Để điêu khắc gần gũi với cộng đồng

GD&TĐ -Thiếu vắng các tác phẩm có tầm, nhiều sáng tác thiếu thẩm mỹ và tính ứng dụng; chưa có một đầu ra ổn định cho tác phẩm điêu khắc; Các hoạt động sáng tác rơi vào trầm lắng… Đó là thực trạng chung mà ngành điêu khắc Việt phải đối diện. Giải bài toán trên bằng cách nào không dễ trong quá trình hội nhập.

Để điêu khắc gần gũi với cộng đồng

Khi điêu khắc sử dụng tùy tiện

Thực tế việc sử dụng điêu khắc thời gian qua cho thấy, tại nhiều khu đô thị mới hiện nay, các chủ đầu tư thường khá sính đưa vào khu đô thị những công trình điêu khắc có thần thái ngoại lai. Việc sử dụng gần như không tuân theo nguyên tắc chung cơ bản của mĩ thuật mà nghiêng theo phục vụ ý tưởng, mục đích riêng chỉ đơn thuần để đề cao biểu tượng của chính doanh nghiệp mình.

Lý giải về tình trạng sử dụng điêu khắc khá tùy tiện này, các nhà quản lý văn hóa và họa sĩ điêu khắc đã chỉ ra, khi xây dựng công trình chủ đầu tư chỉ cần phối cảnh sao cho hợp với kiến trúc công trình, dẫn đến việc các tác phẩm điêu khắc có chất lượng khó chen chân đến đây.

Chung quy lại, chủ đầu tư luôn đặt lợi ích kinh tế lên trên tất cả nên chưa có sự nhìn nhận xác đáng cho những công trình văn hóa. Để làm thay đổi vấn đề này không dễ dàng bởi nó không phải tác động vào sáng tác của nghệ sĩ sao cho phù hợp hiệu quả với cảnh quan xung quanh. Mà khó hơn thế phải thay đổi về mặt nhận thức, mục đích yêu cầu của những người có tiền khi “chơi” điêu khắc.

Với thực trạng này, rất nhiều quan điểm của giới chuyên môn cho rằng cần có nhiều triển lãm điêu khắc giới thiệu, hoặc những quy định cụ thể hơn trong việc sử dụng, đưa điêu khắc vào đời sống.

Chỉ khi nào những triển lãm, quy định có tác động mạnh mẽ tới vấn đề nâng cao nhận thức toàn xã hội, trong đó có các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các nhà quản lý đô thị trong việc giữ gìn, chỉnh trang các khuôn viên trụ sở khu đô thị, nơi công cộng... thì khi đó điêu khắc mới được sáng tác và sử dụng hiệu quả, phù hợp. Giữa cảnh quan và điêu khắc mới hòa quyện và tôn vinh nhau cùng đẹp.

Tuy nhiên, từ việc tác động làm thay đổi nhận thức, nhu cầu của các chủ đầu tư, doanh nghiệp... đối với các biểu tượng kiến trúc đặt trong các không gian công cộng, phía trước các trụ sở lại là một vấn đề không dễ dàng. Bởi như họa sĩ Nguyễn Cường khẳng định, phần lớn các tác phẩm điêu khắc trong các cuộc triển lãm vẫn nặng về chiêm ngưỡng, tính thân thiện phù hợp với cảnh quan chung còn hạn chế.

Tại Hàn Quốc, khu vực vườn hoa có công trình ghế đá, có một bức tượng trong tư thế sẵn sàng đỡ người con gái thất tình và đó là bức tượng thân thiện, giúp người dân được giải tỏa về mặt tâm lý. Trên thế giới, nhiều nước đã có những không gian thân thiện kiểu này… Các nhà điêu khắc đều khẳng định, đây là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay. Tác phẩm điêu khắc là sản phẩm hàng hóa nghệ thuật nên cũng phải tuân thủ cơ chế thị trường.

Điều mà điêu khắc Việt nên làm trong thời gian tới để có một hướng đi phù hợp, thức thời nhưng không lố, đó là tổ chức được những hội nghị khách hàng và mời được các nhà đầu tư xây dựng tham gia. Tại đây, vừa để phát huy vai trò của nhà quản lý trong việc kết nối giới điêu khắc với các doanh nghiệp, chủ đầu tư để đưa các tác phẩm có giá trị ứng dụng vào cuộc sống, vừa nhằm kích thích, thay đổi nhận thức người sử dụng điêu khắc, nghệ sĩ sáng tác trong quá trình tạo nên tác phẩm.

Mặt khác, trước một thị trường và hoạt động sáng tác điêu khắc đang có dấu hiệu “trầm lắng”, thiếu thích nghi với thực tế cuộc sống… các nhà quản lý chuyên môn cần có những giải pháp tháo gỡ hiệu quả hơn nữa. Tuy nhiên, đây là việc làm không hề dễ, vì hiện không có cơ chế nào ràng buộc các cơ quan hay bắt buộc không gian công cộng phải bố trí các công trình điêu khắc.

Chỉ có thể tác động đến nhận thức, thẩm mỹ các chủ đầu tư trong vấn đề sử dụng điêu khắc. Nếu mỗi chủ đầu tư chỉ cần dành ra một khoản kinh phí và vì cái đẹp chung trong việc xây dựng, lắp đặt các biểu tượng kiến trúc thì mỗi không gian kiến trúc khi được thiết kế sẽ trở nên thẩm mỹ hoàn hảo hơn khi đưa vào sử dụng.

Để điêu khắc vào đời sống

Trong xu thế phát triển hội nhập, nhiều khu đô thị lớn được xây dựng và đưa vào hoàn thiện thì việc làm đẹp cảnh quan môi trường thẩm mỹ cho các khu đô thị này trở thành nhu cầu không chỉ của chủ đầu tư mà của người sử dụng. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra nhu cầu này hiện đang được đáp ứng nhưng chưa phát huy hết giá trị mỹ thuật và ứng dụng.

Ngành văn hóa đã có những cuộc triển lãm tác phẩm điêu khắc, biểu tượng kiến trúc đặt trước trụ sở, tòa nhà, khu đô thị, công viên, nơi công cộng… nhằm góp phần vào việc khẳng định vai trò và tác động thẩm mỹ, văn hóa của tác phẩm điêu khắc, biểu tượng kiến trúc trong đời sống xã hội. Đồng thời khuyến khích thúc đẩy việc đưa mỹ thuật vào đời sống cộng đồng, tạo tiền đề cho những ý tưởng sáng tạo nghệ thuật đến gần hơn với công chúng. Tuy nhiên, những hoạt động này vẫn không thấm vào đâu so với thực tế yêu cầu.

Một họa sĩ điêu khắc từng chia sẻ: Ông có cơ hội được đi nhiều nước và thấy ở các nước họ có những vườn tượng rất đẹp, mang đậm bản sắc dân tộc. Người dân tại đây cũng luôn mong muốn có những công trình như thế, trong khi ở nước ta dường như mối quan tâm đến các biểu tượng kiến trúc trong không gian này vẫn còn khá xa vời.

Một thực trạng đáng lo lắng khác cho mỹ thuật điêu khắc, đó là vấn đề thiếu đầu ra cho tác phẩm từ lâu đã được giới chuyên môn, nhà nghiên cứu và thậm chí các nhà kiến trúc, điêu khắc phản ánh. Thế nhưng đến nay, dường như vẫn khó tìm lời giải cho vấn đề nan giải này.

Rất nhiều nhà điêu khắc khẳng định, câu chuyện đầu ra cho các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đang khiến cho giới nghệ sĩ đau đầu. Nhiều nghệ sĩ sáng tác rơi vào tình trạng hoạt động nghề cầm chừng hoặc sáng tác xong tự thưởng thức.

Những hoạt động này chỉ mang tính thỏa mãn phần nào sức sáng tạo nghệ thuật khi họ vẫn còn rất yêu và tâm huyết với nghề. Còn trên thực tế, để những sáng tác lớn đưa vào đời sống không dễ dàng, thậm chí các tác phẩm sau triển lãm lại được mang về xếp đầy nhà, bởi thiếu người mua, cho cũng không đắt bởi không có người lấy.

Đến nay, câu chuyện tác phẩm nghệ thuật điêu khắc làm ra rồi để đó, không có công chúng, thiếu thị trường tiêu thụ cho dù đã được ngành văn hóa quan tâm, song vẫn còn khá phổ biến và chưa có lời giải thỏa đáng.

Tại nhiều khu đô thị việc sử dụng tác phẩm điêu khắc thường thể hiện theo ý tưởng, mong muốn riêng nhằm đề cao biểu tượng cá nhân doanh nghiệp. Việc luôn coi trọng lợi ích kinh tế khi sử dụng tác phẩm nghệ thuật đã khiến các sáng tác điêu khắc không thể hiện được nét đẹp văn hóa, thiếu tính cộng đồng, sự thân thiện với xung quanh… Để thay đổi điều này, cần thay đổi bắt đầu từ nhận thức người sử dụng điêu khắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ