỗ lực vận động để xóa nhòa mọi khoảng cách bằng khát khao và hi vọng. Hai xu hướng cùng tồn tại không ngừng xung đột với nhau mà không triệt tiêu lẫn nhau.
Nhưng nếu dõi theo tâm trạng nhân vật trữ tình qua hệ thống từ ngữ cặp đôi: Thôn Đoài - thôn Đông, một người - một người; bên này – bên ấy; nhà anh – nhà em; giầu – cau… thì bài thơ có lối kết cấu truyền thống của ca dao: Vòng vo, xa gần, cuối cùng vẫn quy về điểm kết, điểm cần nói: Câu chuyện nhân duyên để khi lời thơ đã hết, chất thơ vẫn tiếp tục vang vọng trong cõi vô ngôn.
Tương tư – nỗi nhớ trong tình yêu là trạng thái tâm lí thường xuyên bất ổn. Luôn vận động là một thuộc tính của tình yêu lứa đôi Ôi! Tình yêu muôn thuở/ Có bao giờ đứng yên (Xuân Quỳnh). Đó là thứ tình cảm đẹp nhất mà thượng đế ban phát cho nhân loại.
Bài thơ Tương tư đậm đà phong vị truyền thống nhưng là sản phẩm sáng tạo của thi sĩ thời thơ Mới. Yếu tố truyền thống tham gia vào cấu trúc bên trong làm nên tác phẩm nghệ thuât. Sự kết hợp nhuần nhuyễn ấy là Chân quê – Nguyễn Bính, là vẻ đẹp của Tương tư cũng là bản sắc độc đáo của thơ Nguyễn Bính.