Sách cho thiếu nhi vẫn nối dài sai phạm

GD&TĐ - Sau khi nội dung của một cuốn sách thiếu nhi lan truyền trên mạng xã hội, nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu giáo dục và các bậc phụ huynh đã rất bức xúc.

Sách cho thiếu nhi vẫn nối dài sai phạm

Câu chuyện “Thánh Gióng tắm Hồ Tây” chưa có hồi kết thì mới đây truyện “Thạch Sanh” trong cuốn sách “Truyện cổ tích Việt Nam” quyển I của Nhà xuất bản Kim Đồng, do một nhóm tác giả sưu tầm và tuyển chọn, ông Trần Đình Nam làm chủ biên bị phát hiện mang một dị bản lạ, đồng thời có những chi tiết, ngôn từ phản cảmkhông phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi.

Sau khi nội dung này lan truyền trên mạng xã hội, nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu giáo dục và các bậc phụ huynh đã rất bức xúc.

Liên tiếp sai sót

Trong trang 40 của cuốn sách có đoạn viết: “Thạch Sanh con ơi! Mẹ phải chết đây con ạ! Con sống được là nhờ xóm nhờ làng, vậy khi con khôn lớn, con phải hết lòng vì làng vì xóm. - Nói rồi, bà cởi chiếc quần độc nhất của mình trao cho con: - Con cũng đã lớn rồi đấy, cởi truồng mãi thế người ta cười cho, hãy giữ lấy cái quần này của mẹ mà mặc.

Rồi bà tắt thở. Thạch Sanh không nỡ để mẹ chết trần, nên chỉ xé một mảnh ống quần để làm cái khố, còn mặc vào cho mẹ rồi nhờ xóm làng chôn cất tử tế”.

Còn trong đoạn miêu tả cảnh Thạch Sanh chiến đấu với Trăn tinh có đoạn:

“Cuối cùng Trăn tinh bị đuối sức, Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu Trăn tinh bổ xuống thật nhanh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi”.

Những câu chữ vụng về, miêu tả quá chi tiết và cách dùng từ ngữ quá mạnh mẽ không phù hợp với tuổi thiếu nhi.

Đa số các ý kiến đều cho rằng việc đồng ý cấp phép xuất bản và lưu hành những cuốn sách có nội dung phản cảm này sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách và giáo dục trẻ, nhất là lứa tuổi mầm non.

Cùng với truyện “Thạch sanh”, mới đây, bộ truyện tranh “Thần thoại Hy Lạp” cũng của nhà xuất bản này bị phát hiện có những hình ảnh không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi.

Cụ thể, trong tập 7 có tên “Số phận và bi kịch” có trang vẽ hình một pho tượng lõa thể, minh họa cho chi tiết Pygmalion (một nhà điêu khắc tài ba trong thần thoại Hy Lạp) tiến tới hôn pho tượng. Kèm theo hình ảnh là những lời văn miêu tả:

“Pic-ma-li-ông sung sướng ôm ghì lấy pho tượng hôn tới tấp như người bị mất trí”. Bộ truyện Thần thoại Hy Lạp gồm 20 tập, do Nhà xuất bản Kim Đồng mua bản quyền và phát hành tại Việt Nam.

Những sai sót này của Nhà xuất bản Kim Đồng tiếp tục nối dài tình trạng sai phạm tràn lan của ngành sách những năm qua.

Đánh mất niềm tin của độc giả

Chia sẻ về vấn đề này, một phụ huynh có con học tại Trường mầm non Họa Mi (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Bình thường khi mua sách hoặc truyện cho con tôi vẫn thường xem qua một vài cho đến chục trang để xem có vấn đề gì không ổn về nội dung hay hình ảnh không.

Tuy nhiên, tôi cứ tin tưởng sách của NXB Kim Đồng nên thường hay chọn mua. Không thể ngờ được trong sách lại có nhiều sai sót đến thế.

Riêng trường hợp này thì tôi nghĩ, dù mình có là người trực tiếp mua thì cũng có thể bị lọt vì không thể ngờ là thể loại sách đơn giản thế này, cơ bản thế này lại bị thực hiện sai trầm trọng như thế. Nói chung khá hoang mang, lo lắng và buồn”.

PGS.TS Vũ Anh Tuấn, giảng viên bộ môn Văn học dân gian, Trường ĐHSP Hà Nội cho rằng, việc thêm những tình tiết lạ trong câu truyện “Thạch Sanh” (những chi tiết như “nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi...”) không phù hợp với tâm lý tiếp nhận của lứa tuổi thiếu nhi, gây tác động xấu đến tâm lý, nhận thức của trẻ nhỏ.

“Về chi tiết Thạch Sanh được mẹ nhường khố, đây là một sự vụng về trong biên soạn, việc nhường y phục cho người khác là một mô típ sẵn có trong kho tàng truyện kể dân gian và người kể truyền miệng có thể dùng.

Truyện cổ tích là thể loại văn học truyền miệng, vì vậy ngôn ngữ thường giản dị, dễ nhớ, dễ lưu truyền. Mỗi câu nói truyền lại phải hay, đẹp, có mục đích giáo dục không thể đưa ngôn ngữ dung tục, thô kệch.

Cần phải cân nhắc, suy xét cẩn trọng khi kể cho các em thiếu nhi một câu chuyện cổ tích với ngôn ngữ như vậy - PGS.TS Vũ Anh Tuấn chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ