Buổi trưa miền sơn cước trong vườn thơ của Nguyễn Xuân Thâm

GD&TĐ - Bài thơ “Trưa” của Nguyễn Xuân Thâm, cũng là một cái bến “nắng mật vàng”, trong dòng sông trưa, đầy thơ mộng ấy.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Trưa nằm giữ rẫy

Chòi cao gió tràn.

Quả căng thớ ngọt

Theo tiếng chim hót

Trong lùm cây chim.

Con trâu nhai cỏ

Nghé ngủ hiền lành

Trời xanh đối mặt

Con mắt cũng xanh

Tiếng búa vang động

Chùn chùn núi quanh

Suối quay cọn nước

Rào rào bãi gianh

Lúa tràn thung lũng

Chạy dài như sóng

Tiếng chim tu hú

Cũng tuôn thành dòng.

Trưa nằm giữ rẫy

Nghe đời rộn ràng

Ong bay như dậy

Nắng trưa mật vàng.

Trưa

                    (Tiếng ong bay, 1959)

Cái không khí của những buổi trưa nắng vàng, tĩnh lặng ở làng quê, dù là miền xuôi hay miền ngược, tưởng như không có gì là thơ cả, ấy thế mà qua sự cảm lắng của Huy Cận, cái hồn trưa bỗng hiện lên sống động:

“Cả trời đất giữa lòng trưa rạo rực

Đang trùm ôm, thai nghén một điều chi...”

Cảm xúc về buổi trưa đã trở thành một dòng xuyên chảy. Từ những cái nắng trắng nhè nhẹ, có cu gáy, có bướm vàng và đôi lứa đứng bên vườn tình tự, trong ca dao xưa, cho đến ngày hôm nay, có đôi lứa, không biết giận hờn gì mà làm vỡ cả bóng trưa: “Bóng trưa vừa tròn thế, mà bỗng vỡ làm đôi!”.

Đây là một buổi trưa vào độ cuối xuân sang hè, trời lộng gió, đến mức chòi cao gió tràn; lúa chiêm chưa vào vụ gặt, còn chảy dài như sông, tràn khắp cả thung lũng và tiếng chim tu hú báo mùa vải chín, nối dài triền miên không dứt, đến mức cũng tuôn thành dòng âm thanh dào dạt như nước chảy.

Gió tràn, sắc màu tràn, âm thanh tràn… tất cả thành dòng, thành nét, tạo nên cái nền đặc sắc, bao quát cho bức tranh trưa, của miền sơn cước. Trên cái nền của màu sắc và thanh âm ấy, tác giả tiếp tục phác họa những đường nét chi tiết:

Quả căng thớ ngọt

Theo tiếng chim hót

Trong lùm cây chim.

Với tâm hồn nhạy cảm, thi nhân đã lắng bắt được những rung động tinh vi trong lòng cảnh vật. Sau cái vẻ bề ngoài lặng lẽ của trái cây, là những thớ thịt đang căng dần, cho quả thêm mọng, vị ngọt đang đậm đà cho quả thêm ngọt. Tất cả, những nguồn nhựa sống như đang được nhân lên theo tiếng chim hót líu lo.

Tất cả chim rừng như đã tụ họp về đây, đậu chi chít, nhiều đến mức lùm cây đã hóa thành lùm cây chim. Sau buổi sáng lao động mệt mỏi, lại gặp cái không khí oi nồng ban trưa gây ngủ, nhưng người canh giữ nương rẫy phải chống lại cái ngủ, để nằm thức với bóng trưa.

Cả cái không gian của buổi trưa rừng nắng gió, lồng lồng trời xanh như dào dạt vỗ sóng vào tâm hồn người giữ rẫy, làm hiện hình lên tất cả những sinh hoạt của cuộc sống dân dã:

Con trâu nhai cỏ

Nghé ngủ hiền lành

Trời xanh đối mặt

Con mắt cũng xanh

Mấy câu thơ chỉ gợi kể thế thôi mà như nói với ta nhiều lắm. Đây là những nét tương phản giữa tĩnh và động; giữa bầu trời cao mênh mang với con người nhỏ bé trên mặt đất, nhưng lại làm nên một bức tranh hài hòa, gắn bó, gợi cảnh sống yên lành.

Con trâu có cái dáng vẻ trầm ngâm, nhai cỏ mà như nhai vào cả cái vị mật vàng của nắng trưa. Còn con nghé, ngủ với dáng vẻ hồn nhiên như đã có một điểm tựa vững vàng nào đó. Trung tâm của bức tranh ban trưa này là hình ảnh người giữ rẫy, nằm thao thức, đối mặt với vòm trời cao xanh.

Cả vòm trời trưa như được thu cả vào trong đôi mắt, trời xanh, nên đôi mắt cũng xanh. Tất cả những âm thanh buổi trưa như vỗ sóng về và được tâm hồn lắng nghe, thu lại. Từ những âm thanh mạnh làm vang động núi rừng được thể hiện qua từ tả sắc thái âm thanh chùn chùn như:

Tiếng búa vang động

Chùn chùn núi quanh

Cho đến những âm thanh sâu lắng của cọn nước chầm chậm quay:

Suối quay cọn nước

Rào rào bãi gianh

Nếu như tiếng búa bổ vào đâu đó, có cường độ mạnh, tạo nên luồng âm thanh dữ dội, vọng vào vách núi, nghe đến chói tai thì tiếng của cọn nước trên dòng suối, bì bõm rót nước vào hệ thống máng và tiếng gió lướt qua bãi cỏ gianh rào rào, cùng với tiếng chim ríu rít, đủ loại, rồi tiếng ong bay rù rì, đã tạo nên một bản hòa âm, mang tính tương phản của ban trưa. Nổi lên trên nền của bản hòa âm đó là tiếng chim tu hú réo rắt, như một giọng lĩnh xướng vút lên, làm cho cái không gian trưa trở nên rộn ràng:

Lúa tràn thung lũng

Chảy dài như sông

Tiếng chim tu hú

Cũng tuôn thành dòng.

Bài thơ “Trưa”, của tác giả Nguyễn Xuân Thâm, với lời kể rất giản dị, nhưng lại rất giàu chất thơ. Chất thơ ở đây toát ra từ cảnh vật mang hồn trưa độc đáo của miền sơn cước hoang sơ - một buổi trưa trời xanh, nắng vàng, gió lộng, thưa vắng bóng người, chỉ có con suối, bãi cỏ gianh, cọn nước, thức cùng chim rừng, với lũ ong bay như sóng dậy và người gác rẫy. Tuy người vắng bóng, nhưng đời ở nơi đây vẫn có cái không khí rộn ràng riêng của nó:

Trưa nằm giữ rẫy

Nghe đời rộn ràng

Ong bay như dậy

Nắng trưa mật vàng.

Không biết cái hương sắc mật vàng, rót vào không khí ban trưa kia là từ đàn ong hay từ ánh nắng? Chỉ biết rằng buổi trưa ở nơi này có cái vị ngọt ngào như đang thấm vào cả tâm cảm của người thưởng thơ ca. Đây cũng là những nét riêng, phân biệt với những bức tranh trưa ở làng quê miền xuôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ