Hai nhà văn mê mải mang ký ức tuổi thơ đến từng đứa trẻ

GD&TĐ - Cùng trở về tuổi thơ, nhớ về những kỉ niệm ngọt ngào thuở nhỏ qua hai tác phẩm mới: Mùa tiểu học cuối cùng và Bên suối, bịt tai nghe gió.

Lê Văn Nghĩa và "Mùa tiểu học cuối cùng".
Lê Văn Nghĩa và "Mùa tiểu học cuối cùng".

Mùa tiểu học cuối cùng

Vài năm trở lại đây, văn đàn Việt chứng kiến sự chuyển dịch thú vị, là khá nhiều tác giả lớn tuổi bỗng ngoái lại thời trẻ, với tuổi thơ cùng những kí ức trong veo của mình. Điều này hiện rõ qua các sáng tác của Bình Ca, Vũ Công Chiến, Trung Sỹ ở phía Bắc, và phía Nam là nhà văn Lê Văn Nghĩa.

Được xem là nhà văn trào phúng hiếm hoi, một mình một lối đi riêng giữa làng văn làng báo, từ ngày về hưu, nhà văn Lê Văn Nghĩa bỗng trẻ ra với các sáng tác về tuổi thơ Sài Gòn một thuở qua Mùa hè năm Petrus; Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy; Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian; Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ. Và bây giờ là Mùa tiểu học cuối cùng.

Nhà văn mời gọi độc giả đến với truyện dài mới nhất của mình: “Bạn ngồi xuống đây nghe tui kể chút nè, về mấy thằng bạn cà tưng lớp nhứt Hai trường tiểu học Bình Tây của tui. Cũng lâu lắm rồi á, hồi năm 1967 lận.

Chẳng hiểu sao lớp tui hồi đó toàn những đứa cà tưng thích làm mấy chuyện cà tửng. Ví dụ như thằng Cảnh hù với biệt tài “tè xa” vô địch thiên hạ. Thằng Chương tìm phép tàng hình như trong mấy tuồng Ấn Độ và… thành công thật. Thằng Thu bỗng một ngày biến thành con Thu. Thằng Ty bị té cây chùm ruột và trở thành thiên tài toán học… Tất nhiên là có cả tui nữa, quân sư quạt mo kiêm thầy dạy võ và là một nhà báo đại tài.

Mời đọc tiếp để biết tụi học trò tiểu học tụi tui ngày ấy đã quậy tưng bừng thế nào nhé. Không thua gì các bạn bây giờ đâu!”

Theo đó, bước vào 22 chương đoạn là như lật dở 22 cuốn album ảnh, ghi lại “đời sống học trò trước 1975”. Với thế mạnh của cây bút trào phúng, truyện của Lê Văn Nghĩa đầy ắp tiếng cười. Tiếng cười văng ra từ cách sử dụng ngôn ngữ. Tiếng cười văng ra từ những chi tiết ngồn ngộn chất sống. Những trang sách làm nên bức tranh rõ nét về đời sống, văn hóa, lời ăn tiếng nói của một Sài Gòn đã xa.

Mùa tiểu học cuối cùng đề cao tình bạn, tình cảm gia đình. Những đứa trẻ vô tư, trong sáng, quậy hết nấc nhưng luôn biết yêu quí bạn bè, muốn làm điều hay lẽ phải, trọng tình trọng nghĩa.

Truyện thiếu nhi nhưng Mùa tiểu học cuối cùng không chỉ dành cho thiếu nhi. Độc giả nhỏ tuổi ngày nay đọc để hiểu về thế hệ cha ông, còn người lớn đọc để được một lần quay ngược thời gian, sống lại tuổi thơ.

Mùa hè không smartphone với Bên suối, bịt tai nghe gió 

Ảnh: NXB.
Ảnh: NXB.

Sau thành công của truyện dài Trên đồi, mở mắt và mơ (NXB Kim Đồng, 2017), tác giả Văn Thành Lê mở ra nhiều không gian kì thú cho nhân vật Thành từ điển và nhóm bạn bước tiếp vào mùa Hè cuối cấp tiểu học với những vui buồn sâu hơn trong Bên suối, bịt tai nghe gió.

Làng quê thay đổi từng ngày từng giờ, dấu tích xưa cũ dần nhường chỗ cho các công trình và tiện nghi của cuộc sống hiện đại. Thế nhưng trong mắt cậu bé Thành từ điển, quê nội vẫn là xứ sở thần tiên, nơi chốn tuyệt diệu để trở về.

Mùa Hè đến, thỏa lòng mong ngóng bấy lâu, Thành và em gái được bố mẹ cho về thăm ông bà nội. Các trò chơi kì lạ với hội bạn thân, những khám phá đầy hào hứng mà cũng lắng đọng cảm xúc mở ra từ đây. Ngày Hè của các cậu bé, cô bé hiện lên thật sống động, tràn ngập tiếng cười và lấp lánh cả những hạt nước mắt.

Rộn ràng và luôn rổn rảng tiếng cười bởi những trò lí lắc, nghịch ngợm là không khí bao trùm lên toàn bộ cuốn sách.

Nhưng mạch ngầm kết nối từng câu chuyện vẫn là tình yêu thương ấm áp. Thành kể về những con người máu mủ, bác hàng xóm, con vật, cây cối bằng tất cả sự mến yêu và thương quý. Đúng như nhan đề của chương đoạn Yêu thương hóa giải mọi chuyện, với Thành yêu thương là sợi dây gắn kết, là phép màu để hàn gắn và chữa lành tất cả. 

Tác giả Văn Thành Lê và "Bên suối, bịt tai nghe gió".

Tác giả Văn Thành Lê và "Bên suối, bịt tai nghe gió".

Bên suối, bịt tai nghe gió đánh thức các em hãy bỏ xuống những chiếc điện thoại thông minh, những trò chơi tiêu khiển để cùng hòa mình vào thiên nhiên, cuộc sống thường nhật, lắng nghe những điều bình dị nhất như cách các bạn nhỏ đã thử bịt tai và thử nghe xem gió nói điều gì ở bên suối.

Còn với những bạn đọc không còn nhỏ tuổi, cuốn sách cũng đánh thức tâm hồn trẻ thơ trong họ, để họ hiểu được rằng niềm vui không ở đâu xa mà ở ngay cạnh, hiện diện xung quanh mình.

Nếu đã từng thích thú với giọng kể thông minh lém lỉnh của cậu bé Thành từ điển trong Trên đồi, mở mắt, và mơ, chắc chắn độc giả sẽ hào hứng với câu chuyện mới của Thành, với Bên suối, bịt tai nghe gió.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ