Họa sĩ trẻ kể chuyện xứ thần thoại bằng tranh

GD&TĐ - Bộ tranh “Xứ thần thoại” của họa sĩ Đặng Việt Linh lấy cảm hứng từ những câu chuyện tại ngôi làng quê hương trong quá khứ với những kỷ niệm, ký ức đẹp như cổ tích được trưng bày tại Hà Nội mới đây đã mang đến cho công chúng nhiều cảm xúc. GD&TĐ đã có buổi trò chuyện với hoạ sĩ Đặng Việt Linh về câu chuyện của những bức vẽ xung quanh triển lãm.

Họa sĩ Đặng Việt Linh (bên phải) tại triển lãm “Xứ thần thoại”
Họa sĩ Đặng Việt Linh (bên phải) tại triển lãm “Xứ thần thoại”

Mỗi bức tranh là một câu chuyện

Thưa họa sĩ, ý tưởng thực hiện triển lãm “Xứ Thần thoại” được anh chuẩn bị trong thời gian bao lâu? Triển lãm lấy cảm hứng từ đâu?

Bộ tranh được thực hiện trong vòng hơn 3 năm từ năm 2015 đến tháng 6/2018. Bộ tranh vẽ về những kỷ niệm tại ngôi làng quê hương, nơi có những câu chuyện diễn ra rất bình dị. Những câu chuyện đó đã ăn sâu và tạo nên những tình cảm gắn bó không thể quên, là ký ức của một thời đã xa mà chắc chắn ai cũng đã từng trải qua.

Bộ tranh là những kỷ niệm có thật của tôi về nơi mà sinh ra và lớn lên, tôi muốn hoài niệm về một quá khứ mà ở đó thấy mình luôn được yêu thương và hạnh phúc, nơi luôn tạo cho mình những cảm giác yên bình, gần gũi. Chắc chắn rằng, ai trong chúng ta cũng có một nơi như thế, luôn luôn đón nhận, đùm bọc chúng ta bất cứ khi nào chúng ta cần.

Mỗi bức tranh trong triển lãm có phải là một câu chuyện thần thoại? Anh muốn gửi gắm điều gì qua những bức tranh đó?

"Qua bộ tranh tôi muốn thể hiện sự trân quý đối với những kỷ niệm, ký ức đã qua, những điều bình dị đó luôn là chất liệu cho tâm hồn, cho cuộc sống tươi đẹp và chính nó là bản chất cấu thành xã hội của chúng ta".

Đúng vậy, mỗi một bức tranh là một câu chuyện, tuy nhiên chủ đề “Xứ thần thoại”, các tác phẩm không vẽ về những thứ huyền thoại xa xôi ảo vọng mà tôi vẽ về thứ huyền thoại vẫn đang và luôn tồn tại trong cuộc sống hàng ngày.

Những con người chăm chỉ lao động, những con người luôn yêu mến, giúp đỡ nhau, những bà mẹ dành cả cuộc đời mình để lo lắng cho con cái, những người cha luôn dang đôi tay che chở cho gia đình của mình, những đứa trẻ đi những bước đi đầu tiên, biết nói tiếng đầu tiên bằng tiếng mẹ đẻ hay đơn giản hơn nữa chỉ là một cơn gió giữa trời hè oi bức… đều trở thành huyền thoại.

Hướng đến các tác phẩm mang tính gợi mở

Trong các bức tranh tại triển lãm, bức tranh nào anh tâm đắc nhất và dành cho nó nhiều thời gian và tình cảm trong đó?

Mỗi một bức tranh lại là một câu chuyện khác nhau, những ý tưởng khác nhau, khó có thể nói là tâm đắc bức tranh nào nhất, các tác phẩm là mạch câu chuyện xuyên suốt. Vì vậy, chúng hỗ trợ nhau trong việc tạo ra không khí và ý tưởng mà tôi muốn thể hiện.

Là một họa sĩ trẻ, với anh để tác phẩm hội họa đến với công chúng, điều gì quan trọng nhất?

Có rất nhiều hướng để các tác phẩm nghệ thuật tiếp cận với công chúng, nhưng sự quan trọng phải đến từ hai bên, cả tác giả và người thưởng thức. Các tác phẩm sẽ mang tính gợi mở hơn là mang ý niệm chủ quan của người nghệ sỹ, đáp lại, công chúng cũng phải có được nền tảng giáo dục và nhận thức về nghệ thuật tốt hơn.

Sau triển lãm lần này, dự định trong thời gian tới anh có triển lãm nào khác không?

Hiện tại, tôi đang thực hiện các tác phẩm đa dạng hơn như sắp đặt, điêu khắc và kết hợp nhiều chất liệu, chủ đề mới cũng sẽ mang tính xã hội và hướng tới nhận thức của cộng đồng nhiều hơn. Hy vọng trong tương lai gần, các tác phẩm mới có thể đến được với khán giả yêu nghệ thuật.

Xin cảm ơn anh!

Đặng Việt Linh (sinh năm 1993) quê ở Phú Thọ, tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Trước “Xứ thần thoại” anh đã có triển lãm cá nhân “Mơ” rất thành công được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ